"Tuổi trẻ này mình cùng nhau
Khoác vai đi từ sáng tới đêm
Hát lên như chưa từng được hát
Cầm tay nhau đi qua đêm dài…"
Tôi thường cắm tai nghe và bật lên những giai điệu này khi cùng bạn bè đi phượt đâu
đó dọc những cung đường bạt ngàn của Việt Nam. Từ lúc nào, thói quen nghe nhạc của tôi
không phải bắt đầu bằng việc lên một vài bảng xếp hạng âm nhạc rồi chọn cho mình những
bản hit được nhiều người nghe nhất. Thay vào đó, tôi thấy mình tìm được nhiều cảm hứng
hơn khi lắng nghe thứ âm nhạc thuộc về mình, âm nhạc của sự tự do, không có bất kỳ ràng
buộc hay gò bó nào. Đôi khi chỉ một vài thanh âm đầu tiên của bài hát vang lên cũng đã
khiến con người ta hứng khởi biết nhường nào.
Tôi hay gọi đó là “quy tắc” của thứ âm nhạc “bất quy tắc” – Underground.
Tôi – đứa trẻ sinh vào những năm đầu của thập niên 90.
Tuổi trẻ của thế hệ 9x đời đầu đã chứng kiến buổi giao thời của những làn sóng văn hoá khác nhau du
nhập vào Việt Nam.
Từng có một khoảng thời gian nhạc Việt mình chuộng mốt viết lại lời những ca khúc nhạc Hoa theo kiểu
“nhạc Hoa, lời Việt”.
Cách làm này từng tạo ra biết bao nhiêu bài hit gắn liền với thanh xuân của thế hệ 7x,
8x và thậm chí cả 9x. Rồi một ngày Internet phát triển, âm nhạc từ phương Tây, Hàn Quốc trở nên
thịnh hành và bắt đầu du nhập vào thị trường âm nhạc Việt Nam. Trong làng nhạc Việt, những ca khúc
trẻ bắt đầu xuất hiện nhiều thể loại và nhiều phong cách hơn. Underground cũng bắt đầu đặt những
viên gạch đầu tiên tại thị thường âm nhạc Việt Nam. Và suốt những năm qua nó vẫn luôn tồn tại,
âm ỉ cháy trong những trái tim yêu nhạc và đến với âm nhạc bằng một tình yêu đơn thuần. Ở thế giới ấy,
các bạn trẻ không bị bó buộc, được thoải mái vùng vẫy trong cái tôi nghệ thuật mà không theo một
khuôn mẫu nào cả.
"Âm nhạc dưới lòng đất" - dịch sát nghĩa là vậy.
Cũng đúng thôi, nó khác hoàn toàn với thứ âm nhạc được trình diễn công phu với
hàng trăm ngọn đèn và trước hàng nghìn khán giả. Nhưng tôi thích hình dung Underground
giống như một ngọn núi lửa hơn, nghĩa là luôn âm ỉ và tự cháy trong lòng núi, đợi một ngày đủ
năng lượng thì bắt đầu phun trào nham thạch ra bên ngoài. Phải, hình ảnh Underground
trong lòng tôi là vậy đấy!
Nhiều người vẫn hay nhầm lẫn Underground là dòng nhạc của riêng Hiphop hay Rap.
Thực tế không phải vậy,
Underground không phải là từ để diễn tả về thể loại hay phong cách âm nhạc mà chính
xác hơn đó là “cách thức” mà những người nghệ sĩ đưa hình ảnh và sản phẩm của mình
đến với khán giả và công chúng. Những nghệ sĩ Underground ở đây đam mê thứ âm nhạc
thuần tuý và không hề mang theo những tính toán “phát sáng” trong showbiz. Họ sáng
tác độc lập, hát bằng đam mê và không phụ thuộc vào thị trường. Lặng lẽ đăng tải
online các sản phẩm của mình và dĩ nhiên: không có thông cáo báo chí nào gửi các
đầu báo, không màu mè chiêu trò để gây chú ý bằng scandal. Những sáng tác của họ
cứ nhẹ nhàng làm quen rồi dần dà len lỏi, và trở thành một phần không thể thiếu
trong văn hoá nghe của người yêu nhạc.
“Một nghệ sĩ Underground không trình diễn, không cần có khán giả, không cần vỗ tay,
không cần nổi tiếng, đặc biệt là họ không cần kiếm tiền từ âm nhạc”
Trước kia, người ta vẫn định nghĩa đó là Underground.
Nhưng nếu cứ chiếu theo định nghĩa này thì có lẽ bây giờ, được mấy ai hoạt động
trong nghề mà vẫn giữ nghiêm theo quy tắc đó. Có thể suy nghĩ này của tôi không đúng,
nhưng nó cũng sẽ không sai. Bởi vì giờ đây khi ca hát cũng là một cái nghề, đặt nó
trong bối cảnh kinh tế thị trường thì các bạn trẻ không thể ngồi “hít không khí” để
sống mà làm nhạc được. Underground, dù là “dưới lòng đất” nhưng đủ tài năng, bạn vẫn
có thể đi lên, vẫn có một lượng khán giả riêng và vẫn có thể có được một nguồn thu chân
chính từ những đứa con tinh thần của mình. Vì vậy, đặt trong bối cảnh đời sống âm nhạc
luôn biến đổi, không nên đóng khung định nghĩa trong một ý nghĩ cực đoan mà cần mở rộng nó ra,
để nó tự “tái định nghĩa” cho phù hợp với bối cảnh.
Dĩ nhiên mỗi môi trường hoạt động đều có những khó khăn riêng, nhưng thành công mà các bạn
trẻ có được khi còn ở thế giới Underground có lẽ… ngọt ngào hơn. Những bông hoa mọc được từ nơi
sỏi đá bao giờ cũng đầy kiên cường và đẹp đẽ, đúng không nhỉ? Vốn liếng khi đến với âm
nhạc của các nghệ sĩ Underground ban đầu có gì đâu ngoài niềm đam mê, cộng thêm một chút
năng khiếu về âm nhạc. Không được đào tạo chuyên môn, không có sự hỗ trợ của những ê-kíp
chuyên nghiệp – vậy mà từ “cái nôi” này, nhiều người đã làm nên chuyện, mà thậm chí còn
là chuyện lớn nữa kìa!
Tính đến nay Underground đã đi vào được Việt Nam hơn mười năm.
Một trong những cái tên đầu tiên của làn sóng du nhập này phải kể đến LadyKillah,
đặc biệt là người anh cả của nhóm, rapper LK. Loạt hit đình đám một thời như Lips,
Anh sai, I need U 2night,… của anh từng khuấy động và trở thành một quả bom tiên
phong cho nhạc rap nói riêng và hiphop nói chung. Anh cũng là một rapper nhận được
sự tín nhiệm từ những ngôi sao hàng đầu của Vpop...
Tiếp nữa phải kể đến SpaceSpeakers, cùng thời với
LadyKillah, đây chính là cái nôi nuôi những nhân tài cho nền âm nhạc Việt Nam hiện đại.
Được dẫn dắt bởi thủ lĩnh Hoàng Touliver - Producer đình đám của Vpop hiện nay,
SpaceSpakers cho ra đời những bản phối remix cực chất. Chính Hoàng Touliver là người
đã dẫn dắt các thành viên khác trong nhóm đạt được thành công như ngày hôm nay. Hiện tại,
anh chàng tài năng này đã trở thành nhà sản xuất âm nhạc đình đám, góp phần làm nên thành
công của nhiều ca sĩ trẻ như Tóc Tiên, Soobin Hoàng Sơn,... Tuy nhiên, anh vẫn giữ trong
mình cái “chất” riêng của người nghệ sĩ Underground: kín tiếng, không thích thị phi và có phần… bí ẩn.
Thời điểm đó Underground còn chưa được nhiều người biết đến như bây giờ.
Thậm chí từng có một thời dòng nhạc này nhận phải cái nhìn có phần “ác cảm”
của nhiều người bởi sự gai góc và có phần “tiêu cực”. Bao nhiêu “hỉ - nộ - ái - ố”
của đời sống họ đều mang cả vào âm nhạc. Nhưng cũng có một bộ phận các bạn trẻ bắt
đầu trở thành fan trung thành của dòng nhạc này vì họ thích cách những nghệ sĩ Underground
nhìn thẳng vào mặt trái của cuộc sống, dám nói lên những điều không phải nghệ sĩ Overground
nào cũng dám nói.
Âm nhạc của họ “thực” như đời, không thêu dệt, không nhuộm hồng, có sao hát vậy,
đúng thì ca tụng, sai thì lên tiếng thẳng vì với họ: nghệ thuật không thể “vị nghệ thuật”
mãi được, mà nó phải là tấm gương để phản ánh chân thực, đầy đủ khía cạnh cuộc sống trần ai này.
Phải đến những năm 2013, làn sóng này mới thực sự mạnh mẽ và được đông đảo khán giả trong nước
biết đến. Thậm chí nó đã tạo ra những cơn “địa chấn” trên bản đồ âm nhạc nước nhà khiến bất kì
nghệ sĩ Mainstream nào cũng phải “dè chừng”.
Bắt đầu với những tên tuổi như Yanbi, Mr.T, Big Daddy cùng những bản hit đình đám như
Thu cuối, Tình yêu màu nắng, Forever alone,…
Nhiều người vẫn nhận định giai đoạn này là thời kì đỉnh cao của Underground. Bắt đầu
từ đây, nhiều nghệ sĩ của giới trở thành những ngôi sao được công chúng yêu mến và săn đón.
Bẵng đi một thời gian, Underground bước vào giai đoạn thoái trào.
Có đi lên thì sẽ có đi xuống, cuộc sống đôi khi là vậy. Tuy nhiên, nếu với nhiều người,
thời hoàng kim của Underground nằm ở giai đoạn trước đó, thì với tôi “Underground hiện
tại mới chính là thời kì đỉnh cao nhất của làn sóng ngầm này!”. Đỉnh cao không phải vì
những thành tích khủng mà các bản hit Underground đạt được trong thị trường nhạc số, mà
đỉnh cao vì Underground giờ đây đã cởi bỏ được lớp áo xù xì, gai góc bên ngoài để thay
bằng lớp áo mới từ cảm thụ âm nhạc, đến cách hoà âm phối khí mang hơi hướng hiện đại,
tươi mát hơn đến nền âm nhạc Việt và sáng tạo hơn bởi những đoạn “drop kinh điển” khiến
người nghe bị mê hoặc ở giữa những bài hát. Đưa Underground ngày càng phổ biến và được
công chúng đón nhận một cách tích cực, văn minh hơn.
Với sự phát triển của mạng xã hội và các trang chia sẻ nhạc trên thế giới, các bạn trẻ có thêm
nhiều cơ hội để đưa tác phẩm của mình đến gần hơn với khán giả. Dù vẫn mang những đặc
trưng riêng nhưng khoảng cách giữa Underground và Mainstream vì thế mà dần rút ngắn lại.
Và nhìn nhận cục diện một cách khách quan trong suốt thời gian qua, không thể phủ nhận
Underground đã vươn lên mạnh mẽ và trở thành đối cực của Mainstream. Trong năm 2017,
những sản phẩm đến từ cộng đồng này đạt được những con số hàng trăm triệu view và có
sức lan tỏa mạnh mẽ trên mạng xã hội.
Trước kia, người ta có thể mập mờ không biết DaLAB là ai nhưng lại thuộc làu những câu
hát
"Khi hai ta về một nhà, khép đôi mi chung một giường, đôi khi mơ cùng một giấc, thức
giấc chung một giờ".
Hay Đen Vâu, Linh Cáo,… dù được kha khá khán giả biết đến nhưng thực
sự họ vẫn là những cái tên xa lạ với truyền thông. Còn bây giờ, một bài hát Underground
nào đó ra đời, tạo bão hôm trước thì ngay hôm sau, profile của nghệ sĩ đó lập tức xuất hiện
trên khắp các mặt báo. Năm 2017, Vpop đã chứng kiến nhiều cơn bão liên tiếp như thế:
Túy âm (Xesi x Masew x Nhật Nguyễn), Buồn của anh (K-ICM, Đạt G, Masew) Yêu 5 (Rhymastic),
Em dạo này (Ngọt Band), Chiều hôm ấy (Jaykii), Từ ngày em đến (DaLAB),… Và cho đến hiện tại,
"cơn bão" này vẫn đang duy trì phong độ bằng những cái tên thậm chí… còn mới hơn: Người âm phủ (Osad), Cô gái M52 (Huy, Tùng Viu) và Cùng anh (Ngọc Dolil). Điều đặc biệt, đó là những
nghệ sĩ Underground trẻ này đều đang là sinh viên (thậm chí có cả học sinh) và… không có
chuyên môn sâu về âm nhạc.
Underground không chỉ tạo ra ca khúc hit, phát hiện những giọng hát lạ mà còn tạo ra nhiều
producer tài ba. Nổi bật nhất của Underground hiện tại, đó chính là Masew.
Nhiều người gọi anh chàng là "phù thủy âm nhạc" thế hệ mới khi những ca khúc
mà anh bắt tay sản xuất cùng đồng nghiệp đều trở thành hit lớn. “Những người
thường xuyên có mặt trên các BXH thì khó gọi là Underground nữa”, nhận định
ấy giờ đây liệu có còn đúng nữa khi anh chàng này đã chứng minh điều ngược lại.
Ba ca khúc gây bão cộng đồng mạng cuối 2017: Túy Âm, Kém Duyên và Buồn của anh
chính là minh chứng sáng rõ hơn cả cho tài năng của Masew. Dù liên tục chinh phục
các bảng xếp hạng nhưng anh vẫn giữ được "chất" riêng của mình. Như vậy, không hẳn
người nghệ sĩ Underground phải thay đổi, "mất chất" thì mới chinh phục được khán giả đại chúng.
Ngược lại, thay vì thay đổi để “chiều” theo thị hiếu số đông, những nghệ sĩ trẻ của Underground
đã và đang tạo nên một thị hiếu mới cho công chúng. Đó mới là điều đáng để tự hào!
Trong bối cảnh thoái trào của dòng nhạc EDM, sự bão hòa của thể loại pop ballad và cả bolero,
các tác phẩm của những bạn trẻ Underground ra đời như một làn gió được thay mới lại một
cách hoàn hảo nhất, một tín hiệu đáng mừng cho nền âm nhạc nước nhà. Đến với âm nhạc bằng
đam mê thuần khiết, nhưng sự lan toả của những sản phẩm “không đặt nặng danh lợi” ấy lại
trở thành những đối thủ nặng kí và đáng gờm trên đường đua Vpop.
Tên tuổi của những nghệ sĩ Underground có thể còn mới mẻ, thậm chí lạ lẫm. Tuy nhiên âm nhạc
và tinh thần của họ thì đã len lỏi vào đời sống và trở thành một phần không thể thiếu
trong văn hóa thưởng thức âm nhạc của những người trẻ hiện đại. Giờ đây khi vào một
quán cafe bất kì nào đó, những bản nhạc Underground thậm chí được mở nhiều không thua
gì những ca khúc nhạc thị trường đình đám. Cũng giống như tôi, có lẽ những giai điệu
có phần bất quy tắc, không giống ai và cũng không lặp lại khiến người ta tìm được
nhiều cảm hứng hơn.
Tôi nghĩ trong nghệ thuật, chân lí “những điều từ trái tim sẽ đến trái tim” luôn đúng.
Cách mà những người nghệ sĩ Underground giải phóng cái tôi nghệ thuật, đưa cảm
xúc thực của mình vào bài hát khiến chúng dễ nhận được sự đồng cảm từ khán giả.
Trong khi đó, ở những tác phẩm Overground hay Mainstream, tôi thường thấy ở chúng
một lớp màn “cách điệu” rõ rệt. Dù giai điệu dễ nghe, ca từ dễ thuộc thì những
sáng tác đó vẫn phải tuân theo những quy tắc, khuôn phép nhất định.
Trong khi đó, ở thế giới “lấm lem” của Underground, những người trẻ được tự do sống với bản ngã
của mình, tự do vẫy vùng trong vô vàn cảm xúc hỗn độn, phức tạp. Niềm vui thật hơn,
hạnh phúc đời hơn và nỗi đau của họ cũng dường như thấm hơn.
Âm nhạc của Underground giờ đây cũng được mong đợi, trông chờ không kém những ca sĩ thị trường dù
họ không cần đến bất kì chiêu trò nào. Công chúng giờ đã trở thành kẻ sành nhạc, họ dần phát ngấy
với hai chữ “chiêu trò” mỗi khi ra mắt sản phẩm của một vài nghệ sĩ ưa sự màu mè. Điều quan trọng
nhất trong âm nhạc vẫn là tiếng gọi đồng điệu của tâm hồn, đó là lí do trong những buổi minishow
của Vũ, Ngọt Band hay streetshow của Đen luôn trong tình trạng "cháy vé". Những căn phòng chật
chội và nhiều bóng tối hơn là ánh đèn sân khấu, ca sĩ đứng vỏn vẹn trong một góc nhỏ rồi tất
thảy cùng nhau hát lên những giai điệu của riêng họ.
Có thể âm thanh không phải tốt nhất, khán phòng cũng không mát lạnh và rộng rãi, họ chật kín
người, đổ mồ hôi nhưng cả nghệ sĩ lẫn người nghe đều có được những phút giây cùng nhau
thực sự ý nghĩa: “Thà một phút huy hoàng… Còn hơn le lói suốt bao năm qua!”
Sau cùng, trong mỗi thị trường, giải thưởng chính là bức tranh tổng quát để nhìn nhận lại
cục diện chung. Không phải tự nhiên mà một đêm Gala vinh danh các nhân vật truyền
cảm hứng cho cộng đồng lại đề cử và để cho các nghệ sĩ Underground toả sáng ngay
trên sân khấu, các giải thưởng âm nhạc danh giá lại xuất hiện những hạng mục dành
riêng cho giới Underground như Ca sĩ Underground được yêu thích nhất hay
Sản phẩm
âm nhạc Underground được yêu thích nhất.
Thực tế này đã cho thấy rõ sự ghi nhận và
trân trọng của khán giả và những người làm nghệ thuật chính thống dành cho các cống
hiến của cộng đồng Underground với nghệ thuật nước nhà.
Tuy nhiên việc lan rộng mạnh mẽ của dòng Underground những năm này cũng đưa ra nhiều thách thức
lớn của ngành âm nhạc giải trí khi có nhiều ca sĩ chưa đủ kinh nghiệm để biểu diễn trên sân khấu
nhưng lại chạy khá nhiều show diễn khiến khán giả thất vọng ít nhiều. Đây cũng là điều mà cộng
đồng Underground cần phải học hỏi, trau dồi thêm bản lĩnh sân khấu và năng lực chuyên môn hơn
nếu muốn Overground để đến với số đông công chúng.
Những nghệ sĩ của Underground cũng đừng nên là những người “tử vì đạo”. Thay vì chì chiết, trách
cứ những nghệ sĩ rời bỏ giới để Mainstream thì nên coi đó là một điều tất yếu. Như đã nói,
ca hát giờ đã là một nghề, người nghệ sĩ không thể “ngồi hít không khí” mà viết nhạc được.
Họ cần có khán giả riêng, sự nghiệp riêng và đó là lí do đến một mức độ nào đó, họ sẽ Overground.
Như những trường hợp của Sơn Tùng M-TP, Karik,… khi trở thành ca sĩ biểu diễn, họ lại nhận phải
vô số chỉ trích từ cộng đồng Underground. Tôi trộm nghĩ, như vậy chẳng phải là một điều không
nên hay sao?
Bởi trong thời đại ngày hôm nay, Internet đã góp phần tạo nên cộng đồng Underground vững mạnh
và cũng chính nó đẩy những “chiến binh” xuất sắc nhất bước ra vùng sáng của âm nhạc thị trường.
Kẻ ở người đi, kẻ ẩn danh người nổi tiếng, tạo nên những dòng chuyển động ngược chiều trong
Underground, nhưng tất cả đều gặp nhau ở tinh thần độc lập: Independent. Vì vậy, thay vì coi
Underground là một trường phái âm nhạc, hãy rộng mở hơn và nhìn nhận nó như một “cái nôi” nuôi
dưỡng những tài năng âm nhạc nước nhà. Sơn Tùng M-TP, Soobin Hoàng Sơn, Suboi, Hoàng Touliver,
Tiên Tiên,… những tài năng đang đóng góp cho âm nhạc đại chúng ấy, chẳng phải tất cả đều từng
trú ngụ dưới mái nhà Underground hay sao?