Dân Trí đưa tin, Trần Văn Huy (ngụ tại xã Bình Thủy, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) sinh ra trong một gia đình khó khăn, thậm chí còn thiệt thòi hơn nữa khi cơ thể khiếm khuyết. Suốt 20 năm qua, cậu phải tập dùng đôi chân mà tạo hoá ban tặng để làm các công việc đời thường như ăn cơm, viết, đánh máy… thậm chí xâu kim.
Huy có thể dùng đôi chân để đánh máy tính. (Ảnh: Dân Trí)
Gia đình khó khăn nhưng bố mẹ vẫn cố gắng chạy chữa để mong con khỏe mạnh, có cuộc sống bình thường như bao đứa trẻ khác. Mẹ Huy (bà Nương) chia sẻ với Dân Trí: “Nuôi thằng Huy cực gấp 10 lần đứa trẻ khác. Đến 4 tuổi nó mới biết nói, khoảng 6,7 tuổi mới biết đi. Để đi được tôi không đếm nổi mình đã bồng con đến bao nhiêu bệnh viện, phòng khám có cả Đông - Tây y chạy chữa.”
Năm 9 tuổi, Huy nằng nặc đòi đến trường khiến mẹ hoang mang. Lo lắng rằng con không biết viết chữ, bà Nương vẫn “đánh liều” xin cho Huy nhập học. Không có tay, thời gian đầu, Huy dùng đôi chân để vẽ nguệch ngoạc cho tới lúc quen cách cầm bút. Những ngày đầu, cậu cắn răng chịu đau luyện viết khi bàn chân kẹp bút sưng tấy, mỏi nhừ, đau đớn.
Những ngày đầu tập viết, đôi bàn chân của cậu mỏi nhừ. (Ảnh: Dân Trí)
Tuy nhiên, nhờ kiên trì, hiện tại các con chữ của cậu đã tròn trịa và đều đặn, đẹp không thua các bạn trong lớp. Không chỉ viết, đôi bàn chân của Huy còn làm nhiều công việc khác như tự ăn cơm, đánh răng, lướt điện thoại hay giúp mẹ xỏ kim… Cậu cho biết thêm, dự định sau khi hoàn thành chương trình học cấp 2 sẽ theo học tại Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật An Giang. Tại đây, cậu được học chương trình phổ thông, tin học văn phòng và chứng chỉ nghề Kế toán doanh nghiệp.
Cậu tự tin tiết lộ: “Trừ việc chạy xe, những việc khác em đều có thể thực hiện chỉ với đôi chân của mình. Em rất thích đá banh, trước dịch hầu như tuần nào bạn em cũng đến nhà chở em đi đá banh. Tuy cơ thể em khác biệt nhưng em không còn tự ti nữa. Em tự hào vì em có đôi chân khỏe mạnh, làm được nhiều điều không phiền hà ai.”
Cậu có thể tự xâu kim bằng đôi bàn chân. (Ảnh: Dân Trí)
Huy là tấm gương vượt khó khiến chúng ta ngưỡng mộ. Qua câu chuyện của cậu, mỗi người cũng sẽ tự ngẫm ra được bài học cho riêng mình để cố gắng khiến bản thân ngày càng tốt hơn. Không riêng Huy, đã có rất nhiều trường hợp tương tự, dù khiếm khuyết cơ thể nhưng vẫn cố gắng, kiên trì theo đuổi con chữ tới cùng.
Trước đây, báo Nông nghiệp Việt Nam từng chia sẻ về trường hợp Nguyễn Tiến Anh sinh năm 2010 dù bị mất đi hai tay nhưng vẫn nỗ lực dùng chân nắn nót, tập viết từng chữ cái. Khoảng hơn 2 tuổi, Tiến Anh đã tự dùng chân của mình để xúc cơm, chơi trò chơi, tập tô, tập vẽ… Dường như nhận thức được cơ thể mình thiếu hụt nên cậu luôn cố gắng, kiên trì tập tành.
Tiến Anh hoàn thành tốt việc học trên trường. (Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam)
Không mặc cảm hay tự ti, khi đến trường, Tiến Anh luôn đùa vui cùng bạn bè. Cô giáo chủ nhiệm của cậu chia sẻ: “Ngày đầu Tiến Anh mới đi học, chúng tôi lúng túng không biết bố trí em ngồi chỗ nào cho thích hợp. Lúc đầu nhà trường bố trí em ngồi ở góc phòng, dưới nền xi măng lót áo mưa vì bàn học cao quá không phù hợp khi em viết bằng chân.
Khi học, hễ gặp chữ nào khó thì Tiến Anh đều cố gắng rèn cho bằng được. Em viết chữ bằng chân nhưng rất đẹp, rõ nét, mềm mại. Em học giỏi môn Toán và môn Tiếng Việt, vẽ cũng đẹp... Mỗi lần nhìn thấy Tiến Anh viết bài toát mồ hôi là mỗi lần tôi thấy thương em nhiều hơn. Mỗi lần nhìn thấy Tiến Anh cười và ríu rít khoe khi được điểm 10 cũng là mỗi lần tôi xúc động. Trên đời này đâu có nhiều người làm được điều đó.”
Cậu có thể tự dùng chân để sử dụng máy tính. (Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam)
Câu chuyện về Huy hay Tiến Anh đã đưa đến cho mỗi chúng ta một góc nhìn khác về cuộc sống. Chỉ cần chúng ta nỗ lực, kiên trì thì không gì là không thể. Hãy ngừng than vãn và luôn tiến về phía trước để khiến bản thân ngày càng tốt đẹp hơn.
Cùng cập nhật nhiều thông tin hấp dẫn tại YAN.
CẬU BÉ KHIẾM KHUYẾT VẼ ƯỚC MƠ TRÊN ĐẤT
Cũng như trường hợp của Huy và Tiến Anh nhưng cậu bé trong câu chuyện này có hoàn cảnh khổ cực hơn cả. Cậu mất đi đôi chân của mình nên suốt ngày chỉ có thể loanh quanh trong nhà và cần người khác chăm sóc. Có lẽ, những tổn thương quá lớn khiến cậu luôn khao khát mình có được một đôi chân giả để bước đi, ngắm nhìn thế giới như bao người khác.
Cậu đã dùng chính viên phấn, vẽ lên nền đất hình ảnh một đôi chân giả mà mình khao khát hàng ngày. Những chuyện tưởng như quá đỗi bình thường với người khác lại trở thành điều khao khát của cậu. Hình ảnh cậu bé ngồi bệt dưới đất, ngắm nhìn đôi chân giả mình vừa vẽ với ánh mắt khao khát khiến dân tình nghẹn lòng.