Chẳng ngoa khi nói rằng đến với Huế, con người ta bỗng nhiên trở nên mộng mơ đến lạ kỳ. Có lẽ là bởi con người nơi đây quá đỗi mến khách, cũng có thể do những bài ca Huế trên sông Hương da diết đến ngọt ngào, nhưng một điều chắc chắn không thể bỏ qua chính là nhờ hương vị của các món ăn nơi đây khiến người ta ăn một lần là nhớ mãi.


Người Huế nhẹ nhàng ra sao thì đồ ăn Huế cũng thanh thanh, vừa miệng như vậy. Ấy chính là điểm lôi cuốn khiến du khách dù đi đâu cũng mãi hồi tưởng về một mảnh đất cố đô có thức ăn ngon, khung cảnh đẹp. Người ta vẫn cứ đi tìm đồ ăn đặc sản cao lương mỹ vị để gói ghém làm quà mang về mà quên mất rằng, đặc sản ngon nhất ở xứ Huế chỉ có thể xuất hiện vào bữa xế, bữa trưa, chẳng cần quá cầu kỳ, cũng chẳng đắt đỏ, cao sang.

Liệt kê ra đây chỉ có vài món với đôi ba gạch đầu dòng, thế nhưng dù ai đi ngược về xuôi cũng chẳng thể nào quên được hương vị cố đô đã ăn sâu vào trong tâm trí của người dân xứ Huế.

Bánh lọc chuẩn Huế được gói trong một lớp lá chuối xanh ngát, kèm thêm nhân tôm thịt vừa miệng. Đem lên hấp trong xửng vừa đủ độ chín, ăn đến đâu là dai dai, sật sật đến đấy. Bánh lọc không quá to, nhưng cũng chẳng quá nhỏ, đủ để một lần “nhón đũa” là ăn trọn chiếc bánh lọc ngon.

Bột bánh lọc không được để quá lỏng, cũng không quá đặc dễ bể bánh, khiến bánh trở nên “dai nhách”. Hương vị của bánh lọc đạt chuẩn Huế nhất là khi không quá mặn, không quá nhạt, đủ để thưởng thức cùng nước chấm riêng vẫn giữ được mùi thơm lá chuối thoang thoảng đâu đây.

Bánh nậm mềm mướt và đầy dư vị

Bánh lọc dai bao nhiêu thì bánh nậm lại mềm, mướt bấy nhiêu. Bánh nậm có vỏ sánh đặc hơn, nhân tôm thịt được băm nhuyễn rồi nêm nếm gia vị vừa đủ, lượng nhân và vỏ đồng đều, hòa quyện lấy nhau trở thành một món bánh mỏng tang mà lại ẩn chứa một bầu trời hương vị xứ Huế.

Người Huế vẫn thường nói, bánh nậm phù hợp cho cả trẻ con lẫn người lớn vì sau khi hấp xong, bánh vừa mềm lại vừa dễ ăn, đến nỗi nhà ai cũng có mấy chục bánh trong tủ đông, khi nào muốn ăn là đưa lên xửng hấp đôi ba phút, thế là xong!

Bánh ít giòn thơm, ăn lai rai bao nhiêu cũng hết

Cho những ai chưa biết thì bánh ít là sự kết hợp hoàn hảo của bánh lọc và bánh nậm, từ hình dáng, hương vị cho đến cách chế biến, khâu chuẩn bị nguyên liệu. Nhân bánh ít bao gồm tôm rim với thịt ba rọi, gói trong một lớp bột cán mỏng và được hấp trên xửng với lớp lá chuối bao quanh. Sở dĩ gọi bánh ít là sự kết hợp của bánh lọc và bánh nậm bởi vỏ bánh sau khi hấp xong có màu trắng đục của bánh nậm nhưng nhân tôm thịt lại đầy đặn như bánh lọc. 

Bánh nậm cũng được chia thành hai kiểu, một là mang đi, hai là ăn tại chỗ. Nếu mua mang đi sẽ chỉ có vỏn vẹn những chiếc bánh gói trong lá chuối, ăn bao nhiêu hấp bấy nhiêu. Còn nếu ăn tại chỗ, bạn sẽ được thưởng thức bánh ram giòn rụm ăn kèm, kết hợp dùng với dầu hành lá và rắc thêm tôm cháy hấp dẫn đến miếng cuối cùng.

Người dân bản địa vẫn thường mách du khách rằng nếu muốn vừa ăn vừa gói mang về đúng chuẩn vị xứ Huế thì tìm đến các con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Huân, Kim Long, Tô Hiến Thành và Phan Đình Phùng. Nghe cũng được, không nghe cũng chẳng sao vì mỗi một hàng quán đều có nét đặc trưng riêng, ngon khó cưỡng của nó nên dù có vào nhầm quán, đến nhầm địa điểm thì cũng cứ tự mình trải nghiệm và thưởng thức món ăn tinh thần của người dân cố đô Huế.

Nước chấm của bánh Huế khác xa so với cách nêm nếm của người miền Bắc, miền Nam. Hương vị của món ăn chiếm 50% độ ngon thì nước chấm cũng quan trọng không kém với 50% còn lại, quyết định loại bánh ấy có đạt chuẩn đặc sản xứ Huế hay không. 

Một người con xa xứ, cô Chế Thị Ngọc Hương đã chia sẻ rằng: “Người Huế làm nước chấm bằng mắm ruốc thêm vài lát ớt cao sản mang một dư vị đặc trưng không đâu sánh được.” Thế nhưng khi món bánh này được mang đi quảng bá khắp ba miền thì hương vị nước chấm cũng từ đó mà đổi thay. Ngoại trừ Huế ra thì các vùng miền còn lại đều dùng nước mắm ngọt, hơi lạt và pha chế theo khẩu vị của người ăn. Chỉ riêng điểm khác nhau này thôi cũng đã đủ để thấy thưởng thức bánh Huế chuẩn vị thì nhất định phải đến Huế, ăn đồ ăn do chính người Huế làm ra.

Với mỗi một món bánh, người Huế lại pha chế cầu kỳ ra một loại nước chấm riêng có vị ngọt dịu, thanh thanh, không quá cay nhưng cũng chẳng đến mỗi mặn chát. Kỳ lạ thay cái hương vị nước chấm ấy lại làm xao xuyến không biết bao nhiêu du khách, để rồi một khi đã phải lòng với bánh Huế là nhất định khó có thể thử lại ở bất cứ một miền đất nào.

Những chiều mưa bay lất phất trên xứ Huế hay khi nắng rợp bóng kinh thành, ngồi lai rai một đĩa bánh Huế dẻo dai, thơm lừng hương vị nước mắm ngọt cay hòa quyện thì chẳng đâu sánh bằng. Thiên thời, địa lợi, ấy mới chính là Huế thương.