“Nghe nói ở nhà nghèo vẫn tốt
Dầu vui đất khách chẳng bằng về”...
Đoạn thơ của tác giả Nguyễn Trung Ngạn như làm cho những người con xa quê lại thêm phần chạnh lòng mỗi khi Tết đến. Ngoài sự háo hức chào đón năm mới, đâu đó vẫn còn tiếng thở dài, cái bặm môi nghẹn ngào đẩy nỗi nhớ của những đứa con xa nhà, đặc biệt là của phận làm dâu xa quê.
Mặc dù đã gả con gái đi, thế nhưng, mỗi dịp thấy cảnh nhà người ta đoàn tụ, cha mẹ lại khắc khoải mong ngóng con trở về. Tâm lý chung là vậy nên cũng từ đó mà hình thành nhiều câu chuyện dở khóc dở cười. Tết nội hay ngoại có thực sự đáng trở thành gánh nặng mỗi dịp cuối năm?!
Cả năm quay cuồng rồi, sao phải thêm gánh nặng chuyện đón Tết?
Năm hết tết đến, khi sắc mai đào rợp đường phố cũng là lúc từng đoàn người nối đuôi nhau về quê, rời xa chốn thị thành đầy huyên náo. Cái mùi sát tết, mùi của đoàn viên khiến cho ai nấy đều có những cảm xúc riêng. Và như mọi khi, câu chuyện Nội - Ngoại trong mỗi nhà lại được bàn luận rôm rả.
Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh chị N. ôm con bật khóc, mẹ già vẫy thay theo xe khách tiễn cháu về nhà nội khiến người đọc không khỏi xúc động. Bên cạnh đó, câu chuyện về 4 cô con gái ở Trung Quốc nghẹn ngào nhìn cảnh cha mẹ hiu quanh đón Tết qua chiếc camera cũng làm bao trái tim những người con gái lấy chồng xa phải xúc động.
Cũng giống những câu chuyện trên, chị G, lấy chồng xa quê những 300 cây số, mỗi lần di chuyển về đâu lại mất hơn nửa ngày trời. Đường xa đã đành, bên cạnh cô còn vướng thêm đứa con còn cặp nách, mỗi lần đi là một lần lỉnh kỉnh đồ đoàn, từ bát cháo, bỉm, quần áo cho đến vài món đồ chơi. Vậy nên, mỗi lần từ nhà nội về thăm ngoại, cô đều lắc đầu ngao ngán. Tết đến nơi, thay vì mọi năm xúng xính áo quần, bắt xe một mình vào ra, cô lại xin “khất” ba mẹ đẻ ở nhà nội đón Tết.
Chẳng cần nói, phía bên kia điện thoại là những tiếng thở dài đầy hụt hẫng. Nhà đã dọn xong, chiếc áo dài mua sẵn đợi cháu chắc lại phải gấp tủ. Nhớ cháu thật nhiều nhưng cũng thương con vào ra thấy tội, ông bà nghẹn ngào chào vội nói câu chào rồi mong con ở lại tròn phận làm dâu. Cô gái chọn Tết nội, ừ thì cũng buồn, nhưng chắc có lẽ tốt cho cả mẹ và con.
Thế nhưng trái với cô gái này, chị L. và chồng lại “bát đũa lẻng xẻng” vì chuyện về đâu ăn Tết. Thay vì cùng nhau sắm sửa, trang hoàng nhà cửa, chị và chồng lại được “một trận ra trò” vì không thống nhất được về nội hay ngoại. Chồng thì bảo: “Về vài ngày Tết quay lại nhà nội”, còn chị vẫn một mực: “Năm ngoái ăn Tết nội rồi, năm nay đón Ngoại có gì sai”. Lời qua tiếng lại, trong cơn giận chị đã bỏ nhà đi cùng những giọt nước mắt đầy oán trách.
Vậy đấy, mỗi dịp Tết đến, mỗi người con dâu lại mang những cảm xúc khác nhau. Thế nhưng, chung quy lại, vẫn là nỗi khắc khoải được về nhà cùng cha mẹ. Có đến Tết, thấy cảnh nhà người ta đoàn viên mới thấy chạnh long. Thay vì ngắm những màn pháo hoa mừng một năm đã qua, lại là những giọt nước mắt khóc thầm ướt gối. Dù có mạnh mẽ đến đâu, trong thời khắc giao thừa, con người ta cũng yếu đuối đến lạ.
>> Đừng bỏ lỡ: Hãy cùng mong chờ một năm 2021 đầy niềm vui và sự trở lại mạnh mẽ
Đâu cũng là nhà, chuyện chẳng khó đến vậy?
Đúng, có làm con dâu xa nhà, người ta mới thấu được cảnh đau đáu nỗi nhớ mẹ cha. 18 năm sống chung, cũng không bằng vài giây phút ngày Tết được quây quần. Thế nhưng, thay vì những rạch ròi, tranh cãi, hãy cùng ngồi lại với nhau cho ấm êm cửa nhà.
Có thể, vì một vài lý do, chúng ta phải đón Tết nhà nội thì cũng đừng buồn. Đã về làm dâu, hãy làm tròn đạo của một người con trong nhà. Chị M cho biết: “Con gái lấy chồng “xuất giá tòng phu”, nên đừng đòi hỏi quá nhiều. Nội hay ngoại đều được. Có điều kiện để về ngoại thì càng mừng thôi, còn không, hãy ở lại làm đúng vai trò và bổn phận của mình. Mình có con trai, sau này mình cũng sẽ làm mẹ chồng. Tâm lý chung chẳng ai thích buồn tủi ngày Tết, nên hãy cố gắng dung hoà mọi thứ”.
Cùng quan điểm với chị M, T-con gái Bắc lấy chồng Nam, chia sẻ: “Nhiều người nói rằng, có mỗi bố mẹ đẻ ăn Tết ở nhà, buồn lắm. Đừng lo, ở quê nhà còn có bà con, làng xóm. Bạn bè vào ra, hội hè náo nhiệt, chẳng mấy chốc mà sự hụt hẫng sẽ biến mất, cha mẹ lại náo nhiệt cũng cô bác chú gì đón năm mới thôi. Nhà ngoại đón Tết một mình buồn, thì nhà Nội cũng vậy thôi, hãy đặt vào hoàn cảnh của nhau để thông cảm”.
Một cách thỏa hiệp hiện được nhiều cặp vợ chồng áp dụng chính là đón Tết mỗi năm một nhà. Vlogger Giang Ơi và chồng là Anh Bạn Thân cũng dùng cách này để không phải tranh cãi xem Tết đón ở đâu. Cách này hiện cũng được nhiều bạn trẻ áp dụng nếu hai vợ chồng không cùng quê và muốn công bằng cho cả hai.
Ngoài ra, một cách mà cách nàng dâu hoặc chàng rể đừng ngại ngần thử, đó chính là mời bố mẹ chồng/vợ cùng về ăn Tết nhà mình. Lấy chồng xa nhà nên chị V (quê Hưng Yên, lấy chồng Hà Nội) cũng muốn được sum họp cùng bố mẹ đẻ vào những ngày Tết. Nhưng bố mẹ chồng đã có tuổi, lại quý cháu nên chị ưu tiên đón Tết nhà nội trước.
Hằng năm, cứ 29-30 là chồng chị về quê biếu Tết ông bà ngoại trước. Chị ở trên này lo sắm Tết cùng bà nội. Đón Tết cùng bố mẹ chồng xong, Mùng 2 sẽ về Hưng Yên chơi hai ngày.
“Trước Tết đã thủ thỉ kế hoạch về quê ngoại mấy ngày. Ban đầu chồng cũng phản đối nhưng sau mình nói cả năm ở với ông bà nội, có ngày Tết được nghỉ dài thì tranh thủ cho cháu về chơi với ông bà lâu lâu một chút rồi chồng cũng đồng ý”, chị chia sẻ.
Chị Liên cũng xin phép mẹ chồng, rồi mời luôn bố mẹ chồng về nhà chơi. Ông bà ngoại cũng gọi điện lên xin phép và mời về quê cùng ăn Tết cho vui. “Cả hai năm bố mẹ chồng đều về Hưng Yên chúc Tết. Mình sẽ về trước một hai ngày, bố mẹ chồng xuống chơi rồi cả gia đình cùng lên Hà Nội luôn”, chị chia sẻ.
>> Xem thêm: Cư dân mạng có đang đóng vai những zombie “online”
Qua rồi thời Quang Linh ngân ai oán câu hát "Sao không lấy chồng gần mà đi lấy chồng xa?" trong bài Tiếng Hát Chim Đa Đa. Đây là thời mà ai cũng có quyền để hạnh phúc. Nhưng khi đã đứng nơi lễ đường chấp nhận cùng nhau đi chung một lối, phải chăng hạnh phúc của bạn đời cũng là hạnh phúc của mình ư? Tất nhiên, các nàng dâu có quyền được ăn Tết nhà ngoại, nhưng cũng đừng quên nhiệm vụ làm con đâu chỉ mình vợ mà chồng cũng phải tròn đạo. Lắng nghe, thấu hiểu và thỏa hiệp - Tết ở đâu chẳng còn là thứ gì đó to tát nữa đâu.
FACEBOOKER SAY - GÓC NHÌN MÀ BẠN CHƯA TỪNG NGHĨ ĐẾN
Chúng ta đang sống trong một thời đại mà thông tin dồn dập, thậm chí là dập khuôn khiến những gì mình tiếp nhận có phần bị phiến diện, một chiều. Hiểu được điều đó, YAN sản xuất chuyên đề Facebooker Say để đưa một góc nhìn mới, quan điểm mới về một đề nóng hổi trên mạng xã hội, xung quanh các vấn đề giải trí, đời sống xã hội, giới trẻ...
Hãy cùng đón đọc những bài viết của Facebooker Say cùng YAN TẠI ĐÂY nhé!