Nhắc đến người mẫu, đa số mọi người thường nghĩ tới hình ảnh của những cô gái cao, chân dài, thân hình gầy gò. Tuy nhiên, người ta lại thấy Ashley Graham - một cô nàng đi ngược lại hoàn toàn với công thức của người mẫu lại được lên trang bìa những tạp chí thời trang hàng đầu như VOGUE US, VOGUE Arabia, ELLE France, Harper's Bazaar UK.


Cùng với sự dịch chuyển của thế giới, chuẩn đẹp của ngành người mẫu có lẽ cũng không còn là “thánh địa” của những cô nàng que củi. Ở thập niên 1990, 2000, New York, London hay Milan là những thành phố giấc mơ của các cô nàng yêu nghề người mẫu, bởi ở đây cũng những agency hàng đầu về lĩnh vực này. Họ sẽ phải đi tới từng công ty quản lý để casting nhằm mong có thể ký được hợp đồng hay đi go sees đến mỏi cả chân nhằm mong có được suất diễn tại các tuần lễ thời trang lớn. Vào thời điểm đó, đây gần như là cách duy nhất mà người mẫu có thể thực hiện để khẳng định khả năng của bản thân.

Chloe Memisevic là một trong những ví dụ về việc áp lực cân nặng trong ngành thời trang. Cô cao 1m82 với số đo ba vòng 78 - 59 - 88 và chỉ số BMI chỉ đạt mức 15 (trong khi đó dưới mức 18 đã bị xem là gầy). Hay Marine Deleeuw khiến mọi người bất ngờ với thân hình như “que củi” khi diễn cho thương hiệu Iceberg. Được biết thời điểm đó cô cao 1m76 nhưng nặng chưa đầy 45 kg.

Sự bảo thủ trong ngành thời trang thể hiện ở việc khắt khe về tiêu chuẩn mà những nhà thiết kế hay thương hiệu áp đặt lên người mẫu. Muốn được sải bước trên sàn diễn hay xuất hiện trong các chiến dịch quảng bá, họ cần phải có chiều cao đủ chuẩn (trên 1m75), số đo cơ thể từ 0 đến 2, các bộ phận ngực, mông hay eo cũng không được quá to để không phá vỡ phom dáng của trang phục.

Thế nhưng những tiêu chuẩn đó đang dần dần được nới lỏng khi các người mẫu ngoại cỡ (số đo cơ thể từ 6 trở lên) xuất hiện ngày càng nhiều và ngày càng trở thành một phần không thể thiếu trong ngành này.

Katie Smith - Giám đốc Phân tích & Bán lẻ của Edited giải thích về vấn đề này như sau: “Chúng ta hiện đang sống trong một nền văn hóa với nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm phù hợp với niềm tin và sở thích của người mặc. Thời trang đang đóng vai trò như một tấm gương phản chiếu tâm trạng xã hội hơn bao giờ hết”. Quần áo không chỉ dành cho người gầy mà phải dành cho tất cả các hình dáng cơ thể khác nhau và đó là lý do chính vì sao mà người mẫu ngoại cỡ được ưa chuộng cũng như có thể khẳng định được vị thế của mình. “Không có thứ gì gọi là sắc đẹp tiêu chuẩn hay là một số đo hoàn hảo cả” - Ashley Graham, người mẫu ngoại cỡ thành công nhất hiện nay chia sẻ. 

Không chỉ là về thân hình mà ngành thời trang còn chào đón sự đa dạng bởi những người mẫu đặc biệt như Ellie Goldstein (bị mắc hội chứng Down), Winnie Harlow (bị bạch biến), Sabina Karlsson (mẫu tàn nhang)... Những xu hướng mới về người mẫu không chỉ giúp mang lại nhiều cơ hội cho những cá nhân có đam mê, mà nó còn thể hiện sự nhạy bén của ngành thời trang với những thay đổi của thời cuộc. Từ đó đem đến sự đa dạng và thú vị hơn cho ngành công nghiệp lúc nào cũng sôi động này.