Hiện nay, các quốc gia trên khắp thế giới đang không ngừng nỗ lực để nghiên cứu, tìm hiểu thêm về Omicron - một trong những biến thể "đáng lo ngại" do WHO đánh giá. Tại Việt Nam, các chuyên gia cũng khuyến cáo nên làm tương tự và sớm giải mã gene để phát hiện biến thể mới.
Omicron đang là biến thể được quan tâm nhất trong thời gian gần đây. (Ảnh: Reuters)
Chuyên gia gợi ý giải pháp để sớm phát hiện biến thể Omicron
Zing News đăng tải, sự xuất hiện của biến thể Omicron cũng giống với khi phát hiện virus Delta của Ấn Độ. Khi đó, biến thể nguy hiểm này được ghi nhận lần đầu vào tháng 12/2020, nhưng đến cuối tháng 4/2021, nó mới xuất hiện tại Việt Nam (ca bệnh 2.857). Tuy đến chậm nhưng virus vẫn khiến cho tình hình dịch bệnh tại nước ta trở nên vô cùng phức tạp. Chúng lây lan rất nhanh và thật sự bùng phát mạnh mẽ khi xuất hiện tại TP.HCM vào hồi tháng 5.
Vì vậy, khi Omicron xuất hiện ở một số quốc gia vào dịp cuối năm - thời điểm của nhiều dịp lễ, Tết - đã làm dấy lên mối lo ngại về làn sóng dịch thứ 5. Theo đề xuất của các chuyên gia, Việt Nam nên tạm thời đóng cửa một số đường bay quốc tế, tích cực giải mã gene các ca nhập cảnh dương tính, tuân thủ 5K, khẩn trương tiêm vaccine mũi 3 để đón đầu biến thể Omicron.
Vaccine hiện tại liệu có kháng nổi Omicron?
Cụ thể, quan điểm của bác sĩ Nguyễn Thanh Trường, Phó giám đốc điều hành Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM như sau: "Trước hết phải phát hiện được biến thể mới này, muốn phát hiện thì chỉ có duy nhất cách giải mã gene".
Bên cạnh đó, lãnh đạo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cũng cho rằng cần quan tâm người nhập cảnh để sớm phát hiện biến thể mới. Ông nói: "Trường hợp nhập cảnh nào dương tính thì chắc chắn phải giải mã gene. Số đó không nhiều, có thể làm được. Còn giải mã hết ca dương tính trong cộng đồng thì mênh mông quá, không khác nào mò kim đáy biển".
Chuyên gia y tế đang cố gắng giải mã gene. (Ảnh: Hà Nội Mới)
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Thu Anh và ông Ngô Hoàng Anh (Viện Nghiên cứu y khoa Woolcock Việt Nam) cũng khuyến nghị Việt Nam xây dựng hệ thống tầm soát các biến thể lưu hành bằng cách giải trình tự gene hoặc thực hiện xét nghiệm PCR ngẫu nhiên mẫu bệnh phẩm được thu thập, kể cả trong nước hoặc nhập cảnh.
Đồng thời áp dụng biện pháp tạm thời là hạn chế nhập cảnh với các nước có biến thể đang lưu hành hoặc có vị trí địa lý liền kề. Hai chuyên gia nhấn mạnh: "Những biện pháp này nên được duy trì đến khi Việt Nam có đầy đủ hiểu biết về biến thể và ảnh hưởng đến hiệu lực của vaccine, hoặc hệ thống y tế đã đủ sẵn sàng đón một đợt bùng phát mới".
Theo nhận định của TS.BS Nguyễn Trung Hòa, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Gò Vấp (địa phương đầu tiên chịu ảnh hưởng nặng nề của biến thể Delta tại TP.HCM), cho rằng giải pháp vẫn là “chống dịch triệt để” như đang làm.
>>Có thể bạn quan tâm: Biến thể mới Mu được xếp vào loại đáng quan tâm nguy hiểm thế nào?
Một chốt kiểm soát dịch bệnh tại nước ta. (Ảnh: Công An Nhân Dân)
Cũng theo TS.BS Nguyễn Trung Hoa, việc tiêm mũi 3, đặc biệt cho nhóm ưu tiên (nhân viên y tế, người bệnh nền, cao tuổi) là rất cần thiết trong thời điểm hiện nay. Bởi lẽ việc làm này sẽ bảo vệ những nhóm yếu thế về sức khỏe trong xã hội. Ngoài ra, ngành y tế cũng nên củng cố tuyến cơ sở, gia tăng năng lực. Còn bà con tiếp tục thực hiện nghiêm ngặt các quy định phòng ngừa dịch bệnh.
Hai chuyên gia từ Viện Woolcock cảnh báo: "Việt Nam cần phát triển các loại vaccine để có thể gia tăng khả năng bảo vệ chống lại biến thể này. Bởi về lý thuyết, sự kết hợp của nhiều đột biến trên protein gai sẽ làm giảm đáng kể hiệu lực của những loại vaccine hiện tại. Như vậy, dù không bị vô hiệu hoá hoàn toàn, khả năng bảo vệ chúng ta khỏi biến thể này sẽ thấp một cách đáng kể".
Theo chuyên gia, Việt Nam nên tăng cường công tác tiêm vaccine ngừa Covid-19. (Ảnh: Thanh Niên)
>>Xem thêm: Xác định nhóm đối tượng dễ bị biến thể Omicron ảnh hưởng
Biến thể Omicron làm thay đổi cuộc chiến chống Covid-19 trên toàn cầu
Dù chỉ mới xuất hiện chưa đầy 1 tháng, thế nhưng Omicron đã bị WHO liệt vào danh sách "biến thể đáng lo ngại" vì khả năng lây lan có thể hơn 5 lần Delta. Loại biến thể mới này có số lượng đột biến chưa từng có, khả năng lây lan ở cấp độ toàn cầu cao. Vì vậy, WHO khuyến cáo các nước áp dụng cách tiếp cận dựa trên đánh giá rủi ro để "điều chỉnh biện pháp đi lại quốc tế một cách kịp thời".
Sự xuất hiện của Omicron khiến cuộc chiến chống Covid-19 bước vào giai đoạn mới. Đây cũng là biến thể đầu tiên gây nên báo động nhanh như vậy kể từ khi được phát hiện. Hiện tại, biến thể nguy hiểm này đang gây xáo trộn trên diện rộng, với nhiều mặt khác nhau, Nhiều quốc gia đã phải đưa ra những hạn chế đi lại để ngăn chặn sự lây lan của Omicron. Giá cổ phiếu, giá dầu và trái phiếu của nhiều nước đối mặt nguy cơ lao dốc, từ đó cản trở quá trình quay lại bình thường của các quốc gia trên thế giới.
Omicron khiến ngành y tế ở nhiều quốc gia gặp áp lực lớn. (Ảnh: BBC)
Hiện tại, các chuyên gia y tế trên thế giới đang "chạy đua với thời gian" để tìm hiểu kĩ hơn về biến thể Omicron. Tuy được xác định với nhiều yếu tố nguy hiểm, song vẫn có thông tin chúng ta chưa biết rõ về Omicron. Để đưa ra kết luận chắc chắn, các nhà khoa học sẽ mất nhiều tuần để tìm hiểu, phân tích.
Dù hướng đi của đại dịch có thể thay đổi nhưng các chuyên gia vẫn nhấn mạnh vai trò của việc tăng cường chủng ngừa trong lúc các nhà sản xuất vaccine thử nghiệm hiệu quả của mũi tiêm trước biến thể Omicron.
Các nhân viên y tế đang nỗ lực nghiên cứu về biến thể Omicron. (Ảnh: CBS Boston)
Hiện tại, tất cả các quốc gia trên khắp thế giới đang không ngừng đẩy mạnh công tác phòng ngừa dịch bệnh. Tại Việt Nam, chúng ta cũng đang cố gắng thực hiện các biện pháp tương tự. Vì vậy, bà con nên chủ động bảo vệ bản thân bằng cách thực hiện nghiêm chỉnh các quy định phòng ngừa dịch bệnh.
Các thông tin đời sống xã hội sẽ được liên tục cập nhật tại YAN!
OMICRON CHƯA PHẢI BIẾN THỂ CUỐI, VIRUS SẼ CÒN TIẾP TỤC BIẾN ĐỔI
Thông tin do Đài phát thanh công cộng Mỹ - NPR News đăng tải cho biết, Omicron có thể chưa phải là biến thể cuối cùng của virus SARS-CoV-2. Bởi theo nhận định của giáo sư virus học Ian Mackay thuộc Đại học Queensland, Úc cho biết: "Né tránh miễn dịch là điều mà virus làm rất tốt. Nếu vẫn còn người dễ bị tổn thương, chúng ta sẽ mãi trong vòng luẩn quẩn như trước đây.”
Tuy chưa thể xác định được biến thể Omicron có nguy hiểm hơn Delta hay không, nhưng với lượng đột biến cao bất thường của nó, rất có khả năng lây lan nhanh cũng như né tránh được miễn dịch. Chưa kể hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới còn đang có tỉ lệ tiêm chủng khá thấp. Thống kê từ Bloomberg cho thấy, tỉ lệ tiêm vaccine tại Nam Phi còn chưa đến 25%, hay Ấn Độ mới chỉ dừng ở mức 31%.