Bão Tembin đổ bộ vào đất liền đúng dịp Noel, cảnh báo rủi ro thiên tai cấp cao nhất: cấp 5

17:10 23/12/2017

Đánh giá về cơn bão Tembin, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTVTW nói: đây là cơn bão cuối mùa, xảy ra hiếm có. Chưa từng có cơn bão muộn nào mạnh cấp 11-12. 

Tại Hội nghị trực tuyến ứng phó với bão Tembin sáng 23/12, Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương (KTTVTW) cho biết, hồi 4h ngày 23/12/2017, vị trí bão Tembin ở vào khoảng 7,7 độ Vĩ Bắc; 120,9 độ Kinh Đông, cách đảo Pa-la-oan (Philippinnes) khoảng 330km về phía Đông Nam với sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10, giật cấp 13 đang hướng vào biển Đông theo hướng Tây. Dự báo trong thời gian tới, bão di chuyển nhanh, tiếp tục mạnh lên cấp 11-12, giật cấp 15.

Theo dự báo của Đài Quốc tế: Khoảng đêm ngày 25/12, bão đổ bộ trực tiếp vào khu vực từ Bà Rịa- Vũng Tàu đến Cà Mau, vào thời kỳ triều cao (3,8m).


Bão di chuyển nhanh và tiếp tục mạnh lên.
Bão di chuyển nhanh và tiếp tục mạnh lên.

Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo KTTVTW cho biết: Đây là cơn bão cuối mùa, xảy ra hiếm có. 
“Bão muộn như thế này 10 năm mới có 1 cơn, nhưng riêng bão mạnh như thế này, cấp 11-12 thì chưa từng có”, ông Cường nhấn mạnh.

Ông Cường cũng cho biết thêm, hiện nay Hồng Kông dự báo bão Tembin mạnh cấp 10, Hoa Kỳ dự báo cấp 11. Khi vào đất liền dự báo có thể khác nhau. Các đài dự báo bão sẽ đổ bộ vào khu vực Nam Bộ, đêm 25 sáng 26/12 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đất liền.

Còn theo dự báo của Trung tâm dự báo KTTVTW, đêm nay (23/12) bão sẽ vào biển Đông, mạnh cấp 10-11 và liên tục di chuyển chủ yếu theo hướng tây. Bão sẽ ảnh hưởng đến Nam Bộ, trực tiếp ảnh hưởng đến các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau.

Đưa ra kịch bản của bão Tembin, ông Cường cho rằng khi vào quần đảo Trường Sa, bão Tembin đạt cấp mạnh nhất cấp 12, có gió giật cấp 15. Thời gian từ Trường Sa vào đất liền chưa đến 1 ngày, tốc độ di chuyển của bão nhanh, cần sẵn sàng ứng phó. Đêm 25, rạng sáng 26/12, bão đổ bộ vào đất liền, sẽ giảm xuống cấp 10-11, ít nhất là cấp 9.

Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng xấu là khi vào bờ, bão vẫn giữ nguyên cấp 12. Như vậy, chúng ta sẽ phải cảnh báo cấp độ thiên tai cấp 5, mức cao nhất.

Khả năng thứ 2, với tốc độ di chuyển nhanh, bão Tembin suy yếu khi vào quần đảo Trường Sa và tan nhanh trên đất liền. Do vậy, lượng mưa trong đợt này không lớn, khoảng 100-200mm vùng trọng tâm bão, vùng xa hơn khoảng 50-100mm.

Để ứng phó với bão số 16-Tembin, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đề nghị, cần tăng cường cập nhật thông tin, kiểm đếm tàu thuyền, giữ liên lạc thường xuyên với các tàu đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão.

Huy động các lực lượng để kiểm tra hướng dẫn neo đậu tàu thuyền; rà soát các phương án đảm bảo an toàn cho người dân, nhất là khu vực dân cư trên đảo, ven biển có nguy cơ sạt lở mạnh,…

Riêng đối với huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa), Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu)… cần rà soát triển khai phương án đảm bảo an toàn cho người dân, khách du lịch và tàu thuyền. Tùy theo diễn biến của bão, các địa phương chủ động cấm biển.