Miền Trung có nguy cơ tiếp tục hứng cơn bão quốc tế Sarika đang mạnh dần lên ở trung tâm Biển Đông. Các địa phương cần chủ động trong công tác ứng phó với bão, rất có thể sẽ xảy ra sạt lở và ngập lụt nghiêm trọng.
Bão Sarika đang đổ bộ vào biển Đông. (Ảnh: TTKTTVTƯ)
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, từ hồi 19g ngày 14/10, vị trí tâm bão cách đảo Lu Dông (Philippines) khoảng 500km về phía Đông Đông Nam, với sức gió mạnh nhất cấp 11 -12 (90 – 100km/h), giật cấp 13 -14.
Đến 1g ngày 15/10, vị trí tâm bão Sarika đã ở vào khảng 14,2 độ vĩ Bắc; 125,1 độ Kinh Đông, cách đải Lu Dông khoảng 440 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (120 – 135km/h), giật cấp 13 -14.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão sẽ tiếp tục mạnh lên và di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 -15km. Và trong khoảng 1g ngày 16/10, vị trí tâm bão có thể ở vào khoảng 15,4 độ vĩ Bắc; 122, 2 độ Kinh Đông và nằm ngay trên khu vực phía đông đảo Lu Dông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 – 14 (135 – 165 km/h), giật cấp 15 – 16.
Mưa lũ gây ngập nặng các tỉnh miền Trung. (Ảnh: Internet)
Từ 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão sẽ di chuyển theo hướng Tây, vượt qua đảo Lu Dông vào Biển Đông. Và 1g ngày 17/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,3 độ Vĩ Bắc; 116,4 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 680 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, giật cấp 14-15.
Do ảnh hưởng của bão, từ sáng 16/10, vùng biển phía Đông Bắc Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 11-12, vùng gần tâm bão đi qua cấp 13-14, giật cấp 15-16. Biển động dữ dội.
Theo đó, trong hai ngày qua, khúc ruột miền Trung phải oằn mình gánh bão, Hà Tĩnh và Quảng Bình đã có mưa rất to gây ngập nặng. Lượng mưa phổ biến từ 200 – 500mm, riêng Đồng Hới 750mm, Minh Hóa 550mm.
Ngoài ra, tình hình mưa lũ vẫn diễn biến phức tạp tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình. Nước dâng lên nhanh và đã có 12 điểm sạt lở, ngập nước. Nước ở các hồ thuộc nam Hà Tĩnh (Hồ Khe Vàng, Khe Trồn, Khe Sóng, Xóm 10, Nhà Lào, Mục Bá, Hợp,…) và Quảng Bình (Hồ Hố Hô, Rào Đá, An Mã, Vực Tròn, Cẩm Ly, Thác Chuối, Phú Vinh,…) sẽ tăng rất nhanh. Các địa phương cần chủ động ứng phó với nguy cơ sạt lở, lũ lụt.
Cũng trong sáng nay (15/10), Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, ngành đường sắt đã giải tỏa được 2 đoàn tàu khách trên tuyến qua khu vực ngập nước. Hiện nay, 23 đoàn tàu khách khác và hơn 20 đoàn tàu hàng phải nằm chờ đường qua tỉnh Quảng Bình. Trung bình mỗi đoàn tàu có khoảng 500 hành khách, mỗi đoàn tàu chở hàng khoảng 600 tấn.
Sạt lở mái taluy đường sắt Bắc - Nam đoạn Ngọc Lâm - Lạc Sơn thuộc xã Châu Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình. (Ảnh: TTXVN)
Đặc biệt, tàu SE19 mắc kẹt ở ga Lệ Sơn với 132 hành khách, trong đó có 96 khách quốc tế. Do mưa bão, tuyến đường sắt Bắc Nam đã phải bị chia cắt. Các đoàn tàu theo hướng Bắc – Nam đều phải tạm dừng ở khu vực hà Tĩnh, Nghệ An. Các đoàn tàu theo hướng Nam – Bắc đều phải tạm dừng tại ga Huế, Đà Nẵng.
Sáng 15/10, trao đổi với VnExpress , ông Đỗ Quang Văn (Giám đốc chi nhánh vận tải hành khách Sài Gòn) cho biết, trong sáng nay chỉ có 2 đoàn tàu SE6 và 8 xuất phát từ ga Sài Gòn đi Hà Nội nhưng sẽ phải dừng ở Huế. Còn các chuyến tàu khác chưa có lịch chạy cụ thể. Ngày mai thì tàu SE 6 sẽ ngưng chạy.
Ông Văn cho biết thêm, "Hành khách đã mua vé tàu sẽ được bố trí để đi các chuyến khác, còn trường hợp hành khách muốn trả lại vé thì sẽ được hoàn tiền 100%". Đồng thời, ga Sài Gòn sẽ chủ động thông báo đến từng hành khách về việc hoãn các chuyến tàu đi Hà Nội.