Bên cạnh việc tạo ra những hình mẫu sai lệch về người LGBT trên màn ảnh, các tác phẩm của làng phim ảnh Việt Nam không biết vô tình hay cố ý mà luôn “bi kịch hóa” số phận của những cá nhân này. Việc người LGBT có cuộc sống khó khăn hay gặp nhiều định kiến đã không còn xuất hiện nhiều trong thời điểm hiện nay nữa và khán giả cũng đã quá ngán ngẩm với sự đa sầu đa cảm không cần thiết này rồi.


Ở bộ phim về cộng đồng LGBT đang ra rạp là Mến Gái Miền Tây, nhân vật chính của phim là Mến phải trải qua nhiều bi kịch trong suốt quãng đời của mình. Từ việc gia đình không hạnh phúc, phải sống khác với bản dạng giới để có được tình yêu của người mình có tình cảm rồi lại bị người ta xem như là đàn ông, sau 12 năm chung sống như vợ chồng. Dù những phân đoạn cảm xúc hay cao trào của câu chuyện chưa được làm đến mức tối đa, nhưng số phận “bi kịch” của những người thuộc cộng đồng LGBT vẫn được thể hiện ít nhiều thông qua bộ phim này. 

Tuy nhiên việc cứ “bi kịch hóa” cộng đồng LGBT e rằng không còn là một điểm đặc biệt để thu hút khán giả yêu điện ảnh nữa rồi. Lỗi thời, không bắt kịp với tình hình xã hội hiện nay hay quan trọng nhất là nhàm chán, rập khuôn chính là điều khiến việc “bi kịch hóa” cộng đồng LGBT cần được “đẩy lùi” khỏi màn ảnh nước nhà. 

Những tác phẩm về LGBT nổi bật của phim ảnh Việt Nam như Trai Nhảy, Hot Boy Nổi Loạn, Lạc Giới hay cả Thưa Mẹ Con Đi đều cố gắng truyền tải nội dung chính là những khó khăn, vất vả và có khi là bi kịch nặng nề của người LGBT. Không ai cấm phim ảnh về LGBT không được kể chuyện theo cách bi kịch, nhưng nếu mãi không thay đổi và cứ đi theo lối mòn đó thì không chỉ chất lượng phim bị đi xuống mà hình ảnh của cộng đồng LGBT cũng trở nên sai lệch đi trong mắt xã hội. 

Thưa Mẹ Con Đi vẫn khiến người xem suy nghĩ về những khó khăn và trở ngại của một người con là LGBT trong gia đình, thế nhưng bộ phim này lại khai thác mặt khó khăn đó một cách rất nhẹ nhàng, đời thường, có chút buồn cơ mà không quá “bi kịch hóa” nó lên. Câu chuyện của Thưa Mẹ Con Đi tuy không quá vui vẻ, nhưng những cá nhân thuộc cộng đồng LGBT đều có thể nhìn thấy bản thân mình ở trong đó. Có thể trong câu chuyện của chính mình, mọi thứ đối với họ nhẹ nhàng hơn cũng có thể sóng gió hơn trong phim. Thế nhưng chốt lại thì những nét trầm của bộ phim này khiến người ta suy nghĩ về nó nhiều hơn là cảm thấy đau buồn và quá bi lụy về LGBT. 

Ra mắt năm 2019, Ngôi Nhà Bươm Bướm là một bộ phim được chuyển thể từ vở kịch La Cage aux Folles của Pháp. Còn nhiều thiếu sót để trở thành một tác phẩm xuất sắc, nhưng Ngôi Nhà Bươm Bướm vẫn được đánh giá là một bộ phim về LGBT văn minh và đáng xem. Câu chuyện phim về một cặp đôi đồng tính nam trung niên và tình cảm, sự khó khăn cũng như lựa chọn của họ khi gặp mặt gia đình bạn gái của con trai - một gia đình có lối suy nghĩ truyền thống cùng nhiều định kiến. 

Ngôi Nhà Bươm Bướm khai thác mọi thứ ở một khía cạnh nhẹ nhàng, hài hước, đời thường và miêu tả cặp đôi đồng tính nam trung niên của phim không khác gì các cặp đôi dị tính xung quanh cả. Không hề có không khí bi lụy nào quá nặng nề mà Ngôi Nhà Bươm Bướm vẫn đem lại một thông điệp tích cực cho người xem, khi tình yêu chỉ đơn giản là một người có chung nhịp đập với đối phương mà thôi. 

Đó là hai bộ phim hiếm hoi của màn ảnh Việt Nam không “làm màu” hình ảnh cộng đồng LGBT cũng như cố gắng xây dựng nên một câu chuyện quá đa sầu đa cảm xung quanh họ. Cộng đồng LGBT ở Việt Nam hiện nay đã vui vẻ và nhận được nhiều sự cởi mở hơn từ xã hội. Ngoài ra cũng có nhiều khía cạnh tích cực khác của cộng đồng LGBT cần được các nhà làm phim Việt Nam chịu khó khai thác và tìm hiểu hơn. Những người LGBT vẫn có nhiều khó khăn và trở ngại đó, nhưng nó không còn quá bi lụy như cách phim ảnh Việt Nam đã cũng như đang miêu tả họ đâu.