Sau vaccine, AstraZeneca tiếp tục nghiên cứu thuốc điều trị Covid-19 bằng kháng thể và đạt hiệu quả vô cùng tốt. Theo Zing dẫn nguồn từ Bloomberg, kết quả thử nghiệm cho thấy, loại thuốc này có hiệu quả lên đến 77%, giúp người mắc Covid-19 giảm nguy cơ diễn tiến nặng hoặc không qua khỏi. Nhất là những ai đáp ứng kém, không dung nạp vaccine, hoặc những người có nguy cơ lây nhiễm cao do cơ địa hay hoàn cảnh sống.
Vaccine của tập đoàn AstraZeneca cũng có hiệu quả rất tốt trong việc bảo vệ người mắc Covid-19 khỏi nguy cơ diễn tiến nặng và không qua khỏi. (Ảnh: RFI)
Cụ thể, nguồn tin trên cho biết, hãng dược phẩm Anh đã tiến hành thử nghiệm lâm sàng loại thuốc này từ tháng 11/2020, trên 5.197 bệnh nhân tại Anh, Mỹ, Bỉ, Pháp và Tây Ban Nha. Ban đầu, mục đích của cuộc thử nghiệm là để kiểm tra tác dụng của thuốc trên những người thuộc nhóm rủi ro cao, tuy nhiên kết quả lại đạt khá nhiều kì vọng.
Sau khi sử dụng hỗn hợp kháng thể mã số AZD7442 của AstraZeneca, không một bệnh nhân nào trong quá trình thử nghiệm diễn tiến bệnh nặng hoặc ra đi vì Covid-19. Dữ liệu tính an toàn và hiệu quả của thuốc đối với những người có nguy cơ cao đạt mức khá cao.
Đại diện hãng cũng thông báo: "Với kết quả đáng khích lệ mới này, AZD7442 có thể là công cụ quan trọng trong kho vũ khí của chúng ta để giúp mọi người, những người có thể cần thêm thứ khác ngoài vaccine, trở lại cuộc sống bình thường".
Hiện tại, phía AstraZeneca đang chuẩn bị dữ liệu để nộp cho cơ quan quản lý Mỹ đánh giá, cấp phép sử dụng khẩn cấp. Tuy vậy, Mỹ đã nhanh chóng đặt hàng 700.000 liều thuốc này và dự kiến giao ngay trong năm 2021.
Qua thử nghiệm lâm sàng, thuốc điều trị Covid-19 của AstraZeneca cho hiệu quả tốt. (Ảnh: Reuters)
Nói về lý do nghiên cứu thuốc điều trị Covid-19, theo Mene Pagalos, Phó chủ tịch điều hành của AstraZeneca cho biết: "Chúng ta cần các phương pháp khác đối với những người mà vaccine Covid-19 không phát huy hiệu quả bảo vệ." Hiện nay, virus SARS-CoV-2 đang ngày càng xuất hiện nhiều biến chủng nguy hiểm hơn, điển hình như Delta với khả năng làm giảm hiệu quả của vaccine. Vì vậy, đối với những ai không có phản ứng như mong muốn với vaccine, thì kháng thể trong thuốc được coi là phương pháp điều trị tiềm năng cho họ.
Tuy nhiên, phương pháp điều trị này cũng có những bất cập nhất định, bởi thông thường chúng được tiến hành thông qua việc truyền tĩnh mạch trong bệnh viện và cần thời gian giám sát sau tiêm. Chưa kể, nguồn cung cấp loại thuốc điều trị bằng kháng thể cũng rất hạn chế.
Hiện tại, chỉ có hỗn hợp kháng thể của hãng dược phẩm Regeneron là được Anh cấp phép sử dụng trong quá trình điều trị người mắc Covid-19.
Một phòng nghiên cứu về vaccine tại tập đoàn AstraZeneca. (Ảnh: VOA News)
Hiện nay, Việt Nam cũng đang sử dụng vaccine của AstraZeneca để tiêm chủng cho mọi người. Tính đến hiện tại, nước ta đã nhận 13 triệu liều vaccine AstraZeneca.
Cuối tháng 8, tập đoàn dược phẩm này sẽ tăng thêm số lượng phân bổ vaccine cho Việt Nam. Theo VnExpress, thông tin này được ông Pascal Soriot - Tổng giám đốc AstraZeneca cam kết trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Phạm Minh Chính vào chiều ngày 19/8 vừa qua.
Trước đó, vào ngày 9/8, Thủ tướng đã gửi thư đề nghị phía tập đoàn AstraZeneca đẩy nhanh tiến độ bàn giao vaccine cho Việt Nam. Đồng thời vị lãnh đạo cũng mong Tổng giám đốc Pascal Soriot đưa ra chỉ đạo nhanh chóng hoàn thành hợp đồng cung ứng thêm vaccine cho Việt Nam ngay tháng 9 và kế hoạch đến cuối năm 2021.
Trong thư, Thủ tướng cũng nhấn mạnh, Việt Nam luôn mong muốn tăng cường hợp tác chiến lược, toàn diện, lâu dài với AstraZeneca trong lĩnh vực dược phẩm, y tế nói chung. Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, Thủ tướng đã có hai lần làm việc trực tiếp với các đại diện cấp cao của tập đoàn AstraZeneca để thúc đẩy quá trình đưa vaccine về Việt Nam.
Một lô vaccine AstraZeneca được đưa về Việt Nam tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, TP.HCM. (Ảnh: Báo Chính Phủ)
Hiện nay, vaccine đang có hiệu quả rất tốt, vì vậy, nếu có điều kiện, mọi người nên tiêm chủng ngừa Covid-19 sớm nhất có thể. Đồng thời, đừng quên thực hiện nghiêm chỉnh các quy định phòng ngừa dịch bệnh.
Các thông tin đời sống xã hội sẽ liên tục được cập nhật tại YAN!
BIẾN THỂ DELTA PHỨC TẠP, MỘT SỐ VACCINE SẼ GIẢM TÁC DỤNG SAU 90 NGÀY
Delta hiện đang được xem là một trong những biến chủng nguy hiểm nhất của virus SARS-CoV-2. Chỉ trong một thời gian ngắn, chúng đã khiến nhiều quốc gia trên thế giới không khỏi lo sợ trước tốc độ lây lan chóng mặt và khả năng tác động nghiêm trọng đến người bệnh.
Tuy nhiên, mới đây, theo Thông tấn xã Việt Nam đưa tin, qua nhiều thí nghiệm, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng, 3 tháng sau khi tiêm liều vaccine Pfizer hoặc AstraZeneca thứ 2, hiệu quả của hai loại vaccine này trong việc ngăn chặn lây nhiễm do biến thể Delta đã bị giảm xuống.
Cụ thể, ở tuần đầu sau tiêm mũi 2, hệ miễn dịch sẽ là 68% nếu tiêm AstraZenneca và 85% với Pfizer. Tuy nhiên, 3 tháng sau, tỷ lệ này giảm xuống tương ứng là 61% và 75%.