Sự xuất hiện dày đặc của web drama được xem là một cơ hội để cho nhiều gương mặt tài năng thể hiện khả năng diễn xuất của mình và là bước đệm cho sự nghiệp sau này.


Tại thị trường điện ảnh châu Á, vai chính trong phim truyền hình hay điện ảnh thường được giao cho các cái tên đã phần nào có tiếng tăm ở trong giới. Cơ hội để những gương mặt trẻ được đào tạo bài bản, chưa thành danh thể hiện bản thân mình là khá hiếm hoi, nếu có thì cũng chỉ là những vai phụ mờ nhạt không để lại được quá nhiều dấu ấn trong lòng công chúng. Không phải ai cũng may mắn được như Bảo Hân với cơ hội đóng chính trong bộ phim quốc dân Về nhà đi con và trở thành gương mặt tiềm năng cho điện ảnh. 

Thị trường web drama ở Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển sôi động nhất khi dường như tháng nào cũng có sản phẩm mới ra lò để phục vụ cho công chúng, với những cái tên ít nhiều để lại dấu ấn như Thập Tam Muội, Bố già, Ghe bẹo ghẹo ai, Ai chết giơ tay, Nhà trọ có quá trời phòng. Đó chính là cơ hội “ngàn năm có một” giúp các gương mặt trẻ chứng tỏ năng lực của mình và có thể vụt lên thành tên tuổi được săn đón.

Điển hình như diễn viên hài Thu Trang, là một nhân vật được “nhớ mặt đặt tên” nhưng chủ yếu đến từ những người yêu thích hài kịch chứ chưa thật sự được công chúng biết đến rộng rãi. Phải đến năm 2018 với thành công của web drama Thập Tam Muội, tên cô mới được nhắc đến nhiều hơn. Không kể tới vai diễn khi web drama này phát triển thành bản điện ảnh chiếu rạp, Thu Trang còn có cơ hội xuất hiện trong nhiều vai diễn đắt giá, mà điển hình là Thu Quỳnh trong Tiệc trăng máu

Tương tự, với sự thành công của hai web drama là Tay buôn, buông tay Ghe bẹo ghẹo ai, Võ Đăng Khoa từ danh xưng “cháu nuôi Hoài Linh” đã trở nên quen mặt với khán giả hơn sau nhiều năm “ngụp lặn” trong nghề. 

Hay như Huỳnh Uyển Ân sau vai diễn trong web drama Bố già, cũng đã có cơ hội thử sức với vai diễn khá gai góc ở bộ phim điện ảnh kinh dị Đôi mắt âm dương ra mắt vào đầu năm nay. Rồi, một số gương mặt trẻ khác như BB Trần, Huỳnh Lập, Quang Trung, Duy Khánh cũng nhờ các web drama mà có thêm cơ hội ở mảng diễn xuất lẫn quảng cáo hay cả những chương trình truyền hình. 

Tuy nhiên, nhìn chung thị trường web drama ở Việt Nam hiện nay khá sôi động nhưng nó vẫn chưa thật sự là một bước đệm cho những nhân tố mới. Ngoài những Thu Trang, Huỳnh Lập, Duy Khánh, dường như vẫn chưa có thêm gương mặt mới nào dù trẻ hay già có thể cho khán giả thấy được những bước tiến mới của bản thân. Một phần vì web drama Việt vẫn chuộng mời những nghệ sĩ đã có tên tuổi vào các vai quan trọng, trong khi số lượng diễn viên trẻ như Tuấn Trần, Huỳnh Uyển Ân trong Bố già hay Phạm Hoàng Nguyên trong Ghe bẹo ghẹo ai là rất ít. Một phần khác, vai diễn được giao cho những người trẻ cũng chưa thật sự đủ đất diễn để họ được những nhà làm phim nhớ tới và trao cơ hội.

Nói cách khác, web drama chỉ là bàn đạp ban đầu, còn việc có biết nắm bắt lấy cơ hội này để tạo được dấu ấn trong nghề hay không thì nó hoàn toàn là một câu chuyện khác và phụ thuộc vào mỗi cá nhân.