Bí ẩn cầu "trấn yểm thủy quái" ngay giữa lòng phố cổ Hội An ít ai biết

19:00 27/03/2017

Cây cầu Nhật Bản, còn gọi Chùa Cầu, luôn là điểm thu hút lượng khách du lịch khi đến thăm Hội An. Nhưng ít ai biết được bí mật đằng sau nó.


Được biết đến là điểm thu hút khách du lịch nhất Hội An nhưng ít ai biết được ý nghĩa của Chùa Cầu (Ảnh: Instagram rebellious_dinie)
Được biết đến là điểm thu hút khách du lịch nhất Hội An nhưng ít ai biết được ý nghĩa của Chùa Cầu (Ảnh: Instagram rebellious_dinie)

Tương truyền theo lịch sử, chiếc cầu bắc ngang giữa lòng phố cổ được người Nhật cất lên vào giữa thế kỉ 17. Còn ngôi chùa ở trong lại do cộng đồng người Hoa xây dựng để thờ Bắc Đế Trấn Vũ. Thời bấy giờ, khu phố này từng là một thương cảng quốc tế sầm uất, nơi gặp gỡ của những thuyền buôn Nhật Bản, Trung Quốc và phương Tây.


Từ xa nhìn tới, cây cầu nổi bật dưới ánh đèn.
Từ xa nhìn tới, cây cầu nổi bật dưới ánh đèn.

Truyền thuyết kể lại, những người Nhật sinh sống ven Chùa Cầu thường nhìn thấy sống lưng con quái vật Namazu xuất hiện trên con sông Thu Bồn. Do vậy, mỗi khi di chuyển, đuôi của nó quẫy mạnh khiến mặt đất rung chuyển.
Để bình yên làm ăn buôn bán, họ đã mời thầy phong thủy giỏi để xem thế đất và xây dựng cầu ở nơi đây. Cây cầu tượng trưng cho thanh kiếm đâm ngay xuống sống lưng thủy quái, khiến nó không thể gây ra động đất thiên tai nữa.


Người dân tin rằng chỉ có thần Kashima, vị thần của sấm sét và kiếm đạo, mới có đủ khả năng chế ngự thủy quái Namazu.
Người dân tin rằng chỉ có thần Kashima, vị thần của sấm sét và kiếm đạo, mới có đủ khả năng chế ngự thủy quái Namazu.

Cấu trúc của Chùa Cầu đến nay vẫn còn vẹn nguyên dù đã xảy ra bao cuộc chiến tranh và bão lũ. Cây cầu xây dựng theo lối kiến trúc độc đáo, bắc ngang qua một lạch nước rộng gần 10m chảy ra sông Thu Bồn.


Biến động năm 1633 khiến các thương nhân Nhật Bản trở về nước. Và khi Nhà Minh (Trung Quốc) sang, người dân cho xây dựng thêm ngôi chùa nhỏ nằm sát cầu để thờ Bắc Đế Trấn Vũ.
Biến động năm 1633 khiến các thương nhân Nhật Bản trở về nước. Và khi Nhà Minh (Trung Quốc) sang, người dân cho xây dựng thêm ngôi chùa nhỏ nằm sát cầu để thờ Bắc Đế Trấn Vũ.

Với chiều dài gần 18 mét cùng 7 gian, trong đó 5 gian giữa nằm trên mặt nước, 2 gian hai đầu nằm trên bờ phía Tây và phía Đông, Chùa Cầu mang đậm dấu ấn kiến trúc Nhật Bản xưa. Trên cửa chính của Chùa Cầu có một tấm biển lớn chạm khắc nổi 3 chữ Hán là ‘Lai Viễn Kiều’ với ý nghĩa là "Cầu đón khách phương xa" thể hiện tinh thần hiếu khách của người dân xứ Quảng.

Nét đặc trưng trong văn hóa xứ Phù Tang (Nhật Bản) cũng được đem đến trong thiết kế như: mái ngói mềm mại, uyển chuyển với độ dốc thấp, những cột vuông, nền cầu lát vát hình vòng cung, những “Thần Khỉ” và “Thần Chó” (những con vật người Nhật luôn quý trọng) thờ ở hai đầu cầu.


Một giả thuyết khác được đưa ra rằng những bức tượng khỉ và chó xuất hiện trên cầu vì công trình này được động thổ vào năm Thân, hoàn thành vào năm Tuất.
Một giả thuyết khác được đưa ra rằng những bức tượng khỉ và chó xuất hiện trên cầu vì công trình này được động thổ vào năm Thân, hoàn thành vào năm Tuất.

Đến thăm phố cổ Hội An, du khách nên chú ý những tháng thường xảy ra lũ lụt kèm theo giông bão từ tháng 9 đến tháng 12 âm lịch. Mỗi khi lũ dâng, những dãy nhà ven sông thường ngập chìm trong biển nước, phải đến 3 – 4 ngày sau, thậm chí có khi cả tuần nước mới rút.

Cầu Chùa Nhật Bản không đơn giản chỉ là một điểm tham quan du lịch mà còn là công trình chứa đựng những giá trị kiến trúc giao thoa của 3 nền văn hóa Nhật – Việt – Hoa. Dù cho đến hiện tại, những câu chuyện huyền bí xoay quanh ngôi chùa vẫn chưa có lời giải đáp chính xác nhưng đối với những người con phố cổ, nơi đây luôn là chốn linh thiêng trấn yểm thủy quái, thờ tự vị thủy thần. “Có kiêng có lành” sẽ giúp cho cư dân tại đây làm ăn buôn bán được thuận buồm xuôi gió.

Ảnh: Internet