Nếu bạn thường đi máy bay mà cần ký gửi hành lý thì bạn nên nắm rõ những mẹo dưới đây để đảm bảo hành lý của bạn đi về nguyên vẹn.
Xem kỹ thời gian chuyển tiếp giữa các chuyến bay trước khi đặt vé: Ai cũng biết rằng những chuyến bay thẳng sẽ ít có nguy cơ mất hành lý hơn những chuyến chuyển tiếp. Nhưng nếu phải đi chuyến chuyển tiếp, hãy chắc chắn rằng thời gian giữa các chuyến bay là ít nhất 1 tiếng đồng hồ, như thế hành lý mới kịp chuyển tiếp cùng bạn.
Đến check-in sớm: Những người thường đến check-in vào phút cuối cùng thường có nguy cơ bị thất lạc hành lý rất cao, thậm chí không kịp vận chuyển ra máy bay vì nó phải trải qua một mê cung những băng chuyền chằng chịt.
Chọn những chiếc vali có màu sắc sặc sỡ nhưng đừng trông đắt tiền quá: Lý do rất đơn giản: màu sắc càng sặc sỡ và nổi bật hay khác lạ thì những hành khách khác càng ít có nguy cơ cầm nhầm hành lý của bạn. Còn hành lý trông đắt tiền thì chúng sẽ dễ bị trộm.
Đừng quá nhồi nhét hành lý: Đây là lời thú tội của một nhân viên vận chuyển hành lý ở sân bay: “Trong khoang hành lý, chúng tôi sẽ nắm lấy quai và ném hành lý vào nhau để chất lên cao. Chúng tôi ném chúng rất mạnh. Chúng tôi không muốn làm chúng vỡ đâu, nhưng bạn có thể tưởng tượng được như thế không tốt cho hành lý chút nào.” Vì thế, những hành lý nào chàng nhồi nhét chật cứng và càng nặng thì càng dễ hư hỏng.
Xé bỏ tem cũ đi: Nếu bạn thường xuyên đi máy bay mà cứ để nguyên những con tem từ các chuyến bay trước thì có khả năng rất cao là hành lý của bạn sẽ bị thất lạc và lẫn lộn. Tốt nhất là hãy xé bỏ hết các tem cũ đi và chỉ giữ lại đúng một tem từ chuyến bay hiện tại. Nhờ thế trong trường hợp hành lý bị thất lạc thì việc tìm lại chúng cũng dễ dàng hơn.
Yêu cầu nhân viên sân bay dán nhãn “Fragile” (Hàng dễ vỡ) lên hành lý: Dù hành lý của bạn chỉ toàn là quần áo, nhưng nếu muốn nó được đối xử đặc biệt và được trả lại nguyên vẹn thì bạn nên nói (dối) rằng bên trong có đồ dễ vỡ, kèm theo đó là một con tem “Fragile” gắn theo cùng.
Bảo hiểm cho hành lý có giá trị: Đã có trường hợp một hành khách mang theo 8 chiếc iPad trong vali nhưng không bảo hiểm cho chúng. Kết quả là chúng bị đánh cắp, còn người hành khách này được bồi thường 30 đô (hơn 681.000 đồng). Thế nên tốt nhất là bạn đóng bảo hiểm cho những món đồ có giá trị trong hành lý của mình hoặc chụp lại ảnh chúng tại quầy check-in trước.
Sử dụng bọc bảo vệ cho vali: Bằng cách này, khó có chuyện hành lý của bạn bị nhầm lẫn mà cũng không lo bị cạy phá hay lục lọi.
Gắn thiết bị định vị GPS: Bạn chỉ cần gắn thiết bị này vào vali và theo dõi qua email hoặc điện thoại là sẽ dễ dàng tìm ra hành lý của mình.
(Ảnh: Internet)