Bé 3 tuổi bị đột quỵ khiến người lớn không thể tin nổi

14:25 14/09/2020

Đột quỵ là căn bệnh tưởng chừng chỉ xuất hiện ở người cao tuổi, thế nhưng trên thực tế đã có những trường hợp bệnh nhân là trẻ nhỏ.

Mới đây, tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp nhận một ca đột quỵ của bé 3 tuổi khiến nhiều người lớn phải ngỡ ngàng.


Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh, nơi tiếp nhận ca bệnh. (Ảnh: MPE)
Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh, nơi tiếp nhận ca bệnh. (Ảnh: MPE)

>> Xem nhanh: Người đàn ông bị đột quỵ vì tắm nước lạnh sau khi tập thể dục

Bé 3 tuổi bất ngờ đột quỵ, bố mẹ "không thể tin nổi"

Theo Tuổi Trẻ đưa tin, chị N.T.T - mẹ của bé 3 tuổi quê An Giang cho biết con mình đang ở nhà thì bỗng lơ mơ rồi dần liệt nửa người, không biết gì cả. Gia đình đưa bé tới bệnh viện tỉnh nhưng sau khi chụp chiếu chỉ nghi là viêm màng não. Sau đó, bé đã được chuyển tới Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh để chữa trị.


Hiện tại bé đã được chữa trị thành công (Ảnh Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh)
Hiện tại bé đã được chữa trị thành công (Ảnh Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh)

Được biết, bé nhập viện trong tình trạng đau đầu, lơ mơ, liệt nửa người. Các bác sĩ đã phải chụp MRI cho bé và phát hiện bé bị đột quỵ nhồi máu não do huyết khối. Đây có lẽ là một kết quả không thể ngờ tới của gia đình vì chẳng ai nghĩ tới việc trẻ nhỏ như vậy lại có thể bị đột quỵ. Tới nay, may mắn là bé 3 tuổi đã được chữa trị thành công.


Phó Giáo sư Nguyễn Huy Thắng nói về một ca đột quỵ ở trẻ nhỏ. (Ảnh: Tuổi Trẻ)
Phó Giáo sư Nguyễn Huy Thắng nói về một ca đột quỵ ở trẻ nhỏ. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

>> Xem thêm: Người đàn ông bị đột quỵ khi đang lơ lửng trên cây dừa

Đột quỵ ở trẻ em: Khó phát hiện, nguy hiểm

Bác sĩ Huỳnh Hữu Danh, Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đột quỵ ở trẻ em là một bệnh rất hiếm, dễ bị chẩn đoán nhầm sang bệnh khác như viêm màng não. Ông cũng nói thêm: "Nếu không được chuyển viện, điều trị kịp thời thì bệnh nhi có nguy cơ tàn tật cao, thậm chí là nguy hiểm tới tính mạng".

Phó Giáo sư Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch hội Đột quỵ Thành phố Hồ Chí Minh là một người có nhiều năm nghiên cứu, điều trị cho hàng nghìn bệnh nhân đột quỵ cũng cho rằng căn bệnh này ở trẻ em là một thách thức trong việc chẩn đoán bởi nó rất hiếm gặp. Đã có nhiều ca do phát hiện bệnh muộn nên bỏ lỡ thời gian chữa trị vàng, ông cũng cho biết độ tuổi bệnh nhi thường là từ 10-12 tuổi, nhưng cá biệt cũng có bé mới chỉ 9 tháng tuổi.


Các y bác sĩ điều trị cho trẻ bị đột quỵ. (Ảnh: Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh)
Các y bác sĩ điều trị cho trẻ bị đột quỵ. (Ảnh: Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh)

>> Đừng bỏ lỡ: Người đàn ông bị đột quỵ sau khi tắm biển

Các triệu chứng và nguyên nhân

Theo Hiệp hội Đột quỵ Mỹ, đột quỵ ở trẻ em có triệu chứng tương tự như ở người lớn. Bệnh nhi có thể bị động kinh, rối loạn thị lực, méo mặt, yếu tay chân, rối loạn phối hợp vận động hoặc rối loạn ngôn ngữ nếu trẻ đã biết nói. Ba nguyên nhân chủ yếu gây ra đột quỵ trẻ em là bệnh tim bẩm sinh, bệnh lý tắc hẹp mạch não bẩm sinh và bóc tách động mạch.

Đột quỵ ở trẻ em chủ yếu có dấu hiệu ban đầu không rõ ràng, dễ nhầm lẫn sang các bệnh như co giật, viêm màng não hay yếu, liệt tay chân. Cũng do các nguyên nhân thường là bẩm sinh nên việc phát hiện và điều chỉnh bệnh ở trẻ nhỏ cũng gặp khó khăn hơn ở người lớn. Tuy nhiên nếu được phát hiện kịp thời, trẻ nhỏ sẽ có khả năng hồi phục cao hơn và các biến cố gặp phải cũng thấp hơn.


Khám sàng lọc là một biện pháp để biết nguy cơ gặp phải đột quỵ ở trẻ. (Ảnh minh họa: Bệnh viện E)
Khám sàng lọc là một biện pháp để biết nguy cơ gặp phải đột quỵ ở trẻ. (Ảnh minh họa: Bệnh viện E)

Đột quỵ nói chung và đột quỵ ở trẻ nhỏ nói riêng đều rất nguy hiểm. Do đó, mỗi người cần có nhận thức đúng cũng như nắm được các dấu hiệu nhận biết của bệnh để tránh làm lãng phí thời gian vàng chữa trị, giúp giảm thiểu biến chứng do đột quỵ gây ra.

PHÂN BIỆT ĐỘT QUỴ VÀ TRÚNG GIÓ

Mặc dù đột quỵ là một căn bệnh nguy hiểm nhưng nhiều người vẫn nhầm lẫn nó với trúng gió. Ở Việt Nam, mỗi năm lại có khoảng 200 nghìn người đột quỵ nhưng nhiều gia đình không nhận biết được các dấu hiệu nên cho rằng người bệnh bị trúng gió, việc này khiến giờ vàng chữa trị bị lãng phí, để lại hậu quả nghiêm trọng.

Do đó, cần phải phân biệt rõ giữa đột quỵ và trúng gió. Đột quỵ xảy ra rất nhanh, người bệnh thường tụt huyết áp, không nói được, mất nhận thức, hôn mê,... trong khi đó người trúng gió chỉ mệt mỏi, nhức tay chân, đau bụng, buồn nôn.

Nếu nhận thấy người bệnh có dấu hiệu đột quỵ thì nên nhanh chóng sơ cứu và gọi xe cấp cứu. Lúc này, nên đặt đầu người bệnh ở vị trí cao, nới lỏng quần áo, nói chuyện để giữ tỉnh táo cho họ. Nếu người bệnh bất tỉnh phải hô hấp nhân tạo ngay. Chú ý giữ ấm cho người bệnh để tránh co giật.

Không được xoa dầu gió, di chuyển người bệnh hay cho uống thuốc vì đây là nguyên nhân làm bệnh nặng hơn.