Cởi bỏ khuôn mẫu chỉ hướng tới đối tượng ở độ tuổi thiếu nhi, phim hoạt hình đang ngày càng trở nên đa dạng hơn, thậm chí còn phá kỷ lục người xem với hàng loạt tiếng vang chẳng thua kém bất cứ bộ phim điện ảnh thông thường nào.


Thực tế đó cũng chứng minh một điều, phim hoạt hình giờ đây không chỉ là "đặc quyền" dành riêng cho trẻ nhỏ.

Với sự phát triển của xã hội hiện đại, phim hoạt hình - thể loại tưởng chừng chỉ dành riêng cho trẻ em thì nay lại được cả người lớn săn đón. Không ít các "bom tấn" hoạt hình như Shrek (2001), Up (2009), Frozen (2013), Inside Out (2015), Zootopia (2016),... đã thu hút khán giả ở nhiều độ tuổi khi ra rạp. Theo các nhà sản xuất, đối tượng người lớn trên 20 tuổi chiếm tỷ lệ không nhỏ.

Chỉ xét riêng về mảng doanh thu đã đủ thấy sức hút của phim hoạt hình đối với bộ phận người xem đa dạng và lớn tới mức nào. Cụ thể như siêu phẩm Frozen đã thu về hơn 1,2 tỷ USD doanh thu phòng vé toàn cầu, trở thành phim hoạt hình có doanh thu cao nhất mọi thời đại, đồng thời được vinh danh ở các hạng mục như phim có doanh thu cao thứ năm mọi thời đại, phim có doanh thu cao nhất năm 2013.

Một ví dụ khác là loạt phim Toy Story cũng gây nhiều tiếng vang lớn, theo chân khán giả từ khi còn nhỏ tuổi tới lúc trưởng thành. Tờ Entertainment Weekly nhận định: "Một thế giới tưởng tượng hoàn toàn tự do. Đây là phim dành cho trẻ em tuyệt nhất nhưng nó đặc biệt thu hút với những người trưởng thành. Vé bán ra cho họ thậm chí nhiều hơn cho các em nhỏ".

Ở tác phẩm mới nhất, Toy Story 4 đã phá kỷ lục phòng vé năm 2019, doanh thu "nhảy rào" qua 1 tỷ USD. Được biết, đây là phim hoạt hình thứ 4 của hãng Pixar vượt qua được cột mốc doanh thu này, trước đó có Toy Story 3 ( 2010, đạt 1,06 tỷ USD), Finding Dory (2016, thu 1,02 tỷ USD), và Incredibles 2 (2018, hơn 1,24 tỷ USD).

Chính nhờ những thành công vang dội này mà phim hoạt hình sau khi mở rộng quy mô, hướng tới nhiều đối tượng khán giả ở mọi lứa tuổi lại trở thành "mảnh đất màu mỡ" được nhiều nhà sản xuất đặt tham vọng lớn đầu tư.

Theo Giám đốc điều hành DreamWorks Animation - ông Jeffrey Katzenberg - người có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phim hoạt hình cho hay: "Cách đây 20 năm, phần lớn phim hoạt hình chỉ hướng đến trẻ em, nhưng nay nó trở thành mảng kinh doanh giải trí tuyệt vời, buộc chúng ta phải nâng cấp nhiều thứ để hướng đến đối tượng khán giả rộng hơn". Và thực tế là, bản thân những bộ phim hoạt hình cũng đang dần lột xác, thoát ra khỏi cái mác "chỉ dành cho trẻ em".

Từ thập niên 30 của thế kỷ XX, hãng Walt Disney vốn được mệnh danh là thế giới giải trí đối với thiếu nhi. Những nội dung sản xuất thường đơn giản, câu chuyện mang tính hài hước đi kèm hình ảnh bắt mắt là đã đủ sức thu hút đối tượng khán giả nhí này. Thế nhưng, với việc mở rộng thị trường người xem, quan điểm về phần nghe và phần nhìn cũng dần thay đổi. Các bộ phim càng về sau lại càng được đầu tư hơn, trau chuốt và chỉn chu.

Trong khi chú trọng vào tới cốt truyện hấp dẫn, các hãng phim cũng không quên xây dựng hình ảnh nhân vật dễ thương, nội dung mang tính chiều sâu và nhiều tầng lớp thông điệp ý nghĩa, nhân văn. Điển hình có thể kể tới tiếng vang của loạt "bom tấn" như Finding Nemo (2003), Wall-E (2008), Despicable Me (2010), Minions,...

Và, điểm khác biệt dễ nhận thấy nhất chính là những tiến bộ về mặt công nghệ, kỹ xảo trong phim hoạt hình xưa - nay. Nhiều hãng sản xuất đã lựa chọn sử dụng công nghệ 3D cho "đứa con cưng" của mình, tạo nên sự sống động, sắc nét trong từng thước phim. Trước đó, Toy Story (1995) được vinh danh phim hoạt hình đầu tiên sản xuất trên máy tính.

Tác giả Roger Ebert của tờ Chicago Sun Times đánh giá: "Toy Story đã mở ra sự thay đổi về công nghệ, nó cho chúng ta thấy con đường mới của phim hoạt hình".

Tất nhiên, muốn nâng cấp cần phải có sự đầu tư tuyệt đối. "Cuộc chơi" phim hoạt hình 3D đòi hỏi các hãng phải "chịu chi" để chạm tay tới những công nghệ tiên tiến bậc nhất. Xét về kinh phí đầu tư, hãng Disney/ Pixar từng "vét túi" 200 triệu USD để sản xuất Toy Story 4 (2019), thậm chí từng bỏ ra 260 triệu USD cho Tangled (2010). Hay như trường hợp của DreamWorks Animation, với phần phim How to Train Your Dragon (2010), hãng này cũng chi khoảng 165 triệu USD.

Bỏ qua số tiền lớn nhưng giá trị mà các hãng phim thu lại cũng không nhỏ, thậm chí vượt xa con số ban đầu. Điều này càng thúc đẩy sự sáng tạo và bước tiến tới một kỷ nguyên phim hoạt hình hiện đại, sống động hơn nữa. Điều đáng nói, dù thị trường có mở rộng, nội dung đa dạng hơn thì trẻ em vẫn luôn là đối tượng được phim hoạt hình ưu tiên hàng đầu.

Thiết kế: Hoài My