Bà con Sài Gòn mừng rỡ khi thấy các con hẻm dần thông thoáng trở lại

12:15 27/09/2021

Chỉ còn vài ngày nữa là sẽ đến cột mốc ngày 30/9, dự kiến kết thúc giãn cách. Theo chủ trương dần tháo bỏ các chốt chặn, hàng rào,...trên đường phố, hẻm nhỏ, sáng ngày 27/9, rất nhiều khu vực đã thông thoáng trở lại.

 
Một con hẻm được dỡ bỏ một nửa, chừa lại đường đi cho bà con. (Ảnh: Tuổi Trẻ)
Một con hẻm được dỡ bỏ một nửa, chừa lại đường đi cho bà con. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Cụ thể, báo Tuổi Trẻ đưa tin, bên cạnh một số con hẻm được tháo gỡ hoàn toàn, bỏ hết rào sắt, bàn ghế chắn ngang thì vẫn có những khu vực dè dặt hơn, chỉ tháo một nửa, chừa lại lối đi. Để đảm bảo an toàn, nhiều hẻm vẫn sắp xếp người ngồi trực, nhắc nhở hoặc kiểm tra người ra vào, shipper.

Tuy dỡ bỏ rào chắn nhưng TP.HCM vẫn đang thực hiện giãn cách xã hội, vì thế bà con chưa thể đi lại tự do. Dù vậy, nhìn cảnh đường phố thông thoáng, không ít người chia sẻ họ cảm thấy thoải mái và yên tâm hơn phần nào.

Chị H. trú trên đường Phan Văn Trị, quận Bình Thạnh tâm sự với Tuổi Trẻ: "Nhìn dây rào được dỡ tự nhiên thấy nhẹ nhõm hẳn."

 
Việc đi lại tại vùng xanh đã "dễ thở" hơn trước. (Ảnh: Thành ủy TP.HCM)
Việc đi lại tại vùng xanh đã "dễ thở" hơn trước. (Ảnh: Thành ủy TP.HCM)

Trong khi đó, chị H.G., trú tại quận Nhà Bè vui mừng: "Không còn rào chắn đồng nghĩa với việc khu mình sống đã an toàn. Mong đến 30/9, tất cả các hoạt động sẽ được trở lại bình thường chứ ở nhà lâu cũng bí bách lắm."


TP.HCM sắp triển khai hỗ trợ đợt 3: Đối tượng nhận tiền mở rộng hơn​.

Đó cũng là tâm trạng của chị A.L., ngụ TP. Thủ Đức. Chị L. kể những ngày qua chỉ những lúc đi xét nghiệm, tiêm vaccine chị mới được ra ngoài, không khí khá ngột ngạt, ai cũng nặng nề. Hơn 100 ngày mọi sinh hoạt đều diễn ra trong con hẻm, nay được mở rào chắn chị vô cùng mừng rỡ.

"Nghe tin này thật sự mừng, nó không chỉ là tháo gỡ các rào chắn chướng ngại mà còn tháo luôn được tâm lý nặng nề của người dân chúng tôi khi việc chống dịch của thành phố đã có kết quả tốt hơn", chị L. bày tỏ.

 
Một con hẻm được thay thế bằng chốt tự quản, việc giao nhận hàng cũng thuận tiện hơn. (Ảnh: Tuổi Trẻ)
Một con hẻm được thay thế bằng chốt tự quản, việc giao nhận hàng cũng thuận tiện hơn. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Trong khi đó, tiến sĩ xã hội học, thạc sĩ tâm lý trị liệu Phạm Thị Thúy - giảng viên Học viện Hành chính quốc gia (Phân viện tại TP.HCM) cũng cho rằng việc bị "giăng dây" quá lâu sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, khiến bà con bị mệt mỏi, tác động tiêu cực đến cảm xúc của họ.

Bản thân bà Thúy thừa nhận dù là người có chuyên môn nhưng chính bà cũng đã rơi vào tình trạng đó. Dù không thể phủ nhận rào chắn giúp chúng ta an toàn trước Covid-19 nhưng nó cũng gây ra một số tác dụng tiêu cực: "Các rào chắn gây nhói tim cho người dân", bà Thúy nói.

Vị tiến sĩ nói giải thích thêm, kẽm gai, lô cốt, dây nhợ, tấm tôn khiến mọi người bị ức chế, bít bùng tầm mắt, lại thêm số F0, số ca không qua khỏi "nhảy múa" liên tục, khó tránh khỏi việc chúng ta cảm thấy bị ngăn cách với thế giới xung quanh.

 
Dù đã được nới lỏng chốt chặn nhưng bà con vẫn cần tuân thủ quy định giãn cách. (Ảnh: HCDC)
Dù đã được nới lỏng chốt chặn nhưng bà con vẫn cần tuân thủ quy định giãn cách. (Ảnh: HCDC)

Trong khi đó, nói về kế hoạch tháo dỡ chốt, ông Trần Phi Long - chủ tịch UBND quận 11 phát biểu trên Tuổi Trẻ, mới đây một số chốt tại các phường đã được bỏ bớt. "Với các chốt phường do quận quản lý thì đã tháo lác đác, chốt quận do Công an TP phụ trách thì đợi. Đối với các vùng chưa ổn định thì quận vẫn muốn giữ được ngày nào hay ngày đó vì thành phố đang thực hiện theo các chỉ thị giãn cách nên vẫn sẽ hạn chế đi lại. Mình giữ để đảm bảo an toàn cho bà con, còn lại các nơi an toàn thì quận đã cho tháo dần", ông Long nói.

Còn tại quận 5, bà Trương Minh Kiều, chủ tịch UBND cho hay, các vùng xanh sẽ được dỡ bỏ hàng rào kẽm gai trước, vùng đỏ tạm thời vẫn giữ nguyên. Ngoài ra, chốt cứng ở các tuyến đường lớn thì sẽ được thay thế sang hình thức giăng dây. Trên tinh thần làm từ từ và âm thầm, tránh tâm lý chủ quan của bà con, bà Kiều thông tin, quận sẽ theo dõi kết quả, đánh giá rồi thu hẹp dần.

"Chúng tôi làm lặng lẽ, có thể dân ngủ dậy thấy rào đã mở rồi thì cũng giúp bà con nhẹ nhàng đầu óc", nữ chủ tịch UBND quận 5 nói.

Mặc dù dịch bệnh đã có nhiều tín hiệu khả quan song chúng ta vẫn cần thực hiện các biện pháp phòng dịch một cách nghiêm túc, chặt chẽ để thành quả bao ngày qua được bảo vệ trọn vẹn.

Các thông tin đời sống xã hội sẽ được liên tục cập nhật tại YAN!

SẮP TỚI VIỆC DI CHUYỂN CÓ THỂ PHỤ THUỘC VÀO MÀU APP

Để thuận tiện trong việc quản lý thông tin cũng như lịch trình đi lại của bà con, các cơ quan ban ngành đang tính tới phương án thống nhất dùng chung một app duy nhất. 

Dự kiến, người được di chuyển là người app xanh; hạn chế di chuyển là app vàng và phải ở nhà nếu là app đỏ.

Nếu ứng dụng này được triển khai thì tất cả thông tin mọi người đã khai báo trước đó sẽ được tích hợp, cập nhật lại sang ứng dụng mới nên bà con yên tâm rằng chúng ta không phải khai báo lại từ đầu.

Xem thêm tại đây!