Báo Tuổi Trẻ đưa tin, ngày 7/9, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn - trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt về phòng chống dịch Covid-19 đã có công văn gửi Ban chỉ đạo phòng chống dịch TP.HCM, đề nghị tăng cường hỗ trợ lực lượng nhân viên y tế tại bệnh viện dã chiến.
Y bác sĩ tại Trung tâm hồi sức tích cực thuộc Bệnh viện Dã chiến số 14 tích cực chăm sóc bệnh nhân. (Ảnh: Tuổi Trẻ)
Theo ông Sơn, qua kiểm tra tại một số bệnh viện dã chiến ở TP.HCM, có thể thấy mỗi bác sĩ, điều dưỡng phải chăm sóc từ 140 – 150 bệnh nhân hàng ngày. Số lượng người bệnh quá lớn không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần của nhân viên y tế mà còn làm chất lượng điều trị, chăm sóc bị giảm sút.
Mỗi ca làm việc của các bác sĩ, điều dưỡng thường từ 8 – 10 tiếng/ngày. Nếu được điều động tăng cường, họ còn phải thường xuyên trực cấp cứu 12 tiếng/ngày.
Trong suốt quãng thời gian đó, nhân viên y tế đều phải mặc đồ bảo hộ liên tục, dễ gây mất nước, điện giải. Một số bệnh viện sau khi rút nhân lực hỗ trợ chưa kịp bù đủ lại người đã vô tình làm tăng áp lực cho các nhân viên còn lại.
Nhân viên y tế tranh thủ nghỉ ngơi sau ca làm việc của mình. (Ảnh: Tuổi Trẻ)
Bên cạnh đó, hàng ngày các y bác sĩ, điều dưỡng sẽ được hưởng suất ăn là 120.000 đồng/ngày. Nhưng nếu trong quá trình công tác nhân viên y tế không may bị mắc Covid-19 thì khi chuyển sang khu người bệnh, họ chỉ được hưởng suất ăn 80.000 đồng/ngày như các bệnh nhân khác.
Trước tình hình này, Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế đề nghị Ban chỉ đạo phòng, chống dịch TP.HCM phải đảm bảo thời gian nghỉ ngơi cho các nhân viên y tế, không để họ làm việc liên tục trong thời gian dài.
Để đảm bảo công tác, có thể huy động tình nguyện viên, sinh viên hỗ trợ cho công tác hành chính, hạn chế sử dụng nhân viên y tế vào việc này. Đề nghị đơn vị cung cấp thực phẩm điều chỉnh chế độ ăn đảm bảo dinh dưỡng, có thêm lựa chọn cho hợp khẩu vị từng vùng miền. Cần giữ nguyên tiêu chuẩn ăn, không áp dụng chế độ của người bệnh cho nhân viên y tế.
Cần bổ sung thêm nhân lực cho các bệnh viện dã chiến, giảm áp lực cho y bác sĩ. (Ảnh: Bệnh Viện Bạch Mai)
Những đơn vị đã rút nhân viên ra khỏi bệnh viện phải lập tức bổ sung nhân lực thay thế đầy đủ, đảm bảo quân số, tránh gây áp lực công việc cho nhân viên còn lại.
Hiện tại, TP.HCM cũng đã thông qua nghị quyết trong việc chi hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu bao gồm nhân viên y tế trực tiếp và gián tiếp tham gia công tác điều trị; tổ Covid-19 cộng đồng; lực lượng tình nguyện viên được thành phố huy động; lực lượng tình nguyện viên Bộ Y tế chi viện.
Một số đơn vị đã chi trả cho các lực lượng tuyến đầu như Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Bình Dân và một số đơn vị khác. Trong tuần này, lực lượng tuyến đầu sẽ nhận được gói hỗ trợ này.
Nhân viên y tế vui mừng khi các bệnh nhân bình phục. (Ảnh: Người Lao Động)
Đối với các đơn vị trực thuộc trung ương như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Răng hàm mặt trung ương tham gia công tác phòng, chống dịch tại các bệnh viện địa phương, việc chi hỗ trợ thông qua tổng hợp của bệnh viện địa phương.
Nhân viên y tế đang là lực lượng chủ chốt trong công tác chống lại dịch bệnh. Tạo điều kiện tốt nhất để họ cống hiến sẽ giúp việc phòng chống Covid-19 diễn ra thuận lợi hơn.
Các thông tin đời sống xã hội sẽ được liên tục cập nhật tại YAN!
TP.HCM SẼ MỜI F0 ĐÃ BÌNH PHỤC THAM GIA CHỐNG DỊCH CÓ TRẢ LƯƠNG
Phó giám đốc Sở Y tế thành phố Nguyễn Hoài Nam nhận định, các trường hợp F0 đã được xuất viện có thể trở thành nguồn nhân lực quý giá trong công tác phòng chống dịch. Sau khi điều trị thành công, nồng độ kháng thể trong cơ thể sẽ giúp họ miễn nhiễm tạm thời với virus SARS-CoV-2.
Lực lượng này có thể hỗ trợ ở nhiều vị trí như hướng dẫn, vệ sinh khử khuẩn, hỗ trợ điều dưỡng nhiều công việc trong khu điều trị. Do đó, thành phố đang hướng tới việc tuyển dụng và trả lương để những người này tham gia vào việc chăm sóc các F0 đang điều trị.
Ngoài ra, những kinh nghiệm chiến đấu với bệnh tật của lực lượng F0 đã khỏi bệnh này sẽ tác động tốt đến tâm lý của người bệnh hiện tại, giúp họ tự tin hơn trong việc tiếp nhận điều trị.