Văn hóa Việt Nam là một kho tàng phong phú mà giới trẻ đã và đang tìm hiểu. Khi thời thế có sự thay đổi, con người ta cũng điều chỉnh những phong tục tập quán sao cho phù hợp, nhưng vẫn tuân thủ những giá trị truyền thống và đạo đức. Đám cưới cũng vậy, nếu ngày xưa phong tục cưới có phần cầu kì thì ngày nay sẽ được đơn giản hóa.
Với bộ ảnh cưới tái hiện lại những năm “nào đó”, ta sẽ có dịp tìm hiểu về phong tục đám cưới Việt Nam xưa và nay. Bộ ảnh được chụp bởi Hoang Anh Hien - thành viên group Việt Nam Ơi, một anh chàng siêu tài năng với những bộ ảnh chất phát ngất.
Ngày xửa ngày xưa, phong tục cưới truyền thống và chuẩn mực sẽ trải qua 6 trình tự lễ vô cùng cầu kì và thú vị.
1. Lễ nạp thái
Đây có nghĩa là lễ thu nạp sính lễ của nhà trai. Với lễ này, nhà trai sẽ mang qua nhà gái một đôi chim nhạn để thưa chuyện. Nghi lễ khởi đầu với đôi chim nhạn mang ý nghĩa thuận vợ thuận chồng, âm dương hòa hợp.
2. Lễ vấn danh
Lễ vấn danh là lúc nhà trai cử người sang nhà gái, mang theo rượu, chè và trầu cau. Mục đích của lễ này là nhà trai muốn biết ngày tháng năm sinh của cô gái để nhờ thầy tính tuổi xem có hợp hay không rồi mới tính đến những chuyện khác. Về phía nhà gái cũng sẽ chuẩn bị tờ giấy ghi những thông tin cần thiết của cô gái để đón lễ vấn danh.
3. Lễ nạp cát
Lễ nạp cát sẽ là bước tiếp theo khi đôi trẻ hợp tuổi, mục đích để đánh tiếng nhà gái xin lễ ăn hỏi. Xem nhà gái có yêu cầu gì không để nhà trai chuẩn bị.
Sính lễ thường có buồng cau, rượu trắng, xôi gấc. Tùy vào điều kiện của nhà trai mà sẽ có thêm lợn sữa quay, đầu lớn, trà bánh,...
4. Lễ thách cưới
Ngày nay vẫn còn nhiều gia đình áp dụng lễ thách cưới, với mục đích nhà gái yêu cầu những lễ vật mà nhà trai phải nạp. Thường là sẽ không đòi hỏi quá cao để nhà trai có thể đáp ứng. Tuy nhiên, sẽ có vài trường hợp đặc biệt nhà gái không muốn gả nên sẽ thách cưới cao hơn điều kiện kinh tế nhà trai.
5. Lễ thỉnh kỳ
Với mục đích đơn giản là chọn ngày lành tháng tốt để tổ chức. Thường là nhà trai sẽ quyết định và hỏi ý kiến nhà gái. Nhà gái thông thường sẽ xuôi theo ý nhà trai.
6. Lễ cưới
Sau khi trải qua những “vòng” gắt gao và vượt qua “cửa ải”, đôi trẻ sẽ được cử hành hôn lễ với sự chứng kiến của hai bên gia đình. Từ đây, họ chính thức thành vợ thành chồng. Nhà trai sẽ có thêm dâu hiền, nhà gái sẽ có thêm rể thảo. Đôi tân lang tân nương sẽ cùng nhau sống trọn vẹn nghĩa tình đến đầu bạc răng long.
Ngày nay, phong tục cưới sẽ có phần đơn giản hóa để phù hợp với nhịp sống hiện đại nhưng vẫn giữ những lễ nghi truyền thống. Sẽ bao gồm lễ dạm ngõ để hai bên gai đình gặp mặt, cho phép đôi trẻ được đến với nhau.
Tiếp theo là lễ đính hôn, một nghi lễ đóng vai trò quan trọng. Giờ đây nhà trai và nhà gái là xui gia, đôi trẻ trở thành hôn phu và hôn thê của nhau.
Cuối cùng là lễ cưới với 3 nghi thức chính: xin dâu, rước dâu và tổ chức tiệc cưới. Thế là đôi trẻ sẽ trở thành vợ chồng, cùng xây dựng tổ ấm nhỏ của mình. Sau một thời gian, nếu hai bên thông gia gần nhà nhau thì sẽ tổ chứ lễ lại mặt. Chàng trai sẽ đưa cô gái về thăm nhà, ăn cơm cùng gia đình cô dâu.
Có thể thấy, dù xưa hay nay thì đám cưới chính là cái kết viên mãi cho chuyện tình của nhiều cặp đôi. Tìm hiểu về phong tục cưới để ta thấy rõ vai trò quan trọng của việc cưới xin và trân trọng nhau hơn. Đến với nhau là điều không dễ dàng nên phải biết trân trọng và gìn giữ tổ ấm.
Quả thật, văn hóa Việt Nam còn rất nhiều điều tốt đẹp để giới trẻ ngày nay học hỏi. Tham gia ngay vào group Việt Nam Ơi để có cho mfinh những kinh nghiệm du lịch và kiến thức bổ ích, bạn nhé!
Ảnh: Hoang Anh Hien - thành viên group Việt Nam Ơi
Comments