Theo các nhà nghiên cứu tại Đại học Manchester Anh, bàn chải đánh răng là nơi ẩn chứa của hơn 100 triệu vi khuẩn, trong đó bao gồm cả 2 loại nguy hiểm là E.coli và Staphylococci.
Bạn có biết, bàn chải đánh răng bạn sử dụng hằng ngày bẩn gấp 6 lần bồn cầu. Mỗi lần xả nước bồn cầu là một lần bạn phát tán hàng triệu vi khuẩn “Vi khuẩn trên bàn chải đánh răng còn nhiều hơn chỗ ngồi bệ vệ sinh”, Tiến sĩ nha khoa Curatola (Mỹ) cho biết.
Ngoài ra, trường ĐH Alabama tại Birmingham cũng đã xác định rằng, cả những loại vi khuẩn có trong phân cũng có thể xuất hiện trong bàn chải đánh răng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc khoang miệng của bạn có thể là nơi ẩn chứa của hàng triệu loại vi khuẩn kể cả các mảng bám - thứ mà chúng ta cố gắng loại bỏ bằng cách chải răng, cũng được coi là một loại vi khuẩn.
Các loại vi khuẩn thông thường có thể sống đến 3 ngày trên bàn chải đánh răng. Nếu như trong miệng đang có vết thương, các vi khuẩn sẽ lập tức tấn công gây nên tình trạng viêm loét. Kể cả trong điều kiện bình thường, lượng vi khuẩn trong bàn chải cũng tương đương với việc bạn đưa vào người 9 cốc nước bẩn.
Thế nên, để tránh rước bệnh vào thân, bạn cần phải bỏ túi ngay những bí quyết sau đây:
Không đánh răng gần bồn cầu:
Thông thường bồn rửa mặt hay được bố trí gần bồn cầu. Mỗi lần giật nước sau khi đi vệ sinh, vi khuẩn trong phân sẽ được giải phóng và bay vào không khí. Và hiển nhiên, một lượng lớn vi khuẩn cũng theo đó mà bám vào bàn chải đánh răng.
Cách tốt nhất là nên để bàn chải đánh răng càng xa bồn cầu càng tốt. Nếu cẩn thận hơn, bạn nên cất chúng trong tủ hay trang bị nắp đậy bàn chải đánh răng. Một điều lưu ý là luôn đóng nắp bồn cầu trước khi xả nước để tránh vi khuẩn lây lan nhé.
Việc đặt bàn chải đánh răng gần bồn cầu làm phát sinh rất nhiều vi khuẩn nguy hại.
Thường xuyên vệ sinh ống đựng bàn chải:
Nếu ống đựng bàn chải không được sạch sẽ cũng là môi trường lây lan vi khuẩn tương tự như việc giật nước trong bồn cầu. Song song đó, theo một nghiên cứu của Tổ chức Vệ sinh quốc gia tại Anh thì ống đựng bàn chải chứa lượng vi khuẩn nhiều thứ 3 trong số những món đồ gia dụng (chỉ thua miếng rửa chén và bồn rửa chén) mà thôi.
Ống đựng bàn chải đánh răng cũng là một trong những vật dụng nên vệ sinh thường xuyên.
Thay bàn chải đánh răng đều đặn:
Hiệp hội Nha khoa Mỹ cho biết, tuổi đời của một chiếc bàn chải nên từ 3 - 4 tháng mà thôi. Đặc biệt nên thay thường xuyên hơn khi thấy lông bàn chải nhanh mòn và hệ miễn dịch của bạn bắt đầu suy yếu. Với các loại bàn chải tự động cũng không nên luyến tiếc mà sử dụng trong suốt thời gian dài. Còn với các bé, bàn chải đánh răng cần thay thường xuyên hơn so với người lớn.
Việc "kiên trì" sử dụng một chiếc bàn chải trong thời gian dài có thể sẽ dẫn đến tác hại khôn lường.
Giữ bàn chải sạch và khô ráo:
Môi trường ẩm ướt trong bàn chải đánh răng là điều kiện phát sinh hàng loạt vi khuẩn nguy hại. Chính vì thế, bạn nên lưu ý những vấn đề sau đây:
- Mỗi khi đánh răng xong bạn không nên đặt bàn chải ở vị trí nằm ngang. Thay vào đó, nên dựng đứng để nước khô ráo, tránh làm lông bàn chải ẩm ướt.
- Vệ sinh bàn chải thường xuyên bằng các phương pháp như: ngâm bàn chải trong 1 cốc nước được pha với 1 thìa oxy già trong 30 giây; ngâm bàn chải trong nước súc miệng sau đó rửa lại bằng nước nóng; ngâm bàn chải trong nước giấm pha loãng hay trong 1 cốc nước nóng từ 3-5 phút cũng giúp tiêu diệt mầm bệnh... Hay đơn giản nhất là rửa sạch bàn chải đánh răng sau mỗi lần sử dụng đã giúp bạn hạn chế một phần không nhỏ việc mang vi khuẩn vào người.
Không dùng chung bàn chải với bất kì ai bởi những vi khuẩn lạ có thể nguy hiểm hơn so với vi khuẩn quen thuộc trên bàn chải của bạn.
Ảnh: Internet.