Steve Jobs nổi tiếng là người bướng bỉnh, kiên định với những ý kiến của ông về các sản phẩm Apple.
Việc cương quyết giữ nguyên quan điểm đã mang lại món lời lớn cho Jobs và Apple, kể cả khi những quyết định này bị chỉ trích và châm biếm. Nhưng từ khi Steve mất năm 2011, Apple đang dần dần đi ngược lại những niềm tin mạnh mẽ của người sáng lập và những gì ông sẽ không bao giờ cân nhắc làm.
1. Bút cảm ứng
Steve Jobs mỉa mai bút cảm ứng trong hội thảo Macworld tại San Francisco.
Trong tuần này, một nhà phân tích Apple cho biết sản phẩm iPad tiếp theo của công ty sẽ đi kèm bút cảm ứng.
Một trong những câu nói nổi tiếng ngày xưa của Steve Jobs là ông thù ghét bút cảm ứng đến mức nào. Năm 2007, khi giới thiệu iPhone ở hội thảo Macworld tại San Francisco, ông mỉa mai những chiếc smartphone kèm theo bút mà thời đó đang là mốt. Ông nói: “Ai thèm bút cảm ứng? Bạn có thể có chúng, để chúng đâu đó rồi đánh mất. Không ai thích bút cảm ứng cả. Đừng dùng bút cảm ứng.”.
Một trong những việc đầu tiên Steve Jobs làm khi quay lại Apple năm 1997 là “tiêu diệt” Newton, thiết bị tương tự máy tính bảng sử dụng bút cảm ứng. Trước đây, Steve Jobs cũng đã từng nói về dự án Newton: “Chúa đã ban cho chúng ta 10 chiếc bút. Đừng phát minh thêm nữa.”
Tuy nhiên theo thông báo của AppleInsider, Ming-Chi Kuo của KGI Securities cho biết, chiếc iPad Pro 12,9 inch đang được mong đợi sẽ dùng kèm với bút cảm ứng.
2. Máy tính bảng nhỏ
Một trong những "sự kiện kinh điển" liên quan đến phát ngôn của Steve Jobs chính là vào tháng 10/2010, ông đã thể hiện sự thù ghét của mình với làn sóng máy tính bảng cỡ nhỏ đang tràn vào thị trường. Theo ông, chiếc iPad màn hình 10 inch là “kích thước tối thiểu được yêu cầu để tạo ra những ứng dụng máy tính bảng tuyệt vời.”.
Theo Steve, thậm chí việc tạo hình ảnh sắc nét hơn trên màn hình cũng không giúp máy tính bảng dễ dùng hơn “trừ khi tablet bao gồm cả giấy ráp, để người dùng mài ngón tay còn 1/4 kích thước hiện nay.”
“Có những giới hạn rõ ràng về việc bạn sắp xếp các thứ trên màn hình gần nhau đến mức nào, trước khi người dùng không thể chạm hay búng.", Steve Jobs nói.
Một năm sau ngày Steve mất, Apple giới thiệu chiếc iPad mini – cho tới nay là chiếc iPad bán chạy nhất của công ty.
3. Điện thoại cỡ lớn
iPhone 5 dài hơn các điện thoại đời cũ từ thời "đế chế" Steve Jobs.
Trong vụ lùm xùm về antenna của iPhone 4 năm 2010, Steve Jobs đã chế giễu những chiếc điện thoại cỡ lớn.
Khi phóng viên hỏi liệu Apple có cân nhắc việc sản xuất iPhone cỡ lớn hơn để củng cố độ tin cậy cho antenna, Jobs chế nhạo và gọi những chiếc Samsung Galaxy S là “vớ vẩn”. Ông cho rằng: “Bạn không thể nắm chiếc điện thoại trong tay. Sẽ chẳng ai mua nó.”
Cuối cùng Apple ra mắt chiếc iPhone 5 dài hơn sau khi ông mất, cùng với iPhone 6 và 6 Plus với kích thước còn lớn hơn.
4. Thiết kế phần mềm không lấy cảm hứng từ cuộc sống thực
Ứng dụng Notes thiết kế như giấy viết thật
Steve Jobs muốn phần mềm của iPhone phỏng theo đời sống thực. Ví dụ, ông yêu cầu thiết kế vải bọc da cho iCal sau khi đi máy bay của Gulfstream. Ứng dụng Mail của Apple có nền vải, iBookstore có thiết giá sách gỗ, và ứng dụng Notes giống với tập giấy.
Một năm sau ngày Steve mất, Apple sa thải Scott Forstall, một giám đốc phần mềm mà thiết kế luôn được Jobs yêu thích. Một năm sau, Apple giới thiệu iOS 7 với thiết kế không có gì liên quan tới các vật dụng đời thực.
5. Từ thiện
Trong số những điều Steve đã làm trong lần quay lại Apple năm 1997 (sau khi cấm vận tất cả bút cảm ứng), là kết thúc các chương trình từ thiện hảo tâm của Apple. Ông nói muốn mang lợi nhuận về cho Apple, nhưng chưa bao giờ khôi phục các chương trình từ thiện kể cả sau khi Apple công bố lợi nhuận cao nhất trong lịch sử.
Apple liên kết mạnh mẽ với quỹ từ thiện của ca sĩ Bono về nghiên cứu bệnh AIDS, nhưng bản thân Steve Jobs không phải một nhà từ thiện lớn.
Khi Tim Cook tiếp quản năm 2011, một trong những việc đầu tiên ông làm là phục hồi chương trình từ thiện của Apple.