Trẻ em như "búp trên cành", non nớt, mỏng manh, chưa đủ nhận thức và cả sức lực để tự bảo vệ bản thân. Vì vậy, rất cần sự chung tay của người lớn, những người trưởng thành để giúp các em tránh được nguy cơ tổn thương lâu dài về thể xác lẫn tinh thần.
Thực tế, việc không bảo vệ được những đứa trẻ chỉ vì sự vô cảm đã gây ra không ít hậu quả đáng tiếc, khiến dư luận bàng hoàng, phẫn nộ. Để rồi những từ "giá như" được nhắc đến đầy hụt hẫng và tiếc nuối: Giá như chúng ta tâm lý hơn, giá như chúng ta biết trò chuyện nhiều hơn, giá như chúng ta để ý tới những đứa trẻ nhiều hơn thì mọi chuyện đã không như vậy. Nếu được phát hiện và can thiệp kịp thời, chúng ta đã có thể tránh đi rất nhiều kết cục bi thương.
Hơn bao giờ hết, tiếng nói của những người xung quanh là vô cùng quan trọng. Đừng để những đứa trẻ đơn độc trên đoạn đường mà chúng phải đi. Hãy đồng hành, chia sẻ và lắng nghe, để không bỏ qua bất kì một điểm đáng nghi nào đang khiến đứa trẻ bị tổn thương dù là nhỏ nhất. Cùng chung tay lên tiếng vì quyền lợi của những thiên thần nhỏ.
Một lần nữa, xin đừng im lặng, đừng coi những hành động gây tổn thương trẻ là "chuyện nhà người ta" - Hãy cùng lên tiếng!
CHA MẸ CẦN CẢNH GIÁC KHI CHO TRẺ EM TIẾP CẬN NHỮNG NỘI DUNG KHÔNG LÀNH MẠNH TRÊN MẠNG XÃ HỘI
Thực tế, không chỉ có những hành động bằng ngoại lực, mà việc buông lỏng trẻ tiếp xúc với những nội dung không tích cực cũng cần phải lên án. Cụ thể, trong thời gian gần đây, cư dân mạng đang lan truyền về một kênh YouTube trá hình nhân vật hoạt hình dạy cho trẻ nhiều ý tưởng tiêu cực.
Có thể thấy, nếu để con trẻ thường xuyên tiếp xúc với nội dung này có thể khiến các em bị lệch lạc trong suy nghĩ và hành động. Mặc dù quản lý YouTube đã vào cuộc nhưng không thể ngăn chặn hết hay xóa kịp thời các video chứa nội dung xấu này. Vậy nên vẫn cần có sự hợp tác và cảnh giác từ phía người lớn, luôn xem cùng với các bé hoặc chuyển sang chế độ dành cho trẻ em để bé không bị dẫn dắt sai hướng.