Hình ảnh phố cổ vắng lặng lạ thường trong những kích cầu du lịch lại khiến người nhầm tưởng về câu chuyện của những người trẻ. Phải chăng đã đến thời điểm người Việt trẻ chẳng còn mặn mà với vài điều xưa cũ?


Giữa ngược xuôi dòng xe, giữa bộn bề thường nhật, giữa những hiện đại tân tiến đương thời, vẫn còn đó những con phố cổ nằm lại đều là những câu chuyện lịch sử, những ký ức thời gian, có mùi hương của một miền đất kỷ niệm.

Các khu phố cổ tại Việt Nam

Trải dài từ Bắc đến Nam chỉ còn riêng một vài nơi tập trung với mật độ dày đặc như Hội An (Quảng Nam), 36 phố phường Hà Nội và Đồng Văn (Hà Giang). Mỗi khu phố cổ này lại là một điểm đến đặc biệt, có cách phát triển riêng để gìn giữ bản sắc và thu hút những người đam mê du lịch.

Phố cổ Đồng Văn nằm trong khu cao nguyên Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Xây dựng được hơn 300 năm, nơi đây có những ngôi nhà lợp ngói đã phủ rêu phong, cột kèo chắc chắn mang vẻ đẹp trầm mặc. Nhằm phát triển du lịch và duy trì bản sắc văn hóa, nơi đây thường tổ chức Đêm Phố Cổ với các hoạt động sinh hoạt quen thuộc của người miền núi phía Bắc. 

Ở Hà Nội, phố cổ lại được biết đến như nơi buôn bán nhộn nhịp ban sáng và một chốn vui chơi nhộn nhịp của giới trẻ Thủ đô về tối. Dẫu vậy, bất kể thời điểm nào trong ngày thì nơi đây vẫn giữ được vẻ đẹp cổ kính cùng sự đặc biệt từ những tên đường "cũ kỹ" như Hàng Mắm, Hàng Muối, Hàng Bạc,...

Hội An là điểm đến du lịch đã quá nổi tiếng với bạn bè quốc tế bởi những bức tường vàng, đèn lồng đa sắc màu và hình ảnh bình yên trong đời sống sinh hoạt. Ở Hội An ở thời điểm này vẫn có những khu vui chơi mang đậm nét truyền thống như bài chòi, đêm diễn ký ức,... hay các món ăn ngon quen thuộc của người xứ Quảng. Từng điểm đến như 36 phố phường Hà Nội, phố cổ Đồng Văn hay Hội An thì đều ẩn chứa những câu chuyện về lịch sử, văn hóa đời sống của con người đất Việt.

Phố cổ bình lặng trong những ngày "bão"

Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế và tác động vô cùng mạnh tới nền du lịch. Các cơ quan ban ngành đang thực hiện gói kích cầu nhằm thúc đẩy người Việt du lịch nội địa, tuy nhiên lại gặp phải tình trạng chỗ thì đông cứng người, nơi lại vắng khách tham quan.

Không nói đâu xa, ngay cụm du lịch Hội An - Đà Nẵng đã có thể thấy sự khác biệt của việc thiếu vắng khách quốc tế. Hội An vắng lặng lạ thường, ngay cả những quán ăn hay cà phê nổi tiếng một thời cũng phải buộc lòng đóng cửa hoặc cho nhượng lại cửa hàng vì không đủ kinh tế để duy trì "tiệm rỗng". Theo chia sẻ từ một người kinh doanh ở phố Hội cho biết nếu trước đây mỗi ngày có thể thu nhập từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng thì tại ở điểm này chỉ khoảng 50 nghìn đồng đến 100 nghìn đồng. Ở phố cổ Hà Nội thì vắng khách hơn so với trước bởi phần lớn vẫn còn các du khách nội địa nhưng riêng Đồng Văn cũng không tránh khỏi tình trạng tương tự như Hội An, kích cầu mãi vẫn khó có thể thay đổi.
 

Cảnh sắc yên bình nơi phố cổ

Không thể phủ nhận rằng khách quốc tế chiếm lượng lớn tổng du khách tại nhiều điểm đến du lịch nổi tiếng cả nước bao gồm cả Quảng Ninh, Đà Nẵng, Hội An hay Nha Trang... Tuy nhiên, một câu hỏi quan trọng đặt ra rằng tại sao một số điểm đến sôi động như Đà Nẵng, Đà Lạt, Nha Trang, Mũi Né thì vẫn nườm nượp khách ngay cả khi đường hàng không quốc tế chưa mở cửa nhưng ở các khu du lịch thiên về lịch sử, văn hóa như Huế, phố cổ Đồng Văn hay Hội An lại thiếu vắng người qua lại.

Phố cổ chính là sợi dây nối giữa quá khứ và hiện đại. Đặc trưng của các điểm du lịch như vậy là những ngôi nhà cũ kỹ, nếp sống sinh hoạt bình dị chưa bị đô thị hóa và ẩn chứa thật nhiều câu chuyện văn hóa từ người địa phương. Tuy nhiên, hạn chế chính là thiếu đi tính đa dạng về hình thức vui chơi du lịch, không tạo nên sự mới mẻ. 

Đình Linh (Sinh viên Học viện Báo Chí và Tuyên Truyền) chia sẻ: "Ở Hà Nội, mình có thể lên phố cổ lê la trà chanh ở Hồ Gươm cùng bạn bè, thi thoảng len vào mấy quán cà phê cũ để sống ảo nhưng nếu bảo bỏ tiền đi du lịch ở phố cổ khác như Huế hay Hội An thì thấy phí quá. Căn bản là sinh viên nên việc chọn lựa du lịch cũng nên tìm đến nơi nào có đa dạng hình thức vui chơi, trải nghiệm thay vì chỉ có mỗi việc đi ngắm nhà cổ". 

Các khu phố cổ còn gặp nhiều vấn đề về môi trường hoặc sinh thái, nó liên tục gắn liền với những thứ xưa cũ và đôi khi là lạc hậu. Vì vậy, dù đẹp và đặc biệt đến đâu thì phố cổ cũng vướng phải một vài khó khăn, xuất phát từ việc phát triển du lịch sai cách khiến giới trẻ ít mặn mà hơn. 

Trương Quý (Sinh viên ngành Nhân học - ĐH KHXH&NV - Đại học Quốc gia TPHCM) chia sẻ: "Mô hình phố cổ đang dần phổ biến trong thị trường du lịch mang đến lợi ích kinh tế cho người địa phương. Nó giống như làng cổ Thập Phần (Đài Loan) hay Penang của Malaysia vậy. Thật tốt nếu giới trẻ Việt Nam tìm hiểu sâu hơn về phố cổ trong nước thay vì chỉ tôn vinh các điểm đến quốc tế. Nhưng phố cổ tại Việt Nam đang chịu nhiều áp lực, nhất là môi trường khi mà khách du lịch kéo theo vô vàn những túi nilon, giấy từ đèn hoa đăng, rồi rác thải từ những cuộc chụp ảnh. Từ từ sẽ tạo nên một đô thị cổ ô nhiễm bởi tính cẩu thả và xả rác vô tội vạ của những người vô ý thức. Ngoài ra, mỗi ban quản lý của phố cổ cũng cần phát triển du lịch phù hợp với người trong nước, thay vì chỉ tập trung vào khách quốc tế".

Đăng Quang (Cựu sinh viên chuyên ngành Tôn giáo học, ĐH KHXH&NV - Đại học Quốc gia TPHCM) chia sẻ:

"Đại đa số nhà cổ ở Việt Nam lại mang tính rải rác, hiếm ít các khu tập trung nhà cổ thành một dãy hoặc một làng. Chỉ có Hội An, Đồng Văn, phố cổ tại Hà Nội, Bao Vinh là hiếm hoi tập trung với mật độ dày đặc. Mình từng đi Hội An, nơi đây vẫn giữ được nét đẹp sơ khai vốn có, tái hiện lại không gian sầm uất của thương cảng hơn 400 năm.

Hội An không chỉ là khu phố cổ giao thương, mà nó còn có nhiều công trình cổ khác như các Hội quán người Hoa, đình cổ, Văn thánh Miếu, một Lai Viễn Kiều (Chùa Cầu) độc đáo. Điều này nói sự đa dạng từ không gian kiến trúc cho đến đa dạng về văn hoá, tín ngưỡng, bạn sẽ được thấy sự giao thoa văn hoá của người Việt với người Hoa, người Nhật, người Chàm. Hội An hay bất kỳ phố cổ nào của Việt Nam đều xứng đáng là điểm đến thú vị cho những bạn trẻ mê du lịch trong thời điểm chưa thể đi Âu đi Á".

Mọi thứ thuộc về phố cổ sẽ không chỉ còn đơn điệu, gói gọn trong những điều cũ hay lạc hậu mà là mở cho ta thấy không ít điều mới mẻ và thú vị hơn. Bởi vậy, phố cổ tại Việt Nam xứng đáng trở thành một trong những điểm đến cho bạn trẻ mê du lịch muốn tìm về nét cổ xưa của dân tộc, nơi lưu giữ những dòng chảy văn hóa lịch sử.

Ảnh: Bùi Ngọc Công, Bùi Huy Khang.

Thiết kế: Hoài My.

Cùng đón đọc những câu chuyện hấp dẫn và thú vị khác trên chuyên trang Emagazine của YAN nhé.