Sài Gòn vẫn luôn được người ta nhắc đến với những điều thật tử tế. Chẳng khó để bắt gặp những bình nước, tủ bánh mì hay thậm chí là cửa hàng quần áo 0 đồng trên đường phố. Người Sài Gòn vốn sống với nhau bằng cái tình nghĩa hào sảng, hết lòng vì nhau. Thế nhưng mới đây trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh một bình trà đá miễn phí đặt trên vỉa hè phải quấn dây xích và khóa lại. Bức ảnh khiến nhiều người băn khoăn từ khi nào mà lòng tốt cũng cần phải "đề phòng" đến thế?
Bình trà đá miễn phí 3 lần bị đánh cắp
Theo thông tin trên báo Thanh niên, người đặt bình trà đá miễn phí này là ông Nguyễn Lưu Duy, 53 tuổi, chủ một tiệm sửa xe máy trên đường Nguyễn Thái Học. Ngày ngày chứng kiến những người lao động, người qua đường phải chịu cảnh nắng nóng, ông Duy quyết định đặt bình trà đá trên vỉa hè như một cách để san sẻ nỗi vất vả với họ. Ai khát thì ghé uống, lấy lại sức để tiếp tục công cuộc mưu sinh. Cứ như vậy, bình trà đá ấm áp tình người ấy đã đặt ở đó 3 - 4 năm nay.
Bình trà đá được xích bên đường (Ảnh: Thanh niên)
Thế nhưng hơn 1 năm nay, người qua đường ngỡ ngàng khi thấy bình trà đá của ông Duy bỗng dưng chằng chịt dây xích. Nó được quấn với cột điện gần đó và có khóa lại. Thì ra ông Duy làm vậy là bởi từ khi đặt bình đã có 3 chiếc cả nhựa lẫn inox "không cánh mà bay". Ông Duy chia sẻ trên Thanh niên, cửa hàng ông đóng cửa buổi tối nên không biết bị phá hay bị lấy đi. "Người ta vô ý thức mà. Tôi làm vậy thôi chứ bây giờ có ai đi qua lấy thì cũng đành chịu chứ biết sao được", ông Duy cho biết trên Thanh niên.
Liên tiếp bị mất bình, ông đành nghĩ ra cách khoa bình vào cột điện bên cạnh. Từ ngày bị khóa bình "mới chịu nằm yên vị". "Cái bình này cũng được hơn 1 năm rồi nên cái vòi nó bị hư. Tôi đang tính mua cái bình mới nhưng khổ nỗi chìa khóa lại không tìm thấy để mở bình ra".
Chiếc bình được đặt ở đây khoảng 3 - 4 năm nhưng đã bị mất đến 3 bình (Ảnh: Thanh niên)
Vẫn tiếp tục duy trì bình nước tình nghĩa
Ngày trước ông Duy thường cho đá viên vào bình nhưng thấy nhiều người cho cả tay vào bình lấy đá nên giờ ông mua cả tảng đá lớn thả vào để giữ vệ sinh.
Theo nhiều người dân sống gần đó, việc phải khóa bình lại cũng là "chẳng đặng đừng" bởi đâu có ai rảnh cả ngày để trông được bình nước. Dù người ngay - kẻ gian chẳng thể phân biệt nổi để "giữ của" nhưng với ông Duy đó là thói quen mang đến niềm vui mỗi ngày. Vì vậy dù có thế nào đi chăng nữa thì ông vẫn tiếp tục duy trì bình nước tình nghĩa.
Với ông Duy bình trà đã là niềm vui, là thói quen nên ông vẫn tiếp tục duy trì (Ảnh: Thanh niên)
Thấy ông Duy sáng sáng pha bình trà, nhiều người đến sửa xe cũng góp mỗi người một ít. Người 5 ngàn, người 10 ngàn,... Với ông Duy, số tiền đó không nhiều nhưng nó ý nghĩa. Bởi nó là cái tình giữa người với người, khiến niềm vui được lan tỏa.
Cảm ơn bác sửa xe tốt bụng
Những hình ảnh về bình trà đã miễn phí được quấn dây xích chằng chịt và câu chuyện về bác sửa xe tốt bụng đã nhận được sự quan tâm lớn từ cộng đồng mạng. Rất nhiều người đã gửi lời cảm ơn đến ông Duy cho rằng hành động của ông tuy không quá lớn lao nhưng lại khiến chúng ta có niềm tin vào cuộc sống.
Bình luận của CĐM (Ảnh chụp màn hình)
"Trà đá miễn phí, cơm chay miễn phí...Đó là nét đẹp của người Sài Gòn. Hầu như các tuyến đường ở thành phố này đều có những tấm lòng như vậy", bạn M.H.P bình luận.
Tuy nhiên việc phải quấn dây xích bảo vệ bình trà đá miễn phí cũng khiến không ít người xót xa: "Làm việc tốt cho xã hội cũng khó", bạn H.N bình luận.
"Ông Duy chính là một ví dụ cho sự hào sảng của người Sài Gòn. Cho đi mà chẳng cần nhận lại. Người Sài Gòn là như vậy đó", bạn P.T cho biết.
Giữa cái nắng như đổ lửa, được uống một ly nước mát lạnh xua đi sự mệt mỏi thì còn gì hạnh phúc hơn. Bình nước của ông Duy không chỉ có ý nghĩa vật chất mà đó còn là sự đồng cảm, chia sẻ đầy tình người, là nét đặc trưng trong cách đối xử của người Sài Gòn.
Bạn nghĩ như thế nào về câu chuyện trên, hãy chia sẻ cùng YAN nhé!
Ở Sài Gòn không thiếu những hàng cắt tóc miễn phí, ổ bánh mì tình nghĩa hay những quán cơm 0 đồng hỗ trợ người khó khăn. Những cửa hàng này vốn luôn nhận được sự yêu mến của rất nhiều người dân bởi sự chân thành. Thế nhưng mới đây một quán cơm chay 0 đồng đã phải lên mạng mời gọi mọi người đến ăn vì sợ ế đã khiến nhiều người cảm thấy xót xa...>>XEM THÊM!