“Anh muốn chia tay á…không dễ đâu anh…anh muốn lật kèo á…không dễ đâu anh…thật á…” là một đoạn bài hát của một nữ ca sĩ trẻ dùng để tạo trend trên kênh TikTok riêng của mình. Nhiều người xem tỏ ra ngán ngẩm vì ca từ dễ dãi và phản nghệ thuật. Thực tế nhiều tác phẩm âm nhạc dù được đầu tư bài bản về hình thức và có mức độ lan tỏa nhất định nhưng lại chứa ca từ vô nghĩa.
 

Trước đây, để cho ra một sản phẩm âm nhạc, những người nghệ sĩ có thể mất vài năm để “thai nghén” ý tưởng, viết từng nốt nhạc, trau chuốt từng câu hát trong nhiều tháng trời để đảm bảo nó truyền tải được câu chuyện và cảm xúc của mình. Nhưng sau khi TikTok bùng nổ, không ít nhà sản xuất lẫn nghệ sĩ chỉ mong muốn có được một đoạn nhạc dài từ 15-30 giây đến 1 phút, bắt tai dễ nhớ, có thể nhảy được thế là đủ. Họ lười sáng tạo hơn và đó cũng là lúc những bài hát có giai điệu và ca từ rập khuôn, dễ nhớ ra đời.
Vì vậy mà TikTok đang dần trở thành một nền tảng thay đổi hoặc quyết định tư duy, mục tiêu làm nhạc cũng như cách thức giới thiệu đến khán giả đại chúng của các nhà sản xuất, nhạc sĩ, ca sĩ… ngày nay.
 

Những bài hát với ca từ dễ dãi, lố bịch như đã đề cập ở trên xuất hiện ngày càng nhiều và hầu như chiếm sóng khắp mọi nơi. Hơn nữa, chúng còn được làm nhạc nền cho các video có nội dung ngớ ngẩn hay chỉ nhảy nhót khoe da thịt. Điều đó càng tạo nên một sự rối loạn đối với nền công nghiệp âm nhạc hiện đại.
Việc cho ra đời những tác phẩm như thế không chỉ đến từ các nhà sáng tạo nội dung nghiệp dư, mới nổi trên mạng xã hội mà còn đến từ những nghệ sĩ làm nhạc kỳ cựu hoặc đã có nhiều tác phẩm chất lượng trước đó. Chẳng hạn như lời bài hát Sashimi (ca sĩ Chi Pu) có đoạn điệp khúc “Ở đây chúng em có sashimi…Chúng em có sashimi…Ở đây chúng em có sashimi…So tươi so yummy” trở thành đề tài chỉ trích của cộng đồng nghe nhạc một thời gian dài vì sự sáo rỗng, vô nghĩa. Bất ngờ là bài hát này được chấp bút bởi nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền, vốn là “cha đẻ” của nhiều ca khúc mang thông điệp nhân văn, đẹp đẽ được nhiều đối tượng khán giả đón nhận.
 

TikTok là nền tảng mạng xã hội được “đóng đinh” là sân chơi của các bạn trẻ, nên nhiều người cũng đánh đồng suy nghĩ cho rằng giới trẻ ngày nay chỉ ưa chuộng những loại nhạc như vậy. Nhưng thực tế thì khác, khán giả trẻ là người phấn khích đón nhận các sản phẩm âm nhạc mới nhưng cũng rất nhạy cảm với “món ăn tinh thần” mà mình được thưởng thức.
Không phải người trẻ nào, bao gồm cả Gen Z cũng chấp nhận thể loại âm nhạc hời hợt, vô nghĩa. Ngược lại họ còn mong cần mãnh liệt hơn những tác phẩm âm nhạc mang đến giá trị tinh thần trong cuộc sống nhiều biến động và mệt mỏi hằng ngày hơn bất cứ ai. Đối với những sản phẩm đầu tư cẩu thả đặc biệt là với ca từ độc hại, vớ vẩn không ít người bình luận phản đối và chê trách người làm nhạc xem thường khán giả. 
 

Nhiều sản phẩm âm nhạc mới ra đời liên tục nhưng kém chất lượng khiến người ta chỉ còn cách tìm về với các bài hát xưa cũ hoặc dành tình cảm đặc biệt cho những trình có đầu tư về mặt nội dung. Thời gian gần đây, các chương trình như Giao lộ thời gian, Xuân Hạ Thu Đông, rồi lại xuân và đặc biệt là Ca sĩ mặt nạ đón nhận sự ủng hộ mạnh mẽ của khán giả đại chúng. Họ không chỉ trình diễn, tái hiện lại những ca khúc cũ có giai điệu đẹp mà còn tôn vinh ý nghĩa, câu chuyện và cảm xúc của người nghệ sĩ đằng sau mỗi tác phẩm.
 

Có thể nói, khán giả vẫn khao khát và vui sướng khi được thưởng thứ thứ âm nhạc có ý nghĩa và được đầu tư chỉn chu. Và thực tế là những bài hát như thế mới có thể tồn tại dài lâu trong lòng công chúng và định hình giá trị của người nghệ sĩ thực thụ.