Tích cực luôn được nhìn nhận là một điều tốt lành, có thể giúp tâm trạng và mọi chuyện diễn ra trong cuộc sống hàng ngày được tươi sáng cũng như đi theo một chiều hướng tốt hơn. Tuy nhiên lúc nào cũng tích cực chưa hẳn đã là điều nên làm, vì đôi khi chính sự tích cực đó lại đem đến sự tiêu cực cho sức khỏe tinh thần nói riêng và cuộc sống thường nhật nói chung.


Khi áp dụng vào thực tế thì sự tích cực vẫn có những khuyết điểm không hề nhỏ chút nào. Cố tỏ ra lạc quan hay tích cực trong khi cảm xúc thật của bản thân không như vậy có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng hơn tưởng tượng. Ở trong những tình huống như thế thì sự tích cực đã dần dần trở thành một thứ mang tính độc hại mất rồi. 

Sự tích cực độc hại trong tiếng Anh được gọi là “Toxic Positivity” - nó ám chỉ việc quá tập trung vào những cảm xúc tích cực mà quên đi hay chối bỏ các loại cảm xúc khác của bản thân, kể cả cảm xúc thật trong tâm trí lúc đó. Dần dần những trải nghiệm hay cảm xúc thật sẽ bị từ chối, bỏ qua và nhường chỗ lại cho sự tích cực mang đầy tính giả tạo cũng như độc hại. 

Tự đánh giá bản thân vì những cảm xúc này dẫn đến những cảm xúc thứ cấp dữ dội hơn như xấu hổ, đau khổ, thất vọng, lo âu. Chúng khiến nhiều người bị phân tâm khỏi việc giải quyết vấn đề hiện tại và đánh mất lòng tự trắc ẩn.

Vì luôn được nhìn nhận như một điều tốt lành thế nên không phải lúc nào sự tích cực độc hại cũng dễ dàng được phát hiện ra. Đôi khi chính bản thân mỗi người chúng ta cũng đã đưa ra những lời khuyên mang tính tích cực độc hại mà không hề nhận ra điều đó. Đơn cử như việc tâm niệm luôn “nhìn vào mặt tích cực” khi có chuyện không may xảy ra hay tự nhủ “mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi”, thế nhưng làm sao để cho nó ổn thì không thể tìm ra được câu trả lời. 

Ngoài ra sự tích cực độc hại còn có liên quan đến “tư duy thượng đẳng thế hệ”, khi người trẻ chia sẻ về những áp lực mà bản thân gặp phải với người lớn hơn. Thay vì cảm thông hay đưa ra những lời khuyên có ích thì không ít người lớn lại nói ra các câu như “Thời nay như vậy là sung sướng rồi chứ thời của anh/chị…” hoặc “Có bao nhiêu đó mà cũng than thở, tụi em là dễ dàng hơn anh/chị nhiều rồi đó”. Vô tình hay cố ý thì có lẽ ai cũng phải công nhận rằng bản thân đang để cho sự tích cực độc hại hiện diện trong suy nghĩ và cuộc sống thường nhật mỗi ngày. 

Dấu hiệu của sự tích cực độc hại là khi nó khiến bản thân chối bỏ đi những cảm xúc thật đang hiện diện trong tâm trí. Nó làm cho bản thân con người ta cảm thấy có lỗi và tồi tệ khi phát sinh những cảm xúc tiêu cực như buồn rầu, giận dữ hay thất vọng. Không chỉ với bản thân mình mà sự tích cực độc hại còn khiến chúng ta trở nên thiếu sự tinh tế và thấu cảm với cảm xúc của người khác. Thay vì quan tâm, chia sẻ thì sự tích cực độc hại sẽ khiến cho chúng ta chối bỏ, hạ thấp cảm xúc của người khác bằng những câu động viên sáo rỗng và không hề mang lại chút tác dụng gì. 

Bên cạnh việc khó kết nối với người khác hay hình thành cảm xúc thứ cấp ngày một mạnh hơn, sự tích cực độc hại còn khiến mức độ cảm xúc tiêu cực gia tăng. Vì bản chất của sự tích cực độc hại là chối bỏ đi những cảm xúc mang tính tiêu cực, thế nên các vấn đề này sẽ tồn tại ngày một nhiều hơn trong tâm trí và có thể gây nên hậu quả xấu khi nó bùng nổ do quá sức chịu đựng. Đến lúc đó thì việc giải quyết vấn đề hay sắp xếp lại cảm xúc bên trong sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều. 

Đánh mất nguồn thông tin quan trọng và ảnh hưởng xấu đến động lực chính là hai tác hại còn lại của sự tích cực độc hại. Cảm xúc là một nguồn thông tin trong tâm trí của chúng ta và nó cho biết được chuyện gì đang diễn ra cũng như sự nhìn nhận của bản thân đối với câu chuyện, sự kiện đó. Chối bỏ cảm xúc thật cũng đồng nghĩa với việc chúng ta đã bỏ lỡ đi những thông tin cần thiết và từ đó thiếu đi các dữ kiện để có thể đem đến quyết định hợp lý. 

Như đã đề cập ở trên, sự tích cực độc hại chỉ làm con người cảm thấy càng lúc càng tổn thương hơn trong những thời điểm khó khăn. Thay vì được bộc lộ những cảm xúc chân thật và nhận lại sự giúp đỡ thật sự, người ta thường cảm thấy cảm xúc của mình bị chối bỏ và không được thấu hiểu. Từ đó, sự tích cực độc hại sẽ gây ra những cảm giác và suy nghĩ hết sức cực đoan.

Còn về chuyện ảnh hưởng xấu đến động lực thì việc luôn nghĩ đến những viễn cảnh tích cực khiến cho tâm trí tự đánh lừa bản thân rằng đã làm các việc đó rồi. Động lực để biến chúng thành hiện thực cũng giảm đi và còn có thể khiến bản thân không bắt tay vào thực hiện chúng nữa. Về lâu về dài sự tích cực độc hại sẽ ảnh hưởng sâu sắc theo chiều hướng xấu đến cả năng suất lẫn sức khỏe tinh thần của mỗi chúng ta. 

Điều đầu tiên cần phải làm để không dính vào hay ít nhất là vượt qua sự tích cực độc hại chính là biết chấp nhận cảm xúc thật của mình. Thay vì cố tỏ ra vui vẻ mọi lúc mọi nơi thì việc chấp nhận rằng bản thân đang buồn, đang tức giận, đang thất vọng…chính là một cách hữu hiệu hơn nhiều để lấy lại cân bằng cho bản thân. Thể hiện những cảm xúc đó qua nhật ký, lời nói hay chia sẻ với gia đình, bạn bè sẽ tốt hơn rất nhiều cho sức khỏe tinh thần của bản thân. Đây mới là cách dịu dàng và yêu thương bản thân đúng cách chứ không phải để nó vật lộn cùng sự tích cực độc hại. 

Những lời động viên, khuyên nhủ sáo rỗng kiểu “Đừng buồn nữa, hãy vui lên” hay “Chuyện có gì đâu mà buồn, chuyện của tôi còn tồi tệ hơn nhiều nữa kìa” cần phải được tránh hay loại bỏ ra khỏi tâm trí của bản thân chúng ta. Đó không chỉ là cách giúp bản thân tránh xa được sự tích cực độc hại mà còn khiến các mối quan hệ được gìn giữ tốt hơn cũng như biến bản thân trở thành một cá nhân tinh tế, có nhiều sự thấu cảm hơn. 

Mặc dù sự tích cực độc hại khiến người ta tránh né những cảm giác đau buồn, nhưng đồng thời nó cũng làm hao mòn khả năng chịu đựng những xúc cảm có thể khiến chúng ta vững vàng hơn trong cuộc sống và nhìn nhận rõ hơn về bản thân.

Duy trì sự lạc quan trong những tình huống khó khăn là một điều tốt. Thế nhưng, với những người đang trải qua sang chấn về tâm lý hay những tình huống quá đỗi đau buồn, điều họ cần là sự thấu cảm chứ không phải những lời lẽ sáo rỗng khuyến khích họ phải luôn phấn chấn và lạc quan.

Thay vì chỉ nhấn mạnh tư duy tích cực, công nhận những cảm xúc thật của mình là một cách giải quyết vấn đề tốt hơn và hạn chế được sự tích cực độc hại. Bên cạnh đó, Thể hiện cảm xúc qua lời nói hoặc câu chữ làm giảm mức độ của sự buồn bã, tức giận hay đau đớn. Nếu được, hãy viết xuống hoặc chia sẻ với người bạn tin tưởng về cảm xúc của mình.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng đó là việc bản thân chúng ta không cần quá rạch ròi về mặt cảm xúc hay nghĩ rằng cảm xúc tích cực hoặc tiêu cực chỉ có một hướng nhất định. Trái với sự tích cực độc hại là sự tích cực lành mạnh, khi ở đó cảm xúc thật vẫn được công nhận cùng những niềm tin, niềm hy vọng tươi sáng. Chẳng hạn khi bị vuột mất một cơ hội nghề nghiệp yêu thích, bản thân hoàn toàn có thể buồn bã vì điều đó nhưng đồng thời vẫn hy vọng vào việc có thể nhận được một cơ hội nghề nghiệp tốt hơn. 

Không đánh đồng cứ cảm xúc tiêu cực là có hại và ngược lại thì đến lúc đó bản thân sẽ trở nên trắc ẩn cũng như dịu dàng với chính mình hơn. Từ đó sự tích cực độc hại sẽ dần dần bị triệt tiêu và nhường chỗ lại cho những cảm xúc “lành mạnh” tạo nên được sự ổn định cho sức khỏe tinh thần mỗi người.