Đất Sài Gòn được xem là nơi hội tụ nhiều nền ẩm thực của các vùng miền trong cả nước, hầu như món ăn nào cũng đều có thể tìm mua được ở đây.
Tuy nhiên, trong “t
hiên đường ẩm thực” đó vẫn có những món ăn luôn được người dân “ưu ái” hơn, đôi khi đó không còn đơn thuần là những món ăn nữa mà đã dần trở thành một phần thân thuộc trong cuộc sống của người dân Sài Gòn. Có khi chúng ta ăn nó mỗi ngày đến phát ngán nhưng đến một ngày nào đó khi phải xa Sài Gòn, ta chẳng còn được cái cơ hội “muốn ăn là bước ra đường mua được ngay” nữa. Cái cảm giác bồi hồi như thiếu thiếu thứ gì đó rất khó tả sẽ luôn hiện hữu…
Bánh mì thịt
Vào mỗi buổi sáng, khi bước ra đường phố Sài Gòn cứ đi được vài trăm mét bạn sẽ gặp một chiếc xe đẩy bán bánh mì, mà chúng ta vẫn thường hay gọi là “bánh mì thịt”, mặc dù ở đó có thể bán rất nhiều loại bánh mì với mùi vị khác nhau như: Bánh mì trứng ốp la, bánh mì thịt quay, bánh mì xíu mại, bánh mì chả cá...
Theo nhịp sống nhanh của thành phố hiện đại như Sài thành thì một ổ
“bánh mì thịt” với bánh mì nóng hổi mới ra lò, thêm pa-tê, bơ, có thể là chả lụa, thịt nguội, thịt xá xíu, thịt heo quay hay chả cá rồi thêm hành ngò, đồ chua, dưa leo, ớt… sẽ là lựa chọn rất thích hợp cho những người bận rộn, họ ăn vội bữa sáng rồi nhanh chóng bắt đầu một ngày làm việc mới.
Xôi
Người Sài Gòn rất chuộng các món xôi. Xôi sớm, xôi chiều, xôi tối lúc nào cũng đông khách. Miền đất Sài thành chuyên bán xôi và đây gần như đã trở thành một “đặc sản” khó quên của nơi này. Xôi Sài Gòn có thể chia làm hai loại là xôi ngọt và xôi mặn. Xôi ngọt phổ biến nhất vẫn là xôi gấc, xôi lá cẩm (hay còn gọi là xôi tím), xôi nếp than, xôi đậu, xôi bắp, xôi vò. Mỗi loại xôi lại có cách thêm hành phi, mỡ hành, dừa bào hay đường khác nhau.
Còn xôi mặn thì phải kể đến xôi gà, xôi lạp xưởng, trứng cút, xá xíu, xôi chả, pa-tê… Thường người ta vẫn gộp chung gọi là xôi mặn. Một gói xôi mặn bình dân được bán trên đường phố Sài Gòn sẽ gồm đủ thứ, như: Chả lụa, chà bông, pa-tê, trứng cút, thịt nguội, mỡ hành, hành phi, đậu phộng, một chút tương ớt cay cay thật hấp dẫn.
Cũng giống như “bánh mì thịt”, các món xôi vẫn thường được những người dân bận rộn lựa chọn làm bữa sáng, vì tính chất nhanh, tiện, dễ ăn, dễ mua mà nó mang lại. Ngoài ra, các món xôi cũng là một món ăn đêm quen thuộc của người Sài Gòn, với những ai thường phải đi làm về khuya thì việc có được một gói xôi nóng trong trời đêm se lạnh thật ý nghĩa biết bao.
Cơm tấm
Đã là người Việt Nam thì bạn chắc hẳn sẽ không lấy gì làm lạ khi có ai đó nói rằng: “Sẽ không thể sống nổi nếu thiếu cơm” phải không? Có thể một ngày 3 bữa ăn chính thì hết 2 bữa thường phải ăn cơm, nhưng người Sài Gòn vẫn không thấy ngán khi phải thêm một bữa ăn cơm nữa trong ngày, mà có khi đó lại là một sở thích của họ.
“Cơm tấm sườn”, “Cơm sườn bì chả”, “Cơm sườn ốp-la”, “Cơm sườn đủ thứ”… đây là những tên gọi bạn sẽ thường xuyên nghe thấy mỗi khi bước vào một quán cơm tấm bất kì trên các con phố ở Sài Gòn vào mỗi buổi sáng. Hình ảnh quen thuộc khi nhắc về “cơm tấm” sẽ là một chiếc xe bán cơm cùng với một cái lò nướng nhỏ nướng sườn đang nghi ngút khói ở kế bên. Một phần cơm tấm đầy đủ làm xao xuyến biết bao người dân sẽ gồm: cơm tấm còn nóng hổi cùng với sườn nướng, bì, chả trứng, trứng ốp-la, nước mắm ăn với cơm tấm thường có vị hơi ngọt, ăn kèm với đồ chua, dưa leo, cà chua.
Phở bò
Phở là món ăn có xuất thân từ miền Bắc nhưng lại rất được lòng các thực khách phương Nam, đặc biệt là món phở bò. Khi di cư vào Sài Gòn thì món phở truyền thống miền Bắc cũng có nhiều thay đổi, thịt bò trong phở thường được bán theo 5 kiểu: Chín, tái, nạm, gầu, gân tùy theo ý thích của khách. Phở thường được ăn chung với tương đen, tương ớt đỏ, chanh, ớt tươi.
Người miền Nam ăn phở thích ăn kèm với nhiều loại rau thơm hơn, như: Ngò gai, húng quế, giá trụng. Đặc biệt, với những ai muốn “tẩm bổ” một chút thì có thể gọi thêm một chén “nước tiết hột gà” bổ dưỡng cho mình, nhưng bạn phải đến sớm những lúc quán mới dọn bán thì mới còn nước tiết ngon nhé.
Bánh cuốn
Bánh cuốn là một trong số những món ăn miền Bắc luôn được ưu ái nằm trong thực đơn bữa sáng của người dân Sài Thành. Bánh cuốn được làm từ bột gạo hấp tráng mỏng, để ăn khi còn ướt, bên trong cuốn nhân có: thịt heo bằm, hành tím, nấm mèo (trường hợp nếu bánh không cuốn nhân ở Miền Nam gọi là bánh ướt).
Bánh cuốn thường ăn với một loại nước chấm pha nhạt từ nước mắm và khi ăn thường kèm thêm chả lụa, hành phi. Cũng giống như phở bò, khi du nhập vào phương Nam thì bánh cuốn cũng được ăn kèm với rau thơm và giá sống hoặc được trụng sơ.
Ốc
Ít có thành phố nào lại chịu “thức khuya” như Sài Gòn, chính vì thế mà nhu cầu ăn đêm của người dân nơi dây rất phong phú. Nhắc đến các món ăn đêm của Sài Gòn mà không kể đến ốc thì quả thật là một thiếu sót lớn, không có nơi nào lại có nhiều quán ốc vỉa hè mọc lên san sát nhau nhiều như ở Sài Gòn.
Những buổi đêm trời se se lạnh, cái thú vừa tỉ mẩn lể từng con ốc vừa tám chuyện say sưa hàng giờ liền đã trở thành nét văn hóa đặc trưng, nếu có đi xa Sài Gòn sẽ nhớ mãi không nguôi.
Bột chiên
Thực đơn ăn đêm của người Sài Gòn vẫn còn một món chơi nữa mà cũng không thể không nhắc đến, đó chính là bột chiên. Đây là món ăn có nguồn gốc từ
Trung Hoa khi du nhập vào Việt Nam lại rất được lòng người dân Sài Gòn. Khác với kiểu bột chiên gốc, thì bột chiên kiểu Việt không quá chú trọng vào nước chấm hay gia vị mà phần bột chiên được “quan tâm đặc biệt” hơn, khi lúc nào cũng phải giòn rụm, chiên thêm với chút hành lá và 1-2 quả trứng gà tùy theo ý thích của khách. Món này được ăn kèm với đu đủ, cà rốt bào sợi ngâm chua, nước chấm là nước tương pha loãng với tương ớt hoặc ớt sa tế.