Cha mẹ nên biết cách dạy con ngay từ bé nếu muốn con trở thành một người có đạo đức, nhân cách tốt trong tương lai.
Ông bà ta có câu: “Dạy con từ thuở còn thơ”, vì thế cha mẹ nào cũng nên uốn nắn con mình ngay từ nhỏ để bé hình thành cách suy nghĩ, cư xử, hành động đúng đắn. Sau đây là những thói quen không tốt mà các bé thường mắc phải và một số biện pháp khắc phục vô cùng hiệu quả.
1. Trẻ đòi mua tất cả những thứ mình muốn
Có phải khi đi siêu thị, bé thường đòi mua những món hàng trông đẹp mắt và thú vị? Trong tình huống này, cha mẹ nên lập ra một danh sách ghi lại các thứ cần phải mua, sau đó đưa cho bé và bảo rằng, chỉ được mua như vậy. Khi đã lấy món đồ nào thì đánh dấu vào món đó. Cách làm này sẽ giúp trẻ hình thành thói quen chủ động khi đi mua sắm và biết tuân thủ những quy tắc đã được định trước.
Hãy dạy bé chỉ nên mua những thứ thật sự cần thiết.
2. Trẻ không biết điểm dừng
Người ta thường nói: “Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ". Sự vô tư và đơn giản trong cách suy nghĩ khiến trẻ con luôn bộc bạch mọi việc đúng theo những gì mình quan sát được, không phân biệt cái gì nên nói, cái gì không. Cha mẹ nên nhắc nhở bé rằng có những chuyện bí mật chỉ nên nói riêng với người thân thiết và tránh những lời nhận xét gây tổn thương đến người khác.
Không ai thành thật như trẻ con.
3. Trẻ nói năng không lịch sự
Thông thường, cha mẹ hay dạy con nói cảm ơn, xin lỗi, xin chào cô/chú hay thưa kính người lớn trước khi ra ngoài. Tuy nhiên, đôi khi trẻ vô tư giao tiếp mà quên mất những câu từ thể hiện sự kính trọng và lịch sự. Trong trường hợp này, các bậc phụ huynh nên uốn nắn trẻ bằng cách dọa rằng sẽ không thực hiện bất kì việc gì cho đến lúc chúng nói năng cẩn thận và biết áp dụng những điều đã được dạy bảo.
Nói năng lịch sự, lễ phép là điều cần thiết mà các bé nên học.
4. Thói quen ngắt lời người khác
Trẻ thường có thói quen xen ngang vào lời nói của người khác. Tuy nhiên, thay vì la mắng, cha mẹ nên nói với con rằng: “Con chỉ được tiếp lời khi người lớn đã nói xong vì như thế là có ý thức, có phép lịch sự và biết tôn trọng mọi người”. Trong trường hợp nói chuyện điện thoại, hãy nhắc nhở bé không được làm ồn hay cố tình xen vào câu chuyện. Đồng thời, cha mẹ phải là tấm gương để trẻ noi theo bằng cách không ngắt lời khi con đang bày tỏ ý kiến.
Hãy nhắc nhở ngay khi bé ngắt lời người lớn trong lúc họ đang nói chuyện.
5. Trẻ nghĩ mình rất quan trọng
Hầu hết cha mẹ đều cố gắng thực hiện mọi điều mà con thích. Điều này diễn ra thường xuyên sẽ tác động tới tâm lí của trẻ, khiến chúng nghĩ rằng mình là người vô cùng quan trọng nên ai cũng nuông chiều. Khi ra ngoài, bé có xu hướng khó chịu khi người khác làm trái ý mình và chẳng quan tâm đến cảm xúc của bất cứ ai. Cách tốt nhất chính là đừng quá chiều chuộng mà hãy dạy trẻ sống chan hòa, thân thiện, biết chia sẻ và giúp đỡ tất cả mọi người.
Đừng quên dạy bé biết hòa đồng với những người xung quanh.
6. Trẻ quá dựa dẫm vào cha mẹ
Vì thương con, đa số các bậc phụ huynh đều cố gắng làm mọi cách để bảo vệ, che chở con, từ đó khiến trẻ hình thành thói quen dựa dẫm và ỷ lại. Hãy tập cho con thực hiện mọi thứ phù hợp với khả năng, nếu thất bại thì làm lại. Cứ để con tự do trải nghiệm, vui chơi thoải mái, nếu có ngã thì tự mình đứng dậy. Đây là cách tốt nhất để trẻ rèn luyện bản tính độc lập, kiên cường và biết cố gắng khi trưởng thành.
Cha mẹ nên để con tự trưởng thành sau những lần trải nghiệm.
Cha mẹ nên lưu ý thật kĩ những điều trên và không nên nghĩ rằng việc chiều chuộng mới là cách tốt nhất để thể hiện tình yêu thương với con. Một cây non phải được uốn nắn cẩn thận ngay từ nhỏ thì sau này mới trở thành cây cao vững chắc được!
Ảnh: Internet