Sự chuyên nghiệp trong môi trường công sở nói riêng hay công việc nói chung là điều tốt, cần được hướng đến. Thế nhưng nó sẽ trở thành một thứ tiêu cực ảnh hưởng đến cả sức khỏe thể chất lẫn sức khỏe tinh thần của mọi người, khi được núp bóng dưới sự độc hại. Mà sự độc hại dù ở công việc hay lĩnh vực nào thì cũng là thứ nên được bài trừ, chứ không phải dung túng để nó ngày một phát triển hơn.


“Tính chuyên nghiệp độc hại - Toxic Professionalism” thường được ngụy trang bằng sự quy củ, đồng nhất và hoàn hảo trong công việc ở môi trường công sở. Mọi người sẽ tự cho rằng những gì bản thân cần làm là luôn phải hoàn chỉnh và có được sự trọn vẹn ở mức cao nhất. Chỉ cần một lần công việc gặp trục trặc hay bản thân hôm đó không được năng lượng như mọi ngày là ngay lập tức họ sẽ bị đánh giá về tinh thần chuyên nghiệp của mình. Không ít cá nhân đã bị “thao túng tâm lý” như vậy nơi môi trường công sở mà họ không hề nhận ra. 

Hiểu theo một cách đơn giản và ngắn gọn nhất thì Toxic Professionalism là tính độc hại chuyên nghiệp, nó hướng đến một văn hóa làm việc có hệ thống, nằm trong tầm kiểm soát hoàn toàn, đồng nhất để đạt được lợi nhuận một cách tối ưu nhất. Vấn đề của tính độc hại chuyên nghiệp là nó không hề có sự khoan nhượng cho những sai phạm, khác biệt hay sự cảm tính trong công việc. Với tính độc hại chuyên nghiệp thì dường như con người luôn phải hoàn hảo 100% và không được có chỗ cho sự sai phạm hay xuống phong độ với con đường làm việc mà bản thân theo đuổi. 

Toxic Professionalism chỉ tính chuyên nghiệp độc hại, không khoan nhượng cho những cảm tính, sai phạm, tính cá nhân và sự khác biệt trong công việc. Mục đích là hướng tới văn hóa làm việc đồng nhất, có hệ thống, trong tầm kiểm soát và đạt lợi nhuận tối ưu.

Một cá nhân làm việc chuyên nghiệp dưới định nghĩa của tính độc hại chuyên nghiệp là một người luôn cống hiến hết mình cho công việc và gạt bỏ hoàn toàn những cảm xúc cá nhân hay chuyện riêng tư của bản thân để toàn tâm toàn ý nơi công sở. Thái độ, tính kỷ luật, “vắt sức” và năng lực là những gì mà tính độc hại chuyên nghiệp dựa vào để có thể “thao túng tâm lý” người lao động một cách dễ dàng cũng như thuận lợi nhất. 

Sự thao túng tâm lý của tính độc hại chuyên nghiệp còn được thể hiện thông qua văn hóa công ty cùng những quy tắc ngầm ở đó. Những luật bất thành văn ở nơi chốn làm việc đó bắt buộc người lao động phải thích nghi theo nếu như muốn trụ lại. Đơn cử như họ sẽ xây dựng nên một hình tượng người nhân viên hoàn hảo và chuyên nghiệp với những đặc tính như nghe lời sếp, chăm chỉ tham gia các hoạt động ngoại khóa của công ty, chủ động tăng ca, nhận thêm đầu việc… Đến đây thì sự bóc lột, vắt sức đã được ngụy trang một cách hoàn hảo bằng hai từ “chuyên nghiệp”. 

Không phải mới xuất hiện gần đây mà tính độc hại chuyên nghiệp đã có mặt từ rất lâu trong môi trường công sở, không chỉ ở Việt Nam mà dường như là trên toàn thế giới. Có rất nhiều lý do để tính độc hại chuyên nghiệp không những không “suy tàn” mà ngày một phát triển và trở nên phổ biến hơn. Tuy nhiên để kể đến những lý do chính và nổi bật nhất thì bao gồm ba điều sau. 

Đầu tiên phải nói đến cụm từ “công tư phân minh” - một thứ mà người lao động hay ở môi trường công sở, làm việc nào cũng xem nó như một tôn chỉ trong quá trình vận hành của mình. Giống như đã nói ở trên, tính độc hại chuyên nghiệp yêu cầu người lao động không được để cảm xúc cá nhân hay những vấn đề riêng tư ảnh hưởng tới quá trình lao động mà không cần biết xem các vấn đề đó mang tính chất như thế nào. Những lý do hay cảm xúc cá nhân của người lao động không được phép xuất hiện khi họ làm việc. Điều đó dần dần biến người lao động thành những cá nhân “kiệt sức” bên trong nhưng vẫn phải tỏ ra mạnh mẽ bên ngoài. Đi làm thay vì là niềm vui mỗi ngày lại trở thành nỗi “tra tấn tinh thần” của họ mỗi khi thức dậy vào buổi sáng. 

Môi trường làm việc phân quyền theo cấp bậc là lý do thứ hai khiến tính độc hại chuyên nghiệp ngày càng trở nên phổ biến hơn hiện nay. Sự quản lý và kiểm soát bằng quyền lực là những quy chuẩn cơ bản về tính chuyên nghiệp, khi nó được phân chia theo các khía cạnh như chức vị, tuổi đời, kinh nghiệm hay trình độ. Những người có quyền có thể đưa ra bất cứ một luật lệ hay định kiến nào dưới cái mác “văn hóa công ty” để đánh giá sự chuyên nghiệp của một người lao động. Ví dụ như một người lao động nữ sẽ bị đánh giá là thiếu chỉn chu nếu chẳng may hôm đó cô ấy quên không thoa son hay một cá nhân thuộc cộng đồng LGBTQ+ sẽ bị phê phán nếu như họ sơn móng tay hoặc đeo khuyên tai chẳng hạn. Rõ ràng những điều đó không ảnh hưởng cũng chẳng liên quan gì đến tác phong hay năng suất làm việc của họ, nhưng họ vẫn bị gán mác là “thiếu chuyên nghiệp” dưới góc nhìn thiển cận của những người có quyền. 

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng chính là tính độc hại chuyên nghiệp luôn hướng đến một mục đích cốt lõi của các người chủ nói riêng hay doanh nghiệp nói chung - lợi nhuận. Trong suy nghĩ của họ, mọi sự kiểm soát về nhân sự đều để tránh những tổn thất không đáng có về mặt lợi nhuận hay năng suất. Họ có một niềm tin mãnh liệt rằng “cách thức duy nhất để thành công chính là xây dựng nên một hệ thống làm việc thật chuyên nghiệp”. 

Chuyên nghiệp là một thứ mà ai cũng muốn có cũng như hướng đến trong bất cứ một công việc hay môi trường làm việc nào mà họ là một phần trong đó. Tuy nhiên sự chuyên nghiệp ở đây phải mang tính tích cực chứ không phải là một sự độc hại khiến người lao động bị “thao túng tâm lý” và kiệt quệ dần trong sức khỏe thể chất hay ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe tinh thần của họ. 

Những người nắm quyền trong môi trường công sở theo đuổi tính độc hại chuyên nghiệp luôn nghĩ rằng một môi trường làm việc nhất quán, không có chỗ cho cảm xúc cá nhân hay sai lầm sẽ nhanh chóng thành công và có được sự trung thành của nguồn nhân lực. Thế nhưng đó là một suy nghĩ sai lầm hoàn toàn, vì tính độc hại chuyên nghiệp trong môi trường công sở không những không giữ chân nguồn nhân lực mà còn khiến năng suất làm việc bị giảm sút và “đuổi việc” họ nhiều hơn. Những phong trào phản kháng của người lao động như “quiet quitting” - “nghỉ việc trong thầm lặng”, “anti-work” - “từ chối công việc” hay “the great resignation” - “đại nghỉ việc” là hệ quả tất yếu của tính độc hại chuyên nghiệp trong môi trường công sở. 

Để chấm dứt tính độc hại chuyên nghiệp trong công việc và môi trường công sở thì những người đứng đầu các doanh nghiệp cần chấm dứt niềm tin về một “hệ thống chuyên nghiệp khắc nghiệt sẽ dẫn đến thành công”. Thay vào đó họ cần thay đổi tư duy để điều chỉnh lại những gì mà doanh nghiệp còn thiếu sót hay sai lầm trong việc đánh giá sự chuyên nghiệp trong công việc của người lao động. Con người không phải những bộ máy vô cảm vì thế họ chưa và cũng sẽ không bao giờ là một bánh răng trong một hệ thống sinh lời bất chấp mà không quan tâm đến cảm xúc của họ. 

Người lao động cũng nên hiểu biết và nhận thức rõ hơn về công việc cũng như môi trường công sở mà bản thân đang là một phần trong đó, để xem liệu có đang chịu sự ảnh hưởng của tính độc hại chuyên nghiệp mà không hề hay biết hay không. Nhận ra sớm tính độc hại chuyên nghiệp ở môi trường công sở đang làm việc và thoát khỏi nó là một cách không để bản thân bị kiệt quệ về tâm trí, thể chất và tinh thần bị suy giảm. Người lao động và doanh nghiệp là một mối quan hệ “win - win”, đôi bên cùng có lợi thế nên không ai xứng đáng phải làm việc trong một môi trường độc hại núp bóng sự chuyên nghiệp giả tạo cả.