Sự suy giảm số lượng tuần lộc đang tăng tới mức báo động do biến đổi khí hậu toàn cầu.
Theo nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học, thì hiện tượng băng tan trên toàn cầu đang có diễn biến vô cùng xấu. Ước tính có tới gần 100.000 con tuần lộc đã thiệt mạng vì hiện tượng tự nhiên này.
Hàng chục ngàn con tuần lộc bỗng lăn đùng ra chết.
Các nghiên cứu từ ĐH Lapland (Phần Lan) cho thấy, chỉ trong 10 năm trở lại đây, cực bắc nước Nga đã có tới hơn 80.000 tuần lộc chết đói. Vào năm 2006, 20.000 con đã chết. Vào năm 2013, con số thiệt mạng là 61.000, chiếm 22% tổng số các loài vật.
Chúng chết đói bởi không thể tìm thấy thức ăn khi đông về.
Nguyên nhân duy nhất dẫn tới kết cục thảm khốc của loài tuần lộc được cho là do khí hậu bất thường ở vùng cực trong tháng 11. Nhiệt độ vào tháng 11 trong các năm 2006 và 2013 tăng mạnh không rõ lí do. Mưa lớn trên diện rộng bỗng đổ bộ khiến lớp băng xốp, mềm bao phủ trở nên cứng như bê tông.
Nghiên cứu trưởng Bruce Forbes thuộc ĐH Lapland cho biết: “Tuần lộc đực thường có khả năng đục phá băng dày 2cm để kiếm ăn. Tuy nhiên, trong hai năm 2006 và 2013, các lớp bằng dày tới 10cm.”
Sau nhiều cuộc điều tra liên tiếp, các nhà khoa học nhận ra nguyên nhân từ lớp băng bao phủ hai vùng biển lân cận – Barents và Kara. Trong hai năm có số lượng tuần lộc chết đói nhiều nhất, thì lớp băng tại khu vực Barents và Kara lại tan ra, thay vì dày lên như những nơi khác. Băng tan khiến nước bốc hơi, độ ẩm tăng, tạo thành mưa lớn. Khối mây mang không khí ẩm di chuyển về phía nam và trút xuống những cơn mưa lớn khủng khiếp. Đây lại chính là địa điểm tránh rét của tuần lộc mỗi khi đông về.
Hiện tượng tuần lộc chết hàng loạt sẽ có nguy cơ xuất hiện nhiều bởi diễn biến khí hậu khó lường.
Trong khoảng thời gian cuối của mùa đông, nhiệt độ xuống tới âm 40 độ C. Lượng nước bắt đầu cứng lại, trở thành lớp băng dày 10cm không thể phá vỡ. Và cứ thế, hơn 80.000 con tuần lộc lả dần đi và chết vì không thể kiếm được thức ăn.
Các nhà khoa học đang lo sợ rằng hiện tượng này sẽ lặp lại vào năm nay. Vào tháng 9 năm 2016, lượng băng trên biển tại Bắc Cực thấp thứ hai trong năm. Nhiệt độ đang ngày một tăng cao và hiện tượng này sẽ càng xảy ra thường xuyên hơn.
“Nghiên cứu này đã cho thấy sự mỏng manh của hệ sinh thái Bắc cực. Khí hậu Trái Đất có thể bị thay đổi chỉ bằng một tác nhân rất nhỏ.” – Ed Blockley, nghiên cứu trưởng thuộc tổ chức Polar Climate, lo ngại nói.
Theo Science Alert