Việc trẻ biếng ăn là vấn đề nan giải mà các ông bố, bà mẹ hết sức đau đầu. Làm thế nào để giải quyết dứt điểm tình trạng này cũng là điều mà đa số các bậc phụ huynh trăn trở, quan tâm.
Tình trạng biếng ăn xảy ra ở hầu hết trẻ nhỏ. Đó là khi trẻ ăn rất ít hoặc không muốn ăn bất cứ loại thức ăn gì, đôi lúc sợ ăn, chán ăn. Trẻ thường khóc lóc, mè nheo, không nuốt thức ăn, phun ra, nôn trớ. Điều này có ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của trẻ. Chứng biếng ăn kéo dài sẽ khiến trẻ chậm lớn, còi cọc, suy dinh dưỡng, chậm phát triển, suy giảm hệ miễn dịch, sức đề kháng.
Chứng biếng ăn thường xảy ra ở trẻ trong giai đoạn từ 1-3 tuổi, độ tuổi cần bổ sung nhiều dinh dưỡng từ bên ngoài để trẻ phát triển toàn diện cả về trí não lẫn cân nặng khiến nhiều cha mẹ lo lắng. Tuy nhiên, chỉ với vài mẹo nhỏ sau đây, cha mẹ có thể “trị” được tình trạng biếng ăn của con một cách dễ dàng.
Cho con học thói quen tự lập
Đa phần, các ông bố bà mẹ thường có thói quen “tạo trò” khi cho con ăn. Cho con xem TV, nghịch điện thoại, đi rong, nhảy múa, làm trò trước mặt con rồi “lừa lừa” cho chúng ăn thêm một miếng. Về cơ bản, cách làm này khá hiệu quả ở những bước đầu, những càng về sau, trẻ sẽ càng chán nản, không muốn ăn, nôn trớ. Việc nhồi nhét không chỉ khiến con sợ hãi, mà còn làm trẻ “bực mình”, chống đối.
Không nên cố bắt ép trẻ ăn khi con không muốn.
Cha mẹ hãy để con tự quyết định, dừng bữa khi chúng không muốn ăn thêm nữa. Ngoài ra, cha mẹ cũng nên cho con học cách tự xúc ăn để rèn luyện thói quen tự lập cho trẻ. Từ 7-9 tháng tuổi, có thể tập cho bé bốc ăn để rèn luyện tay. Khi trẻ được hơn một tuổi, Hãy cho con tự cầm thìa và ngồi vào bàn ăn đàng hoàng.
Cho trẻ ăn khi thực sự đói
Nếu không muốn biến mỗi bữa ăn thành một “cuộc chiến”, cha mẹ hãy để trẻ ăn khi thực sự đói. Giữa các bữa chính và bữa phụ cũng nên cách nhau từ 2-3 giờ để trẻ kịp tiêu hóa thức ăn. Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng không nên nuông chiều con, để trẻ đòi ăn gì là được ăn nấy, chỉ nên cho trẻ ăn vặt 1 lần trong ngày để bảo bảo rằng bé sẽ không bỏ những bữa ăn chính.
Trẻ sẽ ăn ngoan thi thực sự đói.
Điều quan trọng mà cha mẹ cần phải biết là trẻ sẽ tiêu thụ năng lượng nhanh hơn, dễ đói hơn khi hoạt động nhiều. Hãy khuyến khích trẻ chăm chỉ hoạt động ngoại khóa, vận động thường xuyên như chạy, nhảy,… vừa giúp cơ thể khỏe mạnh, dẻo dai, lại vừa cải thiện được tình trạng biếng ăn hàng ngày.
Cho trẻ vận động thường xuyên để tiêu hao năng lượng, giúp trẻ ăn uống, hấp thụ tốt hơn.
Không kéo dài thời gian ăn
Tình trạng “ép ăn” luôn xảy ra ở mỗi gia đình có con nhỏ. Cha mẹ vì muốn ép trẻ ăn hết bát cháo, bát bột, mà cho con đi rong khắp nơi, vừa ăn vừa chơi, vừa xem. Điều này không chỉ gây mất thời gian mà còn khiến thức ăn mất ngon, lại càng làm trẻ không muốn ăn nữa.
Bởi vậy, mỗi bữa ăn cha mẹ chỉ nên giới hạn trong khoảng 30 phút. Nếu như bé không ăn được nhiều thì hãy cố gắng ở những bữa kế tiếp hoặc tăng thêm các bữa ăn cho trẻ.
Thực hiện quy tắc bàn ăn
Việc cho trẻ vừa ăn, vừa xem, vừa chơi như đã nói không chỉ gây mất thời gian mà còn làm giảm chất lượng bữa ăn. Trẻ dễ bị phân tâm, không tập trung trong lúc ăn, ngậm thức ăn, gây bất lợi cho đường tiêu hóa. Cha mẹ nên thực hiện quy tắc 3 không bao gồm không TV, không ăn rong, không đồ chơi. Cho con ngồi đàng hoàng trên bàn ăn để trẻ tập trung khi ăn uống, giúp con ăn được nhiều hơn.
Để trẻ ngồi trên bàn tự ăn, không đi rong, không xem TV hay nghịch đồ chơi.
Đa dạng thực đơn với chế độ dinh dưỡng đầy đủ
Trẻ nhỏ luôn cần phải cung cấp một chế độ dinh dưỡng đầy đủ. Cha mẹ hãy cho con ăn đúng bữa, đủ bữa, và đa dạng các món ăn. Để làm được điều này, các bậc phụ huynh nên bớt chút thời gian để trình bày, trang trí món ăn thu hút, đẹp mắt. Một món ăn được “tô vẽ” đẹp sẽ hấp dẫn trẻ và tạo cảm giác thèm ăn. Ngoài ra, các mẹ nên cho con phụ giúp chuẩn bị bữa ăn để tạo cho trẻ sự hứng thú. Điều đó sẽ giúp con ăn ngon miệng hơn đấy.
Hãy cùng nấu ăn với con để tạo sự hứng thú, giúp con ăn ngon hơn mẹ nhé.
Khuyến khích, khen ngơi và nhẹ nhàng, kiên trì khi cho trẻ ăn
Mỗi đứa trẻ đều cảm thấy vui sướng và thích thú khi được khen ngợi. Cha mẹ hãy làm nhiệm vụ khuyến khích con ăn thật nhiều, đồng thời đưa ra nhiều lời khen, nịnh nọt “con ăn ngoan quá”, “em giỏi quá”. Trẻ sẽ cảm thấy hào hứng mỗi khi nghe cha mẹ khen và cố gắng ăn thật nhiều. Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể tạo các phần thưởng nhỏ cho con như một chiếc phiếu bé ngoan, một chiếc kẹo,… để động viên trẻ. Con sẽ ăn ngoan đó cha mẹ ạ.
Khuyến khích, khen ngợi trẻ trong mỗi bữa ăn.
Cha mẹ sẽ chẳng còn vất vả và lo lắng về những “cuộc chiến” trên bàn ăn nữa khi nắm vững trong tay những bí quyết này. Chứng biếng ăn sẽ được cải thiện giúp con phát triển toàn diện và khỏe mạnh hơn.