Có mặt từ năm 1982, Biti’s nhanh chóng trở thành sự lựa chọn tối ưu trên thị trường giày thể thao tại Việt Nam. Đặc biệt là sự ra đời của Biti's Hunter từ năm 2016 đến nay, Biti's lại một lần nữa lập "cú đúp" ấn tượng. Tuy nhiên, vì muốn tạo dấu ấn đậm mà có lẽ Biti's đã bước “hẫng” một nhịp, chiến dịch cho sản phẩm mới liệu có góp phần tạo nên sức nóng cho những sản phẩm sắp ra mắt của Biti’s?
Theo nhìn nhận từ các bạn trẻ, sự cạnh tranh mạnh mẽ, khốc liệt của một loạt các thương hiệu lớn và có tiếng trên thế giới có lẽ đã khiến những áp lực về thị trường của Biti’s ngày càng tăng dẫn đến cú “bật” mạnh không chỉ phản tác dụng mà còn là sự lội ngược dòng kém ngoạn mục.
Bằng chứng là sau khi một đoạn video clip được đăng tải, trong đó ghi lại cảnh các bạn trẻ dùng sơn "quét" lên đế giày sau đó đạp lên những gốc cây thông, bức tường, con đường để tạo dấu ấn. Một dấu hỏi đã được đặt ra và làm dậy sóng cộng đồng mạng, chiến dịch chiêu bài là quảng cáo hay "bôi bẩn môi trường"?
Quảng cáo hay đang "bôi bẩn môi trường"
Chiến dịch ghi dấu ấn trở thành đòn “phản lưới nhà”
Từ đầu năm 2018 đến nay, các quảng cáo của Biti’s ( Biti’s Hunter) đã tạo nên một làn sóng mới mẽ trên mạng xã hội. Trong đó, Facebook là kênh trọng tâm của các cuộc thảo luận đồng thời cũng là nơi diễn ra nhiều tác động nhất trong công cuộc truyền thông của Biti’s.
Tuy đoạn video clip mà Biti’s vừa cho ra mắt có lượt views (lượt xem) tăng đáng kể, nhưng dường như kết quả mà nó mang về lại là một con số đối lập. Cộng đồng mạng đang có những sự chia sẻ thẳng thắn, gay gắt với thương hiệu "nâng niu đôi bàn chân Việt".
Đây là những gì mà Biti’s nhận được khi dùng hình ảnh màu sắc dưới những đôi giày để lan truyền hình ảnh của mình, các bài đăng được chia sẻ chóng mặt trên Facebook:
Dưới một bài đăng về sự bôi bẩn này
Gay gắt hơn khi dân mạng quyết định tuyên bố "từ giã" với Biti's
Dấu ấn hay vết bẩn?
Vài năm trở lại đây, Đà Lạt được "cưng" nhiều, hơn nữa thành phố này là nơi đại đa số các bạn trẻ lựa chọn để nghỉ ngơi sau một chuỗi ngày làm việc căng thẳng. Chính vì thế, việc "động chạm" đến mỹ quan của nơi này tạo ra hiệu ứng mạnh mẽ từ giới trẻ đến cộng đồng là một điều dễ giải thích.
Điều đáng nói và cũng bị chỉ trích gay gắt qua những bình luận là những thần tượng có phần đông người ủng hộ (fans) lại hưởng ứng theo câu chuyện in sơn này và nếu không may fans của họ xem nó là một trào lưu, ịn dấu giày của mình ở những nơi mình đi qua như một kiểu check-in, đánh dấu thì liệu Đà Lạt sẽ như thế nào?
Hành động này liệu có quá phi thực tế?
Mặc dù ở cuối đoạn video, các bạn trẻ tham gia công tác diễn xuất đã có hành động lau chùi vết sơn, nhưng khán giả vẫn phản ứng quyết liệt thậm chí còn cho nó là một hành động chữa cháy vô tác dụng, mang tính tạm thời.
Cần nhìn nhận lại một lần nữa về "chất lượng"
Đoạn video dường như đã trở thành điểm mở đầu cho phong trào tẩy chay những sản phẩm có chiến lược quảng cáo thiếu tính toán như thế. Lúc này, chất lượng sản phẩm sẽ được CĐM "săm soi":
“Có đi mới có trở về. Đi thật xa, để khám phá, để trải nghiệm, để trưởng thành và trân trọng sự trở về, trân trọng hành trình trở về hơn. Đi thật xa để trở về" - là thông điệp mà đoạn video clip chia sẻ.
Chia sẻ về vấn đề này, bạn Võ Phúc, cho biết: "Thật ra nếu vì đoạn video clip này mà tẩy chay những sản phẩm chất lượng thì không đáng, vì dù sao chất lượng cũng là cái mà người ta quan tâm nhiều hơn".
Một bạn trẻ khác lại có ý kiến: "Thời buổi bây giờ truyền thông rất quan trọng, nên chất lượng về truyền thông vẫn là điều đáng lưu ý nhất, nó có thể khiến sản phẩm được biết đến nhưng cũng có thể khiến người dân quay lưng với sản phẩm".
Liệu tương lai, chất lượng mà Biti's đã làm được có bị "đào thải" khi mạo hiểm sử dụng hình ảnh những đôi giày dính đầy sơn để lại dấu ấn trên hàng cây thông "quý" nhất Đà Lạt và những điểm checkin nổi tiếng ở nơi đây. Dư luận đang chờ một câu trả lời và một hành động thiết thực từ Biti's, có như vậy lòng tin được xây dựng suốt bao nhiêu năm qua mới không thể bị sụp đổ.