Các em học sinh chỉ trong độ tuổi từ 14-16, thế nhưng đã biết lập "hội đồng", tấn công bạn cùng trang lứa với đủ mọi lý do ngay trong trường học. Tình trạng này đã dấy lên một hồi chuông báo động về nạn bạo lực học đường ngày càng gia tăng, thậm chí mức độ hậu quả nghiêm trọng cũng tăng lên.
Bạo lực học đường là một biểu hiện cụ thể của hành vi hung tính, trong đó hành vi hung tính được hiểu là hành vi mang tính thù địch, có liên quan đếm cảm giác tuyệt vọng và hẫng hụt, được biểu hiện rõ ràng bằng cường độ biểu đạt lời nói (đe dọa, chỉ trích, vu khống), hành vi (lăng nhục, đánh đập) và thái độ (ánh mắt thù địch).
Thời gian gần đây, các vụ bạo lực học đường xảy ra ngay tại trường học ngày càng gia tăng cả về quy mô lẫn tính chất khiến nhiều người cảm thấy lo lắng. Thậm chí, các em học sinh còn thản nhiên quay clip và tung lên mạng như một cách khoe "chiến tích" vô cùng tự hào của mình. Dưới đây là năm trong số rất nhiều vụ điển hình về bạo lực học đường từng gây phẫn nộ trong dư luận thời gian vừa qua:
Nam sinh lớp 12 bị bạn cùng trường đánh chết
Mới đây nhất, vào sáng ngày 23/10, khi đang trong giờ ra chơi, Dương Minh L. (đã bỏ học) và Nguyễn Văn V. (học sinh lớp 12A5 Trường THPT Tháng 10, xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang) đến trường và hỏi có ai tên là Ng. không.
Lúc này, Lý Hồng Ng. (học sinh lớp 12A4 trường THPT Tháng 10) trả lời là "có tao", thì bất ngờ hai đối tượng trên lao vào đánh khiến Ng. gục xuống. Ngay sau đó, nạn nhân được đưa đi trạm xá cấp cứu nhưng đã tử vong.
Nam sinh bị bạn hai người bạn cùng trường đánh đến tử vong (Ảnh minh họa: Internet)
Sáng 25/10, ông Đỗ Văn Dậu - Chủ tịch UBND xã Mỹ Bằng (huyện Yên Sơn) xác nhận với báo chí sự việc nghiêm trọng nói trên và cho biết, hai nghi phạm gây án đang bị tạm giữ tại Công an tỉnh Tuyên Quang.
Theo ông Dậu, thời điểm gây án, hai nam thanh niên Dương Minh Long và Nguyễn Văn Vượng không sử dụng hung khí mà chỉ đánh bằng chân, tay nhưng không may vào chỗ hiểm đã khiến em Lý Hồng Ng. tử vong.
Sau khi gây án, L. và V. đã bỏ trốn xuống Hà Nội. Sau đó, gia đình đã xuống bắt về và đưa ra cơ quan công an trình diện.
Nữ sinh bị đánh hội đồng do mâu thuẫn từ facebook
Ngày 7/10 vừa qua, nữ sinh H.T.T (học sinh lớp 7D THCS Trường Yên, Chương Mỹ, Hà Nội) đã bị chính nhóm bạn thân của mình đánh hội đồng sau giờ sinh hoạt lớp cuối tuần. Sự việc đã được em N.T.T. (học sinh lớp 8C) dùng điện thoại quay lại và đưa lên mạng xã hội vào lúc 14h ngày hôm sau.
Đoạn clip ghi lại sự việc khiến nhiều người hoảng hốt
Nguyên nhân vụ việc là do em H.T.T. đã lấy được mật khẩu và dùng tài khoản Facebook của một em trong nhóm bạn thân kia, đăng thông tin lên mạng dẫn đến mâu thuẫn và va chạm. Trong clip, em H.T.T liên tiếp bị nhóm bạn đánh tới tấp vào người và mặt, thậm chí các nữ sinh còn cố tình xé áo bạn nữ ngay tại lớp.
Nhóm nữ sinh đánh tới tấp em H.T.T (Ảnh chụp màn hình)
Sau khi xảy ra sự việc, BGH nhà trường đã báo cáo chính quyền địa phương, phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh, tiến hành gặp gỡ các gia đình để hòa giải. Đồng thời, nhà trường đã đưa học sinh bị đánh đi khám sức khỏe tại Bệnh viện Đa khoa Chương Mỹ. Kết luận của bệnh viện cho thấy, học sinh này không gặp ảnh hưởng gì nghiêm trọng và đã đi học bình thường trở lại.
Ngoài ra, nhà trường cũng cam kết sẽ xem xét cụ thể nguyên nhân để có biện pháp giải quyết mâu thuẫn, mức độ vi phạm của các em học sinh, từ đó đưa ra hình thức giáo dục, kỷ luật phù hợp.
Nam sinh "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" với bạn nữ giữa bục giảng
Chiều ngày 23/9/2017, cư dân mạng đã dành nhiều sự quan tâm để nói về đoạn clip ghi lại cảnh ẩu đả giữa giữa một nam sinh với một nữ sinh ngay trong lớp học. Trong clip, cả hai nhân vật trong vụ xô xát trên đều đeo khăn quàng đỏ và được cho là học sinh cấp 2.
Đoạn clip ghi lại cảnh nam sinh "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" với nữ sinh ngay trong lớp học
Theo nội dung đoạn clip ghi lại, một cậu học trò với sức vóc cao lớn đã "song phi", đấm, tát cô bạn cùng lớp ngay trên bục giảng. Còn về phía cô học trò cũng đã có những sự phản kháng nhất định. Tuy nhiên, với thể hình thua kém, cô không thể né tránh những cú ra đòn của bạn nam.
Trong khi vụ việc xảy ra, trong lớp có khá nhiều người và một số học sinh nữ đã đứng ra can ngăn. Tuy nhiên, dường như sự can ngăn đó hoàn toàn bất lực trước sự hung hãn của học sinh nam kia. Hành động xô xát chỉ thực sự dừng lại khi nữ sinh bị đánh không còn sức kháng cự thì cậu bạn mới chịu dừng tay.
Nam sinh lớp 10 bị bạn đánh trọng thương ngay trong lớp học
Sáng 24/8, trong giờ ra chơi, em T. (học sinh lớp 10 trường THPT Việt Lâm, huyện Vị Xuyên, Hà Giang) đã bị một nhóm bạn khóa trên liên tiếp đánh vào đầu, đá vào mặt. Vào thời điểm em bị đánh, có nhiều bạn học cùng lớp chứng kiến sự việc nhưng không ai dám can ngăn vì thái độ của nhóm người kia quá hung hãn.
Em T bị các bạn đánh đến chảy máu não (ảnh: báo infornet)
Đến khi tan học, T. được các bạn đưa về nhà nhưng do quá đau nên đã lịm đi, không nói được lời nào. Gia đình nạn nhân thì nghĩ rằng T. bị cảm nên chủ quan không thăm khám ngay, mà phải tới chiều, khi thấy tình hình ngày càng xấu đi thì mới đưa T. đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Hà Giang. Tại đây, các bác sỹ đã yêu cầu mổ gấp vì em bị chảy máu bên trong não.
Ngay sau đó, phía nhà trường đã lập tức mở cuộc điều tra, xác nhận các em học sinh có liên quan đến vụ việc trên đều là học sinh của trường cũng như yêu cầu nhóm học sinh này làm bản tường trình và cùng giáo viên chủ nhiệm tới thăm hỏi tình hình sức khỏe của em T. Ngoài ra, nhà trường cũng đã báo cáo sự việc lên Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang và cơ quan công an địa phương để xử lý đúng theo quy định.
Nhóm nữ sinh đánh bạn ngay tại lớp vì... ghen tuông
Sáng 17/5, đoạn clip ghi lại cảnh một nhóm học sinh nữ vẫn đang đeo khăn quàng đỏ dồn một bạn nữ khác vào góc tường và đánh hội đồng được lan truyền một cách chóng mặt trên mạng xã hội.
Theo đó, lúc đầu chỉ có một người đánh, nhưng vài phút sau thì thêm 2 người khác cùng lao vào đánh "ủng hộ". Nhóm học sinh nữ này liên tiếp đạp, giật tóc, đấm đá, dọa chặt chân và yêu cầu nạn nhân phải cởi áo.
Một nữ sinh "mở màn" đánh em V.A trước khi hai người còn lại cùng hùa theo
Nạn nhân thì một mực van xin, nói: "Tao xin lỗi mà" nhưng điều đó cũng chẳng khiến 3 bạn kia chịu dừng lại. Vụ việc diễn ra ngay trong lớp học, trước sự chứng kiến của rất đông các học sinh khác. Tuy nhiên, mọi người chỉ biết đứng nhìn và quay clip để có "trò vui" khoe trên mạng.
Qua tìm hiểu, được biết vụ nữ sinh đánh hội đồng trên xảy ra ở khối lớp 9, Trường THCS Thừa Đức (huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai). Vụ xô xát xuất phát từ sự ghen tuông của cô gái "cầm đầu" tên T với nạn nhân tên V.A.
Ngay sau khi nắm rõ sự việc, đoàn công tác của Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai đã đến trường để trực tiếp làm việc với học sinh, phụ huynh và các giáo viên để có phương hướng xử lý. Kết quả, 3 em trực tiếp đánh bạn phải chịu hình thức kỷ luật xếp loại hạnh kiểm xuống hạng yếu, các em sẽ không đượt xét tốt nghiệp lên lớp 10 mà phải chịu lưu ban một năm, còn học sinh quay phim thì bị hạ một bậc hạnh kiểm.
Tình trạng bạo lực học đường đang ngày càng gia tăng
Có thể thấy rằng, các vụ bạo lực học đường tại Việt Nam đang ngày càng gia tăng một cách rõ rệt. Trong đó, nguyên nhân khiến các em hành xử một cách thiếu suy nghĩ đa phần đều xuất phát từ việc không kìm chế được sự nóng nẩy của bản thân. Tuy nhiên các em lại coi đó là những lý do để bao biện cho hành động của mình.
Nếu như trước đây, các em học sinh đánh nhau phải giấu diếm nhà trường, cha mẹ thì ngày nay, các em thản nhiên đến "đáng sợ". Bất cứ ở đâu có xô xát là các bạn học sinh ngay lập tức quay clip để tung lên mạng, mặc cho nạn nhân có học chung lớp đi chăng nữa. Chính vì vậy, bạo lực học đường đã trở thành mối quan tâm lo lắng của rất nhiều gia đình, nhà trường và là nỗi trăn trở của toàn xã hội bởi hậu quả nghiêm trọng mà nó gây ra.
Theo báo cáo của Cơ quan phòng, chống tội phạm của Liên Hợp quốc (UNODC), mỗi năm trên thế giới có khoảng 6 triệu em trai và 4 triệu em gái có liên quan trực tiếp đến bạo lực học đường. Trên thực tế, con số này đang ngày càng tăng, bạo hành trường học trở thành vấn đề chung của giáo dục quốc tế.
Tại Việt Nam, số liệu được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra, trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học (khoảng 5 vụ/ngày). Cũng theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cứ khoảng trên 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau; cứ hơn 11.000 học sinh thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau;...
Còn theo Báo cáo của Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an), từ năm 2013 - 2015, đã xử lý hơn 25.000 vụ phạm pháp hình sự, xử lý trên 42.000 đối tượng, trong đó có hơn 75% là thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên.
Cần cho các em học sinh hiểu rõ hậu quả mà các em có thể phải gánh chịu
Chia sẻ suy nghĩ của mình về tình trạng bạo lực học đường đang ngày càng nghiêm trọng hơn, bà Phạm Thị Hinh - Hiệu Trưởng trường THCS Ngô Quyền, Sơn Tây, Hà Nội cho rằng, học sinh đánh nhau phần nhiều ở tâm lý thích thể hiện, thích phô bày cái tôi của mình để người khác nhìn vào cho rằng như thế là giỏi hơn đối phương, là "oai" hơn. Các em thích thể hiện cái tôi, cái mạnh mẽ của mình ở trong cú đấm chứ không phải trong ý kiến xây dựng bài.
"Từ nhỏ đến lớn các em học môn Đạo đức, môn Giáo dục công dân, trong môn Văn học cũng phần nào giáo dục lối sống cho các em, nhưng có lẽ điều đó là chưa đủ. Bởi sách vở chỉ là sách vở và cuộc sống mới là cái thiết thực nhất", bà Hình chia sẻ.
"Tôi đang tiến hành nhiều cuộc khảo sát tâm lý các em học sinh để tìm ra hướng giải quyết, bảo vệ cả tâm hồn lẫn thể xác các em. Nhưng tôi cũng mong rằng, gia đình, thầy cô hãy bớt đặt áp lực thành tích lên các em. Cha mẹ hãy chịu khó lắng nghe các em, thầy cô phải xích lại gần các em bằng mọi giá. Vì chính thành tích "hão" mới là điều kiện khiến bản năng bạo lực phát sinh giữa các em học sinh với nhau", Bà Hinh bày tỏ quan điểm.
Trước sự gia tăng cả về số lượng lẫn tính chất nguy hiểm của các vụ bạo lực học đường, chúng tôi đã tìm đến Luật sư Giang Hồng Thanh - Văn phòng luật sư Giang Thanh để được chia sẻ.
Theo Luật sư Thanh, hành vi bạo lực của trẻ vị thành niên trong độ tuổi cấp 2, cấp 3 có thể bị xử lý theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự hiện hành:
"1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.
2. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Như vậy, đối với các em học sinh từ đủ 14 tuổi trở lên, các em sẽ bị xử lý hình sự nếu phạm các tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, ví dụ như tội Giết người, tội Cố ý gây thương tích… và các tội khác có mức hình phạt cao nhất là từ 15 năm tù trở lên.
Đối với các em từ 14 tuổi trở xuống, các em sẽ không bị xử lý hình sự, tuy nhiên đối với các em từ 12 đến dưới 14 tuổi có thể sẽ bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng tùy vào loại tội mà các em phạm phải. Bên cạnh đó, gia đình của các em có trách nhiệm phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do các em gây ra đối với nạn nhân"
Về những trường hợp có hành vi quay lại đoạn clip và tung lên mạng, Luật sư Thanh cũng cho biết tùy vào từng trường hợp, tính chất, mức độ của đoạn clip và vào mục đích của người tung clip thì cơ quan chức năng mới có thể áp dụng chế tài xử lý chứ không phải trường hợp nào tung clip lên mạng cũng là hành vi vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, có một thực tế là đã từ rất lâu, hiện tượng quay clip việc đánh nhau, chửi bới, xé quần xé áo, làm nhục nạn nhân… rồi tung lên mạng nhằm dụng ý xấu khiến nhiều người trong clip cảm thấy xấu hổ, nhục nhã. Thậm chí đã có những trường hợp người trong clip phải tự tử. Thế nhưng hầu như không có cơ quan nào đi đến tận cùng của việc giải quyết, xử lý những người vi phạm có liên quan. Do đó hiện tượng này càng ngày càng phổ biến và có chiều hướng gia tăng.
"Lẽ ra khi xuất hiện những clip kiểu như vậy, cơ quan chức năng sẽ truy tìm người tung clip cũng như những người thực hiện hành vi trong clip, xử lý họ bằng các chế tài theo quy định của pháp luật nếu thấy có vi phạm. Điều đó mới có tác dụng răn đe và phòng ngừa", luật sư Thanh bày tỏ quan điểm.
Tổng hợp
Ảnh và clip: Internet