Nền ẩm thực Việt đa dạng và mỗi vùng miền đều được biết đến với những món ăn nổi bật, tuy vậy, có vẻ như Quảng Trị chưa bao giờ nằm trong top những tỉnh thành nổi tiếng với nhiều món ngon, vật lạ như những nơi khác. Bởi thế, chàng thanh niên sinh năm 1991 Nguyễn Đức Nhật Thuận đã bỏ lại công việc ổn định với mức lương gần 1000 USD của mình để thực hiện giấc mơ đưa đặc sản quê hương ra thế giới của mình.

Năm 2009, Nguyễn Đức Nhật Thuận vào TP.HCM học đại học. Đặt chân tới Sài Gòn sau 18 năm ăn cơm nhà, anh nhớ da diết những hương vị, món ăn ở quê mà không thể tìm được nơi bán. Hơn nữa, mỗi lần về thăm quê, bà con trong xóm luôn động viên anh Thuận tìm cách giới thiệu được sản phẩm quê hương một cách rộng rãi. Đó là lý do để Thuận nảy ra ý tưởng mở một quán ăn bán đặc sản Quảng Trị tại TP.HCM.

Tốt nghiệp, trải qua một năm làm việc tại một công ty xuất nhập khẩu, Thuận đã tích lũy được một khoản tiền nhỏ và kinh nghiệm để biến giấc mơ thành hiện thực. Vào năm 2015, anh từ bỏ công việc với mức lương khá cao (gần 1000 USD) và sáng lập ra thương hiệu “Cà Mèn”. Như lời kể, chiếc cà mèn chính là người bạn tuổi thơ của Thuận trong những buổi trưa mang cơm ra đồng cho bố mẹ.

Số vốn không nhiểu chỉ cho phép Thuận chọn một con hẻm nhỏ để tiết kiệm chi phí. Quán ăn nhỏ đầu tiên của chàng trai trẻ với chất giọng Quảng Trị đặc sệt chỉ vỏn vẹn chỉ một vài chiếc bàn nhựa, ghế nhựa nhỏ đặt tại sân trước căn nhà đang thuê lúc ở con hẻm cụt đường Gò Dầu, quận Tân Phú (TP.HCM).

Mỗi ngày, bố mẹ Thuận ở quê đều tự tay chuẩn bị 30- 40kg thực phẩm để gửi lên TP.HCM, phục vụ cho hoạt động kinh doanh của Cà Mèn. Vốn nhỏ, ông chủ Thuận kiêm cả shipper, một phần cũng để tạo uy tín với khách hàng. “Bạn bè cũng biến thành shipper hết, cứ có điện thoại là chạy. Ba bốn đứa chạy suốt ngày, tối về nằm bệt ra vì mệt nhưng mà vui” - Thuận kể.

Những người hàng xóm của “hẻm cà mèn” lúc đầu sợ quán có ăn nhậu sẽ gây ồn ào. Dù vậy họ vẫn rất nhiệt tình ủng hộ anh Thuận trong những ngày đầu khởi nghiệp. Phần lớn nước mắm của người trong xóm đều do Cà Mèn cung cấp, chưa kể nhiều hàng xóm trở thành khách ‘ruột’ của quán bằng việc thường xuyên đặt gà, vịt sống về ăn nguyên tuần.

Rồi, những người đồng hương của Thuận cũng ghé quán. Ban đầu chỉ là ủng hộ, dần dần họ thành khách quen vì “thèm đồ quê thì ăn cho đỡ nhớ”. Cà Mèn dần chạm đích trở thành chốn quen cho những người con đất Quảng Trị khi xa quê.

Nguyễn Đức Nhật Thuận mất gần 6 năm để có thể tìm ra hướng phát triển đúng đắn cho thương hiệu. Món ăn đầu tiên trong thực đơn đặc sản quê hương mà Cà Mèn mang vào phía Nam chính là món bánh ướt. Bạn bè bảo anh khùng, bởi TP.HCM cứ đi 2 mét là có 1 xe bánh ướt, lại thêm việc vận chuyển từ Quảng Trị xa xôi. Thế nhưng, nhờ tốt nghiệp ngành xuất nhập khẩu và từng có kinh nghiệm làm nghề, Thuận gây dựng được những đầu mối vận chuyển ở các bến xe và sân bay Phú Bài (Huế) để vận chuyển các đặc sản Quảng Trị một cách nhanh chóng và thuận lợi. Để rồi, sau tháng đầu khai trương, Thuận mở rộng mặt hàng kinh doanh của mình sang gồm gà, vịt và cả những gia vị đậm chất miền Trung như củ nén, nước mắm…

Vào năm 2017, bước ngoặt đến với Cà Mèn qua việc chuyển “trụ sở” sang quận Phú Nhuận. Lượng khách ghé quán đã tăng lên, Cà Mèn tiếp tục khai trương thêm một chi nhánh ở quận Thủ Đức. Có 3 chi nhánh sau 3 năm khởi nghiệp, đó cũng là lúc Thuận phát hiện ra nhiều lỗ hổng trong cách quản lý của mình. Anh kể, có lúc hai vợ chồng từng ôm nhau khóc vì làm quần quật cả tháng mà chỉ thu về 500 ngàn đồng sau khi trả lương cho nhân viên và trả tiền mặt bằng.

Thậm chí, cuối năm 2018, ông chủ Cà Mèn còn rơi vào hoàn cảnh khó khăn tới mức phải đem chiếc laptop của vợ ra tiệm cầm đồ, năn nỉ mức nhận về 5 triệu đồng để đủ tiền trả nợ. “Lúc đó, mình thấy đau kinh khủng. Với người ta, chồng là chỗ dựa tinh thần, còn mình thì...” - Thuận kể lại.

Khó khăn chồng chất khó khăn, những suy nghĩ quẩn cũng đã xuất hiện thoáng qua trong đầu ông chủ trẻ tuổi. Thế nhưng, hình ảnh bố mẹ ở quê ngày ngày chuẩn bị hàng chục cân nguyên liệu chính gốc Quảng Trị cho Cà Mèn, cũng như người vợ tần tảo luôn hết lòng ủng hộ, đã giúp Thuận không từ bỏ giấc mơ.

Rút kinh nghiệm từ thất bại trước, Thuận giảm số lượng chi nhánh về còn 1 địa chỉ duy nhất. Năm vừa qua, đại dịch Covid-19 khiến tình hình kinh doanh của Cà Mèn bị ảnh hưởng, nhưng anh khẳng định rằng mình đang ngày một đi đúng hướng và đem lại được hiệu quả.

Đại dịch Covid-19 bùng nổ và ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành ẩm thực, đặc biệt là những mô hình khởi nghiệp như Cà Mèn. Nhưng, Thuận cũng đã có sự chuẩn bị để thích nghi với những mô hình mới. Anh nhận ra xu hướng kinh doanh theo mô hình bán thành phẩm sẽ sớm có chỗ đứng, khi doanh nghiệp bán những nguyên liệu đã được sơ chế và chuẩn bị trước, còn khách hàng có thể tự hoàn thiện món ăn của mình tại gia một cách đơn giản và nhanh chóng.

Cà Mèn cho ra đời sản phẩm cháo bột cá lóc Cà Mèn dưới dạng đóng gói, hút chân không, những nguyên liệu để hoàn thiện món ăn đều đã được sơ chế, thuận tiện cho việc vận chuyển đường xa và cho người tiêu dùng. Chỉ sau một vài tháng khởi bán, Thuận thành công bước đầu khi đưa đặc sản Quảng Trị đến nhiều tỉnh thành phố lớn.

Để cháo bột cá lóc của mình được lan tỏa rộng rãi, Cà Mèn còn tổ chức cả cuộc thi trải nghiệm sản phẩm này trên mạng xã hội Chưa hết, khi xu hướng tiêu dùng online phát triển mạnh mẽ, Cà Mèn của Thuận cũng đã lựa chọn phân phối trên nhiều nền tảng khác nhau như Grab, ShopeeFood, Baemin… để khách hàng có thể thuận tiện mua sắm, đồng thời gia tăng đơn hàng cho doanh nghiệp. Mỗi ngày, cửa hàng duy nhất của Cà Mèn luôn tấp nập những shipper công nghệ xếp hàng lấy đồ. Như lời kể, khi TP.HCM chính thức nới lỏng giãn cách để các hàng quán bán mang đi, Thuận chỉ trong một đêm đã nhận được hơn 200 tin nhắn của khách hàng hỏi về kế hoạch mở cửa trở lại của quán.

Có thể nói, chặng đường khởi nghiệp của thương hiệu Cà Mèn mang tinh thần lạc quan và kiên trì để đưa đặc sản quê hương đi thật xa, nhưng cũng đồng thời thể hiện sự ứng phó nhạy bén trước những diễn biến khó lường của đại dịch. Đường còn dài, nhưng sự khéo léo và quyết tâm của Thuận đủ để người ta tin rằng Cà Mèn sẽ giữ được tinh thần “mang Quảng Trị vào phố” như anh từng nói...