Kể từ đợt tái bùng dịch Covid-19 cho đến nay, cả nước ghi nhận nhiều ca bệnh có tiên lượng xấu, là các bệnh nhân cao tuổi và đã mắc sẵn nền bệnh lý nghiêm trọng.
Tuy nhiên vừa qua, các y bác sĩ Việt Nam cũng đã cứu thành công 1 bệnh nhân Covid-19 có nền bệnh lý nghiêm trọng, nhập viện với tình trạng rất nặng. Ca phẫu thuật kéo dài 45 phút diễn ra tại Bệnh viện Trung ương Huế đã thành công tốt đẹp.
Xe đón bệnh nhân mắc Covid-19 được phun khử trùng. (Ảnh: Nhân Dân)
Bệnh nhân 456 có tiên lượng xấu khi nhập viện
Trong tổng số các bệnh nhân mắc Covid-19 đợt tái bùng dịch tại Huế có 1 bệnh nhân 55 tuổi, nhập viện vào ngày 30/7 và được chẩn đoán suy hô hấp cấp, hội chứng ARDS tiến triển nhanh, tăng huyết áp, huyết khối tĩnh mạch chi dưới và Covid-19. Bệnh nhân được tiên lượng nặng và ngay từ thời điểm nhập viện đã có tình trạng nguy kịch.
Khu vực cách ly trong bệnh viện. (Ảnh: Pháp Luật)
Ngày 4/8, các bác sĩ tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 đã phát hiện huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới có thể lan rộng đến tĩnh mạch chậu ngoài bên trái qua thăm khám lâm sàng và làm siêu âm tim, mạch máu. Ngay lập tức, các chuyên gia, bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Trung ương Huế đã hội chẩn và quyết định can thiệp đặt filter tĩnh mạch chủ dưới để cấp cứu và phòng ngừa biến chứng tắc mạch phổi cho bệnh nhân.
>> Xem ngay: Huế: Nhiều bệnh nhân mắc Covid-19 có nguy cơ diễn tiến xấu
Bệnh viện Đại học Y Hà Nội ứng cứu kịp thời
Theo các chuyên gia tim mạch nhận định, huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới có thể lan rộng tới tĩnh mạch chậu và cao hơn, gây ra biến chứng tắc động mạch phổi, tăng nguy cơ không qua khỏi ở bệnh nhân mắc Covid-19 có sẵn các nền bệnh lý nghiêm trọng như bệnh nhân 456.
Biện pháp đặt filter tĩnh mạch chủ giúp chủ động dự phòng tắc động mạnh phổi cho bệnh nhân, tuy nhiên thủ thuật này chưa từng được thực hiện trên bệnh nhân mắc Covid-19 có diễn tiến nặng.
Nhân viên y tế chuẩn bị trước khi đón bệnh nhân. (Ảnh: SGGP)
Đồng thời, Huế cũng không có sẵn các thiết bị sử dụng làm can thiệp nên phía Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã cấp tốc huy động vận chuyển thiết bị từ Hà Nội vào Huế qua đường hàng không. 13 giờ chiều ngày 5/8, chuyến bay mang theo thiết bị đã hạ cánh ở sân bay Huế, phương tiện, thiết bị và công tác hội chẩn chuyên môn đã sẵn sàng.
>> Đừng bỏ lỡ: Tâm sự của thanh niên 20 tuổi mắc Covid-19
Ca phẫu thuật 45 phút can thiệp tim mạch cho bệnh nhân diễn ra suôn sẻ
Ngay trong ngày 5/8, ca phẫu thuật can thiệp tim mạch cho bệnh nhân đã diễn ra thành công và kéo dài trong 45 phút. Kíp thực hiện bao gồm PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, GS.TS Phạm Như Hiệp được trang bị đồ bảo hộ đặc biệt phòng, chống Covid-19 đã tiến hành đặt filter tĩnh mạch chủ dưới cho bệnh nhân 456.
Nhân viên y tế và bác sĩ đeo khẩu trang trước khi tiếp xúc với bệnh nhân. (Ảnh: Báo Tài Nguyên Môi Trường)
Cũng ngay trong đêm 5/8, bệnh nhân được chụp CT phổi và theo dõi diễn biến lâm sàng. Hiện tại, bệnh nhân đang được chăm sóc đặc biệt tại Trung tâm cách ly và điều trị Covid-19 thuộc Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 trong tình trạng nặng.
>> Xem thêm: Ngày 04/08/2020: BV Đà Nẵng không còn bệnh nhân Covid-19
Còn bạn, bạn có suy nghĩ gì về tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam?
Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam
Tính đến chiều ngày 7/8, Việt Nam ghi nhận 750 ca nhiễm Covid-19, 10 trường hợp không qua khỏi do mắc nền bệnh lý nghiêm trọng và Covid-19. Hiện tại Việt Nam còn điều trị cho 348 bệnh nhân trên khắp cả nước.
Liên quan đến các bệnh nhân mắc Covid-19 trong đợt tái bùng dịch này, nhiều tỉnh, thành đã khẩn trương truy vết các trường hợp F1, F2 có tiếp xúc gần với bệnh nhân để ngăn chặn dịch lây lan trong cộng đồng.
Cũng trong ngày 7/8, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã gửi thông báo khẩn số 2, cập nhật lịch trình di chuyển của bệnh nhân 749.
Những người có tiếp xúc gần hoặc tiếp xúc với người tiếp xúc gần cần nhanh chóng liên hệ với cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ.