Bà giáo già sáng bán vé số, đêm "trồng người" ở lớp học tình thương

12:50 14/09/2020

Những câu chuyện ý nghĩa và cao đẹp về thầy cô từ trước tới nay luôn thu hút được sự quan tâm và chú ý của nhiều dân mạng.

Mới đây, câu chuyện về một bà giáo già đáng kính, sáng đi bán vé số, chiều tối dạy học ở lớp tình thương tại Thành phố Thủ Dầu Một đã khiến nhiều người xúc động.


Một trong số các bài đăng chia sẻ về cô Ba và lớp học tình thương. (Ảnh chụp màn hình)
Một trong số các bài đăng chia sẻ về cô Ba và lớp học tình thương. (Ảnh chụp màn hình)

>> Xem nhanh: Cô gái tán bằng được con giáo viên vì bị mắng không ai lấy

Bà giáo già yêu làm từ thiện

Cô Nguyễn Thị Ba, 72 tuổi là một giáo viên tiểu học tại thành phố Thủ Dầu Một, tính tới nay cô đã nghỉ hưu được 13 năm. Cách đây 9 năm, do hoàn cảnh gia đình nên cô chuyển tới ở một khu trọ và sống một mình. Được biết, cô Ba không có gia đình riêng, nhiều lúc buồn, bà giáo cũng nghĩ tới việc vào trung tâm nuôi dưỡng người cao tuổi để sống nốt những tháng ngày còn lại. 

Tuy nhiên, sau nhiều lần tham quan, suy nghĩ, cô cảm thấy cuộc sống như vậy không phù hợp với tính cách của mình nên đã tiếp tục ở lại phòng trọ, bán vé số để kiếm thêm vài đồng trang trải cuộc sống cũng như có việc làm cho đỡ buồn chán. Không những vậy, bà giáo già còn trích số tiền dành dụm được mỗi tháng để đi làm từ thiện, tặng quà cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ.


Cô Ba đang đọc lại những bài viết của học trò. (Ảnh: Báo Bình Dương)
Cô Ba đang đọc lại những bài viết của học trò. (Ảnh: Báo Bình Dương)

>> Xem thêm: Cô giáo miền núi được tôn vinh là giáo viên xuất sắc toàn cầu

Cơ duyên đến với lớp học tình thương

Nhiều người quen đều biết cô Ba rất yêu làm từ thiện, vậy nên họ đã giới thiệu cho bà giáo 72 tuổi lưng hơi còng, tóc đã bạc này đến lớp học tình thương của phường Phú Cường để dạy các em nhỏ biết chữ, biết lễ nghĩa. Chia sẻ với báo Bình Dương, cô Ba cho biết: "Hỏi thăm nhiều em nhỏ bán vé số, cô thấy hầu như các em không được đi học vì hoàn cảnh khó khăn. Mình còn khỏe, không phải lo lắng gì nhiều nên ráng giúp các em biết chữ để cuộc sống tốt hơn".


Cô Ba cho các em xếp hàng điểm danh trước khi lên lớp. (Ảnh: Báo Bình Dương)
Cô Ba cho các em xếp hàng điểm danh trước khi lên lớp. (Ảnh: Báo Bình Dương)

Với tâm huyết dành cho nghề giáo, cho việc trồng người và nỗi đau đáu về tương lai của các em nhỏ bán vé số, vào năm 2016, sau khi bán hết tập vé số, cô đã tìm tới lớp học tình thương, chính thức bày tỏ mong muốn được trở lại bục giảng của mình. Khi ấy ở lớp học tình thương này thiếu giáo viên, sự xuất hiện của bà giáo già chẳng khác nào "vị cứu tinh" cho những người phụ trách tại đây.

Vậy là cô Ba quay về với bục giảng, phấn bảng thân quen sau nhiều năm nghỉ hưu. Nhưng bục giảng lần này cũng khác trước, bàn ghế chiếc cao chiếc thấp, học sinh cũng nhiều độ tuổi khác nhau. Mặc dù điều kiện vật chất khó khăn nhưng các em nhỏ vẫn cố gắng đến lớp, đi học nên cô rất thương và gắn bó từ bấy tới nay. Thế nên giờ đây, mọi người cũng đã quen thuộc với hình ảnh bà giáo già lưng còng, sáng bán vé số, chiều lại đi gieo con chữ cho những đứa trẻ nơi đây.


Bà giáo già vẫn ngày ngày tận tụy với việc "trồng người". (Ảnh: Báo Bình Dương)
Bà giáo già vẫn ngày ngày tận tụy với việc "trồng người". (Ảnh: Báo Bình Dương)

>> Đừng bỏ lỡ: Giáo viên hài hước đến mức học trò phải chuyên tâm đến lớp

Khi biết được câu chuyện về người giáo viên đã nghỉ hưu và những học trò của lớp học tình thương này, không ít người đã cảm thấy cảm động và nể phục. Được biết, cho tới nay, cô Ba không những duy trì việc dạy ở lớp học tình thương đều đặn mà còn tham gia vào hội nhóm từ thiện với mong muốn được chia sẻ, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.

LỚP HỌC TÌNH THƯƠNG CỦA BÀ GIÁO GIÀ HIỆN NAY

Hiện nay, lớp học tình thương của cô Ba đang có 20 em học sinh với nhiều độ tuổi khác nhau.

Cô chia học sinh thành các nhóm với trình độ từ lớp 1 đến lớp 5. Lớp học sẽ bắt đầu vào 17 giờ hàng ngày nhưng cô sẽ tới sớm để chờ học sinh có mặt đầy đủ và hướng dẫn các em ăn cơm miễn phí do các nhà hảo tâm hoặc Đoàn trường hỗ trợ.

Sau khi ăn, các em sẽ tự dọn dẹp rồi xếp hàng chờ điểm danh để lên lớp. Đây là kết quả của quá trình dạy dỗ đầy tâm huyết từ bà giáo già.

Cô tâm niệm rằng trước khi học kiến thức thì phải biết lễ phép bởi khi biết lễ phép, các em sẽ biết cố gắng trong học tập để trở thành công dân tốt.