Bà Phạm Thị Huân (sinh năm 1954) ở Long An hiện đang giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân và được mọi người yêu mến gọi với biệt danh “bà trùm trứng”, “nữ hoàng trứng”. Từng chưa học hết lớp 5 nhưng bà Huân đã tự lực xây dựng sự nghiệp riêng, dám một mình sang nước ngoài thuyết phục tập đoàn Hà Lan để mang dây chuyền sản xuất trứng hiện đại về Việt Nam.
Bà Huân được mệnh danh là "nữ hoàng trứng" ở Việt Nam. (Ảnh: Vietnamnet)
Quá khứ cơ cực
Báo Công an Nhân dân đưa tin, Bà Huân sinh ra trong gia đình nghèo có 8 anh chị em. Vì hoàn cảnh khó khăn nên chỉ mới học tới lớp 5, bà đã phải nghỉ để đi làm kiếm tiền phụ giúp bố mẹ. Trong kí ức của người phụ nữ này, tuổi thơ là những buổi chiều cùng mẹ chèo xuồng dọc sông bán trứng. Đây cũng chính là “viên gạch đầu tiên” giúp bà biết cách đối nhân xử thế, xoay xở vốn, hiểu khó khăn, cực nhọc của những người nông dân.
Để có được cơ ngơi như hiện tại, bà từng trải qua quá khứ cơ cực. (Ảnh: Dân Trí)
Trưởng thành, bà xin làm công nhân cho một công ty nông sản. Thời điểm làm việc ở đây, mỗi khi có trứng vỡ, bà lại xin mang về bán lấy chút tiền lo cho gia đình. Biết người phụ nữ này từng lăn lộn, buôn bán trứng gia cầm nên công ty giao bà nhiệm vụ thu gom, phân phối trứng.
Nhận thấy kinh doanh trứng gia cầm có cơ hội phát triển, bà làm liều góp vốn lập nên công ty Ba Huân tại Sài Gòn vào năm 1982. Khoảng thời gian đầu là những tháng ngày nhọc nhằn, bà phải dầm mưa dãi nắng, vay mượn từng đồng vốn. Bà phải năn nỉ chủ trại cho mua chịu rồi mang thẳng trứng lên các vựa lớn nhất Sài Gòn. Thấy bà là người thật thà lại chịu khó nên những người chăn nuôi đồng ý cho mua chịu nhiều lần.
>> Xem thêm: "Phạm Băng Băng Việt Nam": Từ hai bàn tay trắng gầy dựng cơ đồ tỉ phú
Xây dựng sự nghiệp
Công việc kinh doanh đang thuận lợi bỗng nhiên lao đao vì dịch cúm gia cầm vào năm 2013. Thời điểm này, những trại nuôi hay kinh doanh thịt, trứng gia cầm đều rơi vào tình trạng phá sản. Xu thế chung là vậy nhưng bà không chấp nhận, kiên quyết tìm bằng được hướng đi mới cho công ty. Bà Huân bàn bạc với chồng rồi một mình lặn lội ra nước ngoài tìm cách xử lý. Đi qua nhiều quốc gia, cuối cùng người phụ nữ này đã có thành quả khi tới Hà Lan - nơi có thiết bị xử lý trứng hàng đầu thế giới.
Bà một mình ra nước ngoài để tìm hướng đi cho công ty. (Ảnh: Dân Trí)
Bà chia sẻ với Tri Thức Trẻ: “Tôi gặp ông Chủ tịch của Tập đoàn, tôi không giao tiếp nhiều bằng tiếng nước ngoài, thông qua thông dịch viên tôi nghĩ sao thì tôi thiệt tình vậy. Tôi xuất thân là một nông dân, nông nghiệp nước tôi còn nghèo, tôi bỏ tiền túi ra mua máy xử lý trứng này. Ông thương thì tôi nhờ, ông không thương thì tôi chịu, tôi mong ông bán cho tôi cái máy, để tôi và mọi người cùng cười chứ đừng làm cho ai khóc.” Chính sự chân thật của bà đã khiến người đứng đầu tập đoàn đồng ý bán trọn dây chuyền làm trứng cho bà Huân.
Với sự cống hiến của mình, bà từng đạt rất nhiều giải thưởng: Top 100 người phụ nữ nổi bật nhất năm của thế giới vào 2012 do TIAW bình chọn, được tặng bằng khen Doanh nhân tiêu biểu vào năm 2014 bởi lãnh đạo TP.HCM, năm 2015, trở thành 1 trong 5 nông dân điển hình khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (giải thưởng FAO), nhiều lần lọt vào danh sách 50 người phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam...
Xưởng sản xuất trứng của bà Huân. (Ảnh: Dân Việt)
>> Có thể bạn chưa biết: Tỷ phú gốc Việt đi lên từ hai bàn tay trắng khiến người Mỹ ngưỡng mộ
Nói không với tăng giá mùa dịch
Sự việc gần đây nhất khiến dân tình nhớ đến “bà trùm trứng” đó là công ty Ba Huân cung cấp cho Sài Gòn hơn 1 triệu quả trứng mỗi ngày trong mùa dịch nhưng kiên quyết không tăng giá. "Người dân mang tâm lý hoang mang, đi siêu thị mua rất nhiều, kể từ khi có quy định của các siêu thị, mỗi khách chỉ mua được 2 vỉ trứng/khách, thì thị trường mới bắt đầu bình thường trở lại. Tôi dồn hết trứng từ các kênh khác qua chương trình bình ổn để đáp ứng đủ nhu cầu của người dân” - bà chia sẻ với Tri Thức Trẻ.
Làn sóng Covid-19 diễn biến phức tạp khiến người dân tăng cường tích trữ thực phẩm. Thời điểm này, giá nguyên vật liệu tăng, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về chi phí sản xuất. Để giải quyết vấn đề, một số doanh nghiệp kiến nghị tăng giá trứng từ 2.000 - 2.420 đồng/chục trứng vịt loại 1 và từ 1.500 - 2.630 đồng/chục trứng gà loại 1. Đề xuất được chấp nhận nhưng bà Huân lại chọn hướng đi khác, thêm một lần nữa từ chối tăng giá.
Bà từ chối tăng giá vì thương bà con Sài Gòn. (Ảnh: Vietnamnet)
“Tôi làm nông nghiệp hơn chục năm nay, tôi biết vất vả nhất vẫn là người lao động nghèo, người lao động nghèo dùng trứng nhiều nhất. Nhiều ý kiến khuyên tôi tăng giá 2.000 đồng/trứng, đề nghị tôi 2 lần nhưng tôi từ chối. Đồng ý là nguyên vật liệu tăng, xăng dầu tăng, thức ăn cũng tăng theo. Thời điểm này người ta còn đi cứu trợ 5 - 10 tỷ mua vaccine còn tôi làm nông nghiệp, tôi có giá trứng thì tôi hỗ trợ đồng bào, thành phố và các tỉnh lân cận về giá trứng để người dân tiêu thụ đỡ phần nào khó khăn. Muốn gì để sau giãn cách, khi dịch im đi, rồi mình ngồi lại tính toán” - bà nhận định.
Từ câu chuyện của bà, ta thấy được sự nỗ lực không ngừng nghỉ. Xuất thân, gia cảnh không quan trọng, miễn là chúng ta nỗ lực xây dựng sự nghiệp, luôn hướng tới điều tốt đẹp cho cộng đồng.
Cùng cập nhật nhiều thông tin hấp dẫn tại YAN.
NHỮNG TỶ PHÚ ĐI LÊN TỪ HAI BÀN TAY TRẮNG
Cùng chung hoàn cảnh như bà Huân, nhiều tỷ phú trên thế giới dù xuất thân nghèo nhưng đã đạt thành công nhờ sự nỗ lực không ngừng nghỉ.
Kenny Troutt
Ông không nhận được tình yêu thương từ cha. Kenny Troutt phải tự làm thêm bán bảo hiểm nhân thọ để có tiền chi trả học tập. Ông sáng lập công ty điện thoại vào năm 1988, sau đó trở thành doanh nghiệp lớn.
Howard Schultz
Howard Schultz từng trả lời phỏng vấn: “Hồi bé tôi luôn luôn cảm giác mình thuộc những tầng lớp dưới của xã hội. Rất nhiều người ở những tầng lớp cao hơn sở hữu tiền bạc, nguồn lực và những gia đình hạnh phúc.” Nhờ sự nỗ lực, sau đó ông đã trở thành CEO của một công ty cà phê và phát triển thương hiệu này với hơn 16.000 cửa hàng trên khắp thế giới.