Gần 20 năm, 63 tỉnh thành và hơn 40 quốc gia, Ngô Trần Hải An hay nickname Quỷ Cốc Tử là travel blogger sở hữu “kho tàng đồ sộ” về kiến thức, kinh nghiệm và những câu chuyện hay. Anh cũng là một nhà báo, phóng viên ảnh từng có cơ hội gặp tổng thống Mỹ, Đức Giáo hoàng và vô số người nổi tiếng đưa đến cho độc giả những thông điệp hay trong cuộc sống.


Nhìn thành tựu hiện tại của Quỷ Cốc Tử, đâu ai ngờ anh từng là một chàng trai thi trượt đại học, bị miệt thị là kẻ lông bông, vô công rồi nghề.
 

* Cơ duyên nào khiến anh đến và gắn bó với travel blogger tới tận bây giờ?

Sau khi trượt đại học, tôi rời quê đến nhà chú để giải tỏa tâm trạng. Lúc này tôi chỉ muốn tiếp xúc với người lạ và nhờ vậy phát hiện bản thân có niềm đam mê khám phá mãnh liệt. Sau này, khi làm công nghệ thông tin được 5 năm tôi chuyển qua marketing để tìm kiếm cơ hội mới. Thời điểm này, tôi vẫn duy trì đi du lịch và viết bài review đăng tải lên mạng xã hội. Lúc đó, các anh chị báo chí thấy bài viết nên đề nghị tôi cộng tác. Một thời gian dài sau khi đi nhiều, nó dần trở thành đam mê không thể thiếu đồng thời mang đến cơ hội hợp tác với nhãn hàng, hãng hàng không, sở du lịch... Thấy du lịch thú vị nên tôi chuyển hướng làm travel blogger luôn.

Sau khi thoát khỏi vùng an toàn, anh đã có những trải nghiệm đáng nhớ nào?

Năm 2010, tôi đặt chân đến hầu hết các tỉnh thành của Việt Nam. Tôi đi dọc biên giới Việt-Trung, Việt-Cam, ra các đảo, chạm vào 4 cực 1 đỉnh đến những cột mốc quan trọng như: Mốc 42 Pu Si Lung, mốc 79 cao nhất Đông Dương, mốc 17 (sông Đà)... Đây cũng là thời điểm tôi bước ra thế giới với các nước đầu tiên ở Đông Nam Á rồi châu Á, châu Âu, châu Phi. Năm 2014, tôi bước vào nghề báo và có cơ hội đi nhiều hơn. Đến nay tôi đã khám phá hơn 40 quốc gia, 63 tỉnh thành, gặp nhiều người nổi tiếng, tác nghiệp tại các sự kiện đặc biệt trong nước cũng như quốc tế.

* Nhiều người nhận định để trở thành travel blogger phải giàu. Theo anh, điều đó có đúng và cách anh cân bằng chi phí trong chuyến đi?

Mọi người nghĩ tôi giàu nhưng thật ra tôi rất nghèo, gia đình ở Bảo Lộc cũng không có điều kiện. Tuy nhiên, tôi đi theo kiểu thứ 6 được nghỉ làm sẽ lên kế hoạch chạy xe lòng vòng tới điểm nào đó. Khi là sinh viên có bạn ở các tỉnh thành, tôi sẽ nhờ mối quan hệ để không phải trả chi phí chỗ ở. Nếu đi máy bay, tôi đặt trước thời gian dài và chọn ở khu vực gần bến xe hay vào chợ ăn với người dân để tiết kiệm chi phí.

Nguồn thu đến từ travel blogger cũng ít lắm, nó chỉ chiếm khoảng 30% trong tổng số thu nhập. Những chuyến đi của tôi chủ yếu thu phí từ việc chụp ảnh quảng bá cho các đơn vị du lịch, hãng hàng không… Chính vì vậy, nếu bạn nào nghĩ travel blogger là một nghề kiếm tiền tốt thì cần suy nghĩ lại. Hiện nay ở Việt Nam có nhiều travel blogger nhưng những người sống tốt với nó thì không có bao nhiêu, chỉ yếu làm vì đam mê nhiều hơn.
 

* Anh làm thế nào để có cơ hội chụp ảnh cho Tổng thống Mỹ, Đức giáo hoàng, tham dự các sự kiện lớn của quốc tế…?

Thời điểm Tổng thống Obama qua Việt Nam, tôi chủ động liên hệ với lãnh sự quán Mỹ đề nghị được chụp 1 ngày của Tổng thống Mỹ tại nhà Trắng. Hay các sự kiện nổi tiếng khác trên thế giới, khi nghe tin Ronaldo đá ở Singapore, tôi chủ động gọi điện cho tổng cục du lịch Singapore nhờ bên đó giới thiệu đồng thời xin hộ giấy phép. Tôi luôn chủ động tìm kiếm mọi cơ hội cho mình.
 

* Dễ dàng nhận ra trong các chuyến đi anh luôn có những lựa chọn nhiều gian nan hơn người khác và còn có chút nguy hiểm ?

Có lần tôi đi cột mốc 42 leo vách đá thẳng đứng, chỉ cần sơ sẩy một chút sẽ dẫn đến cái chết vì phía dưới là suối sâu, bề ngang chỉ tầm một bước chân. Hay lần khác tới Pakistan, tôi bị ngộ độc nhưng đó là vùng biên giới rất hẻo lánh chỉ có trạm xá nhỏ. Sau khi truyền nước biển tưởng bình thường thì hôm sau về lại tái phát rồi phải chuyển xuống bệnh viện khác, đó là chuyến đi rất nguy hiểm. Ngay thời khắc đó, tôi chỉ nghĩ mình cần tập trung cố gắng xử lý tới đâu hay tới đó. Quan điểm của tôi là cuộc sống không bao giờ hoàn hảo, biến cố cũng là cơ hội để mình hoàn thiện bản thân.

* Đi nhiều trải nghiệm nhiều, địa điểm, nơi nào để lại ấn tượng nhất với anh?

Tôi yêu thích những nơi khác biệt so với phần còn lại của thế giới chẳng hạn Pakistan, Bắc triều tiên, Palestine… Bởi chúng đang có sự thay đổi, những biến động, bất ổn về chính trị. Còn châu Âu nó ổn định rồi, bây giờ hay 5 năm nữa mình đi nó cũng vậy. Tuy nhiên nếu bây giờ đi Palestine, nó thay đổi từng ngày. Hơn nữa, tôi cũng có máu làm báo trong người nên rất muốn sống trong thời khắc của lịch sử.

* Thử đến các quốc gia bất ổn về chính trị để chứng kiến thời khắc lịch sử, anh có nghĩ đây là trải nghiệm không an toàn?

Mỗi người sẽ có một giới hạn an toàn khác nhau. Với những người chưa có kinh nghiệm mà đùng cái qua Pakistan, họ sẽ không biết cách xử lý và cho rằng việc này không an toàn. Tuy nhiên tôi có đủ trải nghiệm nên giới hạn lớn hơn, vì vậy qua Pakistan không quá mạo hiểm. Thời điểm tôi đi, bên Pakistan xảy ra biểu tình, quân đội có mặt khắp nơi, mọi người đốt lửa gào thét… có thể người khác sợ nhưng tôi thấy an toàn. Với hiểu biết của tôi, tôi cảm thấy đủ để không quá lo lắng về những điều đó.

* Người ta thường bảo tuổi trẻ không có gì ngoài thời gian vì vậy đừng ngại thử, theo anh liệu có đúng?

Khi còn trẻ chúng ta có rất nhiều cơ hội để sửa sai chính vì vậy mỗi người cần phải thử tất cả những gì mình thích. Dành ra 1 năm, 2 năm hoặc 3 năm thử tất cả mọi thứ để tìm ra bản thân đam mê cái gì, đâu là điểm mạnh và phù hợp. Để sau quãng thời gian sai sót bạn sẽ tìm một con đường đi đúng đắn. Việc bạn chọn 1 năm, 2 năm hay 5-7 năm để thử tùy thuộc vào điều kiện từng người.

Chẳng hạn nhà tôi kinh tế hơi nghèo tôi đặt ra giới hạn 3 năm tuy nhiên người có điều kiện kinh tế tốt hơn họ có thể cho mình 7 năm. Không ngại thử nhưng hãy đúng năng lực. Tôi không bao giờ leo đỉnh Everest hay đi vòng quanh thế giới như Trần Đặng Đăng Khoa bởi tôi không đủ năng lực làm chuyện đó. Nên tuổi trẻ có quyền sai, có quyền thử nghiệm mọi thứ nhưng không được ngoài khả năng, phải biết “liệu cơm gắp mắm”.

* Theo như anh nói “hãy thử đúng năng lực”, liệu điều này có khiến khả năng bản thân bị kìm hãm?

Mình có thể thử những thứ kiếm lại được như tiền bạc nhưng vấn đề liên quan tới tính mạng hay ảnh hưởng người khác tuyệt đối không nên. Thời sinh viên tôi sẵn sàng nhịn ăn để bỏ số tiền lớn thử bữa ăn ở nhà hàng 5 sao. Tôi nghĩ nó đúng vì mình có trải nghiệm. Muốn thử cũng phải có cơ sở, một người đang làm kỹ sư hay kế toán đùng cái không thể nhảy qua làm travel blogger. Đừng nên làm thứ mà bản thân hoàn toàn không biết gì.

* Thành công ở hiện tại chưa chắc thành công ở tương lai. Vậy làm sao để kéo dài sự thành công đó, cố gắng nỗ lực thôi đã đủ?

Đầu tiên bạn phải đáp ứng được nền tảng cơ bản tốt. Thứ 2, bạn phải cập nhật sự thay đổi của xã hội bởi không ai có thể tách rời khỏi bánh xe cuộc sống, nếu mình lọt ra khỏi đó là thua. Xu hướng bây giờ là video khổ đứng lên ngôi, video ngắn, thông tin cần nhanh gọn, súc tích. Mình bắt buộc phải theo những thứ đó, không thể sống mãi trong góc nhìn cũ kỹ, phải luôn cập nhật kiến thức, xu hướng mới, sự thay đổi về truyền thông, mạng xã hội. 

Cảm ơn những chia sẻ của anh Ngô Trần Hải An.