Hai từ “sống chậm” vẫn được chúng ta nhắc tới như một cách để tự cân bằng trong nhịp vận động của xã hội hiện đại. Để rồi, bất kể muốn hay không, bạn đã từng chấp nhận nó như một lựa chọn tất yếu, trong quãng thời gian giãn cách xã hội vì dịch Covid -19 vừa qua.


Họ đã nhập cuộc và tự rút ra cho mình những suy nghĩ gì về 2 chữ “sống chậm”? Đó là câu hỏi được chuyên mục “Cảm hứng bất tận” đặt ra với 6 gương mặt: Chu Duy Ly - Giảng viên đại học, Võ Hoàng Linh - Nhiếp ảnh gia, Võ Hoàng Yến - Siêu mẫu, Minh Tú - Người mẫu, Châu Bùi - Fashionista và Minh Tâm - Sinh viên đại học.

Một chia sẻ ngắn gọn: trong đợt giãn cách vào tháng 4 vừa qua, một ngày bình thường của bạn diễn ra thế nào?

- Châu Bùi: Trong đợt giãn cách vừa qua, Châu đã tập được cho mình nhiều thói quen sống lành mạnh. Phải nói chưa bao giờ mình cảm nhận chất lượng cuộc sống của mình tốt lên như vậy. Vì khoảng thời gian ở nhà, mình đã đầu tư, level up bản thân bằng cách tập cách sống 1 mình, đọc nhiều hơn, tập luyện nhiều hơn, học nhiều kỹ năng hơn, sống chậm lại nhìn nhận mọi thứ để trân trọng cuộc sống hơn. Ngoài những thói quen mới được xây dựng thì Châu cũng không thể sống thiếu công việc. Thật sự, dù ở nhà nhưng Châu vẫn làm việc thôi. 

Thời gian này Châu cũng bắt đầu tìm hiểu thêm về mảng kinh doanh. Bởi đây là điều mà Châu đã luôn muốn thử mà chưa thể sắp xếp thời gian hiệu quả. Mỗi ngày mình lại dành thời gian học thêm những thứ mới, nghiên cứu xu hướng hiện nay... Từng chút từng chút trau dồi thêm kiến thức cho bản thân.

- Duy Ly: Một ngày bình thường của tôi trong đợt giãn cách vào tháng 4 diễn ra như sau. Buổi sáng, sau khi tỉnh dậy và vệ sinh cá nhân, tôi nấu đồ ăn sáng, pha một ly cafe Đăk Lăk. Tôi sinh ở Buôn Ma Thuột, nên thích uống cafe vị đậm, không đường hoặc rất ít đường và ít đá. Sau đó khi ăn sáng, tôi bắt đầu làm việc, kiểm tra emails, đọc tài liệu, ghi chép hoặc đánh dấu (highlight) lại những đoạn quan trọng trong các tài liệu đã đọc để sử dụng sau này. Buổi trưa, sau khi nấu và ăn trưa, tôi ngủ trưa 15 -20 phút. Tỉnh dậy tôi pha ly cafe thứ 2, và tiếp tục làm việc đến khoảng 5h chiều. Sau đó, tôi tập thể dục trong phòng theo các bài tập của Chris Heria. Buổi tối, sau khi tự nấu và ăn tối, tôi làm việc, nghe nhạc thư giãn, đọc sách 1 chút và viết ra một số công việc phải giải quyết vào hôm sau trước khi đi ngủ.

- Minh Tú: Như mọi người cũng đã biết, trường hợp của Tú khá đặc biệt so với mọi người. Ngay lúc Việt Nam tiến hành giãn cách vào tháng 4 vừa qua thì vì lý do công việc, Tú phải đi công tác tại Bali – Indonesia 4 ngày và vô tình bị kẹt lại ở đó gần 5 tháng. Tuy nhiên, không riêng gì ở Việt Nam mà tình hình dịch bệnh COVID-19 của các nước trên thế giới vào thời điểm đó diễn biến rất phức tạp. Chính do vậy, phần lớn trong suốt khoảng thời gian lưu trú tại Bali, Tú luôn cố gắng tự cách ly bản thân mình với mọi người bên ngoài.

- Võ Hoàng Yến: Một ngày của Võ Hoàng Yến trong những ngày giãn cách xã hội cùng như bao người bình thường mà thôi. Sáng dậy sớm một chút, tập thể dục, nói chuyện cùng bố mẹ, cho các em thú nuôi ăn, xem TV, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa và ngủ cho thật đã mà chẳng cần suy nghĩ gì nhiều, quay tiktok quay vlog…. Có lẽ đã quá lâu rồi Võ Hoàng Yến CHƯA CÓ DỊP để làm những điều tưởng chừng như quá đỗi bình thường như thế ấy, nghe có vẻ buồn cười như là sự thật (cười lớn )

Bạn đã thích nghi với đợt giãn cách xã hội vào tháng 4 vừa qua theo cách nào?

- Châu Bùi: Đó là cơ hội để Châu có thể nhìn nhận lại cuộc sống, đi sâu vào bên trong bản thân để hiểu, chữa lành và khai phá những khả năng mới. Bởi thế, Châu tập cho mình một thái độ bình tĩnh trước những biến cố bất chợt,vì khi tâm thái tĩnh lặng thì bạn mới có thể nhìn thấu đáo vấn đề và có cách giải quyết đúng đắn. Châu bắt đầu sống chậm lại, cảm nhận những năng lượng tích cực của cuộc sống bằng việc mỗi ngày dậy sớm, duy trì thiền định.Ngoài ra, Châu cũng tự phát triển bản thân bằng cách học thêm nhiều kĩ năng mới về lĩnh vực kinh doanh, đọc sách, học đàn/nhảy...

- Duy Ly: Là người thích giao tế, lại đang cần khảo sát tư liệu cho nghiên cứu của mình, tôi có chút thiếu thoải mái trong tuần đầu tiên. Nhưng sau quãng thời gian đó, tôi đã nói chuyện với GS hướng dẫn và lên một kế hoạch làm việc tại nhà phù hợp với bối cảnh và bản thân - giống như câu nói của nhà văn Mỹ Claire Cook trong cuốn Seven Years Switch: "Nếu kế hoạch A của bạn không dùng được, thì bảng chữ cái hãy còn tận 25 chữ cái khác nữa. Và sẽ là 204 chữ cái khác nếu bạn sống ở Nhật Bản".

- Minh Tú: Trước hết, Tú thay đổi cách sống “nhanh” của mình trước đây: suy nghĩ chậm rãi hơn, ít chú tâm về những điều tiêu cực hay những tin tức không tốt. Bên cạnh đó, Tú cũng ưu tiên tìm kiếm những thông tin mang lại tiếng cười, hoặc đọc sách và học tiếng Anh online để giúp mình bận rộn hơn trong quãng thời gian này.

- Võ Hoàng Yến: Với mọi người thì mình không biết chứ Yến không hề bực bội một chút nào tại vì Yến có quá nhiều thứ để bày ra và tự làm mình vui đấy (cười to) nào là quay tiktok, quay Vlog, ngủ… trời ơi ngày qua ngày thật đã, ở nhà vừa vui vừa làm đúng nhiệm vụ của công dân với đất nước,việc gì mà bức bối?

- Minh Tâm: Trước mùa giãn cách mình luôn luôn bận rộn, dành thời gian để lên lớp và đi làm, chưa kể việc di chuyển cũng chiếm khá nhiều quỹ thời gian của mình. Thời gian giãn cách này là dịp để mình tự trau dồi bản thân nhiều hơn nhờ quãng thời gian dư dả. Mình có một sở thích nhỏ là thực hiện những tác phẩm cắt ghép trên Photoshop. Bên cạnh đó mình còn khá nhiều quyển sách hay nhưng chưa đọc xong, hy vọng là có thể hoàn thành nốt trong mùa cách ly này.

Từ những gì đã nói, tôi muốn nhắc tới khái niệm “sống chậm”. Với bạn, điều này nên được định nghĩa thế nào, và những lúc nào thì ta cần tới nó?

- Châu Bùi: Với Châu, đó là lối sống đề cao sự tập trung, dành toàn bộ thời gian để làm một việc gì đó, tận hưởng những giây phút từ công việc đang thực hiện và cảm nhận tình cảm của mình dành nó. Và vì là một lối sống, chúng ta có thể “sống chậm” vào bất kỳ lúc nào và bất kỳ đâu. Đơn giản như khi nghe một bài hát, bạn hãy dành toàn bộ tâm trí để lắng nghe nó và để cảm xúc của bạn hòa cùng giai điệu. Đó chính là cách chúng ta sống chậm lại, nhìn nhận khác đi và yêu thương nhiều hơn.

- Minh Tú: Tùy vào từng trường hợp, từng hoàn cảnh và từng cá thể tiếp nhận mà mỗi người trong chúng ta sẽ chọn định nghĩa về “sống chậm” hợp lý nhất cho mình. Với Tú, sống chậm là những lúc mà bản thân mình cần được nghỉ ngơi, bỏ xuống sự bộn bề của thế giới hối hả, tấp nập ngoài kia để quay về với sự yên bình nơi tâm hồn của mình. Đặc biệt, khi yếu đuối nhất hoặc khi bế tắc trong mọi việc, Tú sẽ cần phải sống chậm lại để suy nghĩ, chiêm nghiệm.

- Võ Hoàng Yến: Không biết mọi người thế nào nhưng với Yến, lúc cần bình yên nhất, Yến sẽ sống chậm lại. “Sống chậm” là khi chúng ta có thể làm mọi thứ một cách thoải mái nhất và trong đầu chúng ta không cần phải suy nghĩ nhiều thứ.

- Duy Ly: Tôi có đọc nhiều định nghĩa về sống chậm. Với mình, tôi có quan niệm riêng về cuộc sống: đó không phải là nhanh hay chậm mà là nhận thức và lựa chọn. Cuộc sống vốn đa dạng và mỗi người có những trải nghiệm riêng. Ở mỗi thời điểm khác nhau, chúng ta sẽ có những nhận thức và quyết định khác nhau. Do đó, lựa chọn sống như thế nào, nhanh hay chậm, phụ thuộc vào mối quan hệ giữa nhận thức của mỗi cá nhân và bối cảnh xã hội quanh họ. Nếu bối cảnh thay đổi, tùy lựa chọn, mỗi cá nhân có thể thay đổi hành vi cho phù hợp, hoặc vẫn giữ cách sống cũ của mình.

- Võ Hoàng Linh: Với tôi khoảng 3 năm trở lại đây thì tôi bắt đầu hướng đến sống chậm. Khái niệm này thực sự đã được biết đến từ rất lâu rồi, từ khi tôi còn học lớp 6 kia, nhưng lúc đó mình lại thấy khái niệm đó dành cho những người có lối sống tu hành hơn là những người bình thường. Và giờ đây, khi bắt đầu áp dụng lối sống này vào cuộc đời của mình, tôi nhận thấy rằng những thứ mà ta trải qua hay nhận được mỗi ngày thực sự rất nhiều giá trị chứ không như góc nhìn của lúc trước. Sống chậm giúp con người cảm nhận được rõ ràng và sâu sắc những thứ đang đi qua cuộc đời của mình và hiểu rõ giá trị của nó. Lâu dần trong lối sống này con người sẽ tự khám phá ra những góc khuất của chính bản thân mình mà ngay cả bản thân mình cũng chưa thể nào hiểu rõ để rồi một ngày họ sẽ nhìn thấu giữa thứ mình “muốn” và cái mình “cần”.

Có ý kiến rằng rằng nhịp sống vội vã lúc bình thường khiến ta đôi lúc tự cho phép mình hời hợt với bản thân, với những mối quan hệ xung quanh, và quãng thời gian sống chậm mùa giãn cách chính là dịp để nhìn lại và biết trân trọng những giá trị ấy. Bạn có những trải nghiệm như vậy không và có thể chia sẻ nó?

- Võ Hoàng Linh: Đó là ăn cơm với gia đình, thực ra việc ăn cơm cùng gia đình đã không còn là thói quen thường xuyên từ khi tôi vào đại học. Cũng gần 10 năm rồi mọi thứ mới thực sự chậm rãi và quan tâm như vậy.

- Châu Bùi: Sự thật thì Châu đã ở xa gia đình từ khi mình Nam tiến vào Sài Gòn phát triển sự nghiệp cũng đã hơn 3 năm. Nhưng Châu hoàn toàn đồng ý với ý kiến quãng thời gian sống chậm mùa giãn cách đã là cơ hội để tất cả chúng ta nhìn nhận lại cuộc sống và biết trân trọng những giá trị, tình thương xung quanh mình. Vì dù không ở cùng bố mẹ nhưng ngày nào cả gia đình cũng video call, nhắn tin với nhau, động viên, bảo ban nhau phải giữ gìn sức khoẻ và tinh thần lạc quan. Với Châu chỉ cần nhìn thấy bố mẹ, người thân dù qua màn ảnh nhỏ vẫn khoẻ mạnh là điều may mắn nhất với bản thân rồi.

- Minh Tâm: Từ khi phải xa nhà và dành nhiều thời gian cho việc học, mình đã ít nhiều xa cách hơn với gia đình, mà cụ thể hơn là xa cách với mẹ. Có khi cả tháng trời trôi qua mà mình chỉ gửi được vài tin nhắn về nhà. Có một hôm mình nằm mơ gặp ác mộng: thấy mẹ mình không còn nữa. Giữa đêm mình bật dậy mà lòng hoảng loạn vô cùng, cũng không dám gọi mẹ vì lúc ấy đã khuya, chỉ vì một giấc mơ mà đánh thức mẹ thì cũng hơi vô lý, nên mình chỉ gửi tin nhắn hỏi thăm mẹ thôi. Bấy giờ, nhìn lại lịch sử trong đoạn hội thoại mình mới thấy giật mình, một dãy những cuộc gọi nhỡ từ mẹ nhưng chẳng có lấy một tin nhắn phản hồi từ mình. Lúc đó là lần đầu mình bật khóc vì nhớ nhà, nhớ mẹ.

Mãi cho đến khi giãn cách xã hội thì mình mới về nhà và dành nhiều thời gian hơn với mẹ. Nhiều đêm mình và mẹ trò chuyện với nhau suốt mấy tiếng đồng hồ đến tận khuya - điều mà trước nay chưa từng xảy ra. Rồi lúc đó mình mới ngộ ra rằng quãng thời gian trước đó mình đã quá vô tâm. Từ đó,hai mẹ con cũng thường tâm sự với nhau hơn, mình cũng hay hỏi ý kiến mẹ về nhiều thứ chứ không còn tự quyết định như trước nữa. Có thể nói thời gian giãn cách hồi tháng 4 đánh một dấu mốc trong mối quan hệ của hai mẹ con.

* Cuối cùng, theo bạn, người trẻ có dễ biết cách sống chậm – dù chỉ là trong vài thời điểm – không, khi dường như lối sống ấy luôn cần một sự điềm đạm, cũng như một định lực đủ mạnh?

- Châu Bùi: Ai cũng biết, bước bắt đầu luôn khó khăn nhất, và điều quan trọng là bạn có sự quyết tâm và niềm tin bản thân sẽ thay đổi không? Nếu có, dù bạn là ai cũng sẽ thực hiện được. Và để cảm nhận mình có sống chậm hay không thì hãy nhìn vào công việc mình đang làm. Dù chỉ là những hành động nhỏ nhất, đơn giản nhất như việc ăn, ngủ,... nhưng bạn đã dành cả tâm trí vào nó, không bị chi phối bởi những suy nghĩ, công việc khác - để rồi cảm nhận được niềm vui, sự bình an từ chính việc mình đang làm và công nhận thành quả của bản thân. Được vậy, bạn đã thực hành đúng ý nghĩa của việc sống chậm rồi đấy.

-Võ Hoàng Yến: Thái niệm trẻ - già chỉ là tương đối. Theo Yến, đến độ tuổi nào đó, khi đã bước qua nhiều giông bão, nhiều thử thách, nhiều chông gai của cuộc sống, bạn sẽ tự khắc hiểu được sống chậm là như thế nào, mình có cần nó và có làm được nó hay không... (cười).

- Minh Tú: Tú nghĩ sự điềm đạm hay định lực đủ mạnh để không “hoắng” lên không chỉ người trẻ mới cần thôi đâu mà ngay cả những người trưởng thành hay các cô chú lớn tuổi hơn vẫn phải luôn tâm niệm, trằn trọc về điều này. Tuy nhiên, vấn đề mà chúng ta đang bàn là vấn đề về cách sống mà mỗi người sẽ có mỗi cách sống khác nhau, không ai giống ai cả. Hơn hết, từ trước đến nay, chúng ta chưa bao giờ có một định nghĩa cụ thể hay một mẫu số chung nào cho việc sống chậm cả. Cho nên, tuỳ vào từng trải nghiệm của từng người, họ sẽ tìm ra cách sống chậm cho bản thân mình khác nhau.

- Duy Ly: Quả thật, rất khó để người trẻ dễ học cách sống chậm – khi họ đang sống trong một xã hội mà nhiều lúc đồng tiền được đặt làm thước đo của thành công. Những người trẻ thường lao vào công việc, vào các mối quan hệ xã hội mà họ cho là chính yếu. Một số người sẽ thành công và tiếp tục cuộc sống như vậy. Tuy nhiên, cũng có những người nhận ra họ không thích hợp với cuộc sống nhanh – cũng như việc mối quan tâm của họ trong cuộc sống không phải là tiền mà là những thứ khác. Từ đó, họ có thể thay đổi hoặc không, tùy theo nhận thức của mình.

Nhìn chung, tôi cho rằng những người trẻ hoàn toàn có thể sống chậm, nếu họ nhận ra đó chính là mong muốn của mình. Nhưng, để sống điềm đạm, nhẹ nhàng hay sống chậm, người ta phải vứt bỏ được sự so đo, không tranh lợi lộc, không so sánh bản thân với người khác và ngược lại- mà thay vào đó là quan tâm đến sức khỏe, gia đình, người thân làm tốt công việc của mình thích. Đó là điều “nói thì dễ, làm mới khó”.

- Minh Tâm: Với mình thì việc sống chậm đối với giới trẻ là hoàn toàn có thể, thậm chí là làm tốt nữa kìa. Sống chậm không khó, quan trọng là bạn có muốn hay không. Để sống chậm thì người trẻ cần phải nhận ra bản thân đang...quá nhanh, mà điều này thì không phải ai cũng tự nhìn nhận được. Nhưng một khi đã nhận ra rồi thì họ sẽ tự động chậm lại, trầm lại, điềm đạm hơn. Một số người bạn của mình cũng từng như thế rồi, nhưng tất nhiên chỉ là số ít. Nói tóm lại thì, theo mình việc sống chậm với người trẻ tùy thuộc vào chuyện họ có nhận ra bản thân đang quá vồn vã với cuộc sống hay không và có chấp nhận thay đổi một chút hay không, một khi đã nhận ra rồi thì họ tự khắc sẽ có những lúc sống chậm mà thôi!

- Võ Hoàng Linh: Tôi không tin vào độ tuổi, tôi tin vào sự trải nghiệm của tâm hồn, con người dù vẻ ngoài có như thế nào nhưng đa phần trong thâm tâm luôn mang những nỗi sợ hãi. Nỗi sợ khó bước qua nhất chính là nỗi sợ bản thân không có giá trị hoặc ko có địa vị trong xã hội. Vì vậy mọi người theo đuổi những giá trị mà cuộc sống đặt ra cho họ. Để rồi họ chỉ cố đạt được những thứ xã hội muốn chứ không phải là thứ bản thân họ thực sự cần. Trong một khoảnh khắc nào đó nếu bản thân chưa đủ trải nghiệm, tôi nghĩ người trẻ sống chậm vì họ lười nhiều hơn là trải nghiệm sống chậm.

* Trân trọng cám ơn các bạn về cuộc trò chuyện

Thiết kế: Hoài My