Là người nổi tiếng và có sự ảnh hưởng nhất định đối với công chúng, mọi phát ngôn hay hành động của các nghệ sĩ dù, là nhỏ nhất, cũng đều được chú ý ngay lập tức. Và điều đó càng đúng khi mạng xã hội đang phát triển hơn bao giờ hết.


Trong quá khứ đã có không ít những người nổi tiếng trên thế giới phải đứng trước làn sóng phẫn nộ từ công chúng chỉ vì những câu nói hay hình ảnh được đăng tải lên tài khoản cá nhân. Thậm chí, những bài đăng từ thời họ chưa nổi tiếng cũng bị đào lại để... ném đá.

Điều này có thể rất dễ nhận ra ở những Gen Z - thế hệ được sinh ra và lớn lên trong thời đại mạng xã hội phát triển. Điển hình là vụ ồn ào diễn ra vào đầu tháng 11 vừa qua khi thí sinh MCK (Nghiêm Vũ Hoàng Long) của chương trình Rap Việt có những phát ngôn dung tục trên mạng xã hội. Sau khi bị khán giả phản ứng, chàng rapper trẻ đã xin lỗi người hâm mộ về vụ việc lùm xùm, dù vẫn không muốn nhận sai vì những lời phản cảm ấy.

Còn trên thế giới, chúng ta cũng không khó để bắt gặp tên tuổi từng bị “ném đá” bởi những hành động trên mạng xã hội.  Năm 2018, ngôi sao truyền hình thực tế Kim Kardashian West – vốn nổi tiếng với phong cách quyến rũ cùng những hình ảnh gợi cảm - đã đăng tải một bức ảnh bán khỏa thân của mình. Hành động này nhanh chóng nhận vô vàn chỉ trích từ công chúng vì sự phản cảm – và tệ hại hơn, vì bức ảnh được Kim nhờ cô con gái 4 tuổi North West chụp. Kết quả, Kim Kardashian West phải nhanh chóng xóa tấm hình này đi để làm dịu dư luận.

Tương tự, Justin Bieber cũng bị “ném đá” vì sự thiếu hiểu biết khi ghé thăm ngôi đền Yasukuni ở Tokyo, Nhật Bản và đăng tải một vài hình ảnh ở đây. Thực tế, ngôi đền này là địa điểm khá nhạy cảm vì tưởng nhớ và thờ phụng 2,5 triệu linh hồn Nhật Bản, bao gồm cả những người tham gia lực lượng phát xít và một số tội phạm chiến tranh trong chiến tranh thế giới lần thứ 2. Vì điều đó, giọng ca “Sorry” đã phải lên tiếng xin lỗi công chúng và lập tức xóa ngay những bức ảnh.

Gần nhất, Miss USA 2020 - Asya Danielle Branch đã bị mọi người lục lại những tweet và hình ảnh không đúng đắn khi xưa về lập trường chính trị của mình. Cô phải lên tiếng giải thích và nhận lỗi ngay sau đó trước khi mọi chuyện trở nên rắc rối hơn. 

Để không bị khán giả lãng quên, người nổi tiếng phải thường xuyên cập nhật trạng thái, hình ảnh cũng như bày tỏ quan điểm trên mạng xã hội. Nhưng, cách họ vô tình vướng vào những rắc rối lại khá khác nhau. Chẳng hạn, đó là sự thiếu hiểu biết như Justin Bieber hay quá vô tư của Kim Kardashian West. Và cũng có thể, mọi thứ đến từ tâm lý muốn chứng tỏ tiếng nói và sự quan tâm của mình về những vấn đề xã hội như Asya Branch. 

Còn với câu chuyện của MCK, anh đang bị liệt vào hành động thể hiện “cái tôi” cũng như cá tính đặc biệt của một người nghệ sĩ theo kiểu “my account my rules” - “tài khoản của tôi, quyền của tôi”. Đáng nói hơn, sau vụ lùm xùm, MCK còn đăng tải một bài viết với nội dung thách thức dư luận và liên tục khóa rồi mở lại bài viết này như một cách đáp trả những người phản đối hành động của anh. 

MCK là một rapper còn rất trẻ (sinh năm 1999). Và từ ví dụ về anh chàng này, chúng ta có thể nhìn nhận được phần nào về cách mà giới trẻ - đặc biệt là thế hệ Gen Z đang sử dụng các trang mạng xã hội hiện nay.

Mạng xã hội được xem như là một thế giới khác, nơi ít nhiều phản chiếu được con người của ai đó ở ngoài đời thật. Còn thế hệ Gen Z là một thế hệ tiên phong, dám nói dám làm dám thể hiện quan điểm của mình một cách rõ ràng. Vì vậy, những gì họ thể hiện trên mạng xã hội ngày nay cũng đầy cá tính và đặc biệt như thế. 

Để bênh vực cho những phát ngôn và hành động có phần nông nổi, không phù hợp với số đông như của MCK, nhiều người sẽ cho rằng “đây là trang cá nhân của tôi, tôi hoàn toàn có thể làm bất cứ điều gì với nó và bạn chẳng có quyền gì để phán xét cả”. Những bài đăng liên quan tới vụ lùm xùm phát ngôn của MCK trên một số trang thông tin giải trí trên Facebook luôn thu hút được hàng nghìn lượt bình luận. Ở đó có không ít những ý kiến bênh vực từ các bạn trẻ cho hành động của chàng rapper này với lý lẽ như trên. 

Thật ra ý kiến đó không đầy đủ. Mặc dù mạng xã hội giao cho người sử dụng quyền năng của nút “block” (chặn) để có thể loại trừ nó ra khỏi tầm mắt của mình; thế nhưng, mạng xã hội cũng là một không gian mở, một khi bạn thiết lập chế độ công khai thì bạn phải chuẩn bị tinh thần sẵn sàng cho việc nhận được những ý kiến trái chiều về nó. Nhất là khi, bạn là người đang dần được biết đến nhiều hơn qua một chương trình truyền hình (như MCK), việc cẩn trọng về phát ngôn và hành động lại càng cần thiết hơn cả. 

“Trang cá nhân của bạn, quyền của bạn” - đồng ý thôi, nhưng cái quyền đó cần phải đặt trong một khuôn khổ được cho phép của pháp luật và các chuẩn mực của xã hội.

Grace Bonney - một blogger và tác giả sách nổi tiếng người Mỹ đưa ra nhận định rằng: “Cho dù là tích cực hay tiêu cực, mọi thứ bạn làm trên mạng xã hội từ trạng thái, hình ảnh, bình luận, cảm xúc hay hashtag đều sẽ được lưu giữ mãi mãi. Xóa đi hay cập nhật lại không phải lúc nào cũng giải quyết được toàn bộ vấn đề. Thế nên hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi có bất cứ một hành động nào trên mạng xã hội”.

Nhà báo và chuyên gia truyền thông với hơn 10 năm kinh nghiệm - Scott Kleinberg cũng bày tỏ ý kiến của mình về vấn đề này: “Thật vô nghĩa mỗi khi xảy ra tranh cãi, các ngôi sao sẽ lại cố làm mới trang cá nhân của mình. Xóa đi những hình ảnh hay bài đăng đó chỉ càng chứng minh rằng họ đang cố che giấu một điều gì đó. Và dù có xóa đi thì những điều gây nên tranh cãi đó cũng đã bị khán giả lưu giữ lại từ lâu”. 

Cũng theo bài viết Millennials vs Generation Z on Social Media của tác giả Lauren Durfy trên Post Beyond, thì Gen Z được xem là một thế hệ độc lập, thực tế và dũng cảm sửa sai từ những lỗi lầm đã mắc phải trong quá khứ. Thực tế, phần lớn Gen Z hiện nay đều đã ít nhiều có được sự cẩn trọng khi đưa ra những phát ngôn hay hành động trên mạng xã hội. Và nếu như có gì đó gây tranh cãi, họ sẵn sàng đứng lên nhận lỗi và dần dần trở nên chín chắn hơn trong cách cư xử. 

Là người nổi tiếng, việc giữ hình ảnh trên mạng xã hội là điều tất yếu. Ngay cả khi không may bị nhắc lại những hành động "xấu xí" ngày trước, họ nên dũng cảm nhận lỗi, trước khi xóa đi và đưa chúng trở về dĩ vãng. Dù không phải là người nổi tiếng, mỗi người cần phải tự ý thức và nhắc nhở bản thân về việc sử dụng mạng xã hội theo cách lịch sự cũng như đúng mực nhất có thể.

Bởi biết đâu một ngày nào đó, bạn sẽ có cơ hội trở thành người của công chúng thì sao. Còn nếu không, việc có một trang mạng xã hội sạch cũng là cách để mọi người có cái nhìn thiện cảm và tốt đẹp hơn về chủ nhân của nó. Nhất là khi, mạng xã hội là thế giới ảo nhưng mức độ sát thương và những gì mà nó có thể ảnh hưởng tới cuộc sống chúng ta đều là thật