Theo Volta Magazine, Nepotism Model là cụm từ dùng để chỉ những người mẫu có được công việc và sự nổi tiếng nhờ vào thanh danh cũng như là quan hệ từ người thân của họ với những nhân vật trong giới thời trang. Hay nói một cách ngắn gọn và dễ hiểu hơn, Nepotism Model chính là dạng người mẫu “con ông cháu cha”.


Volta Magazine còn mỉa mai giới Nepotism Model bằng câu nói cực sốc: “Không phải tài năng hay chuyên môn, người mẫu ngày nay dễ dàng tiến xa chính là phải dựa vào phần họ trong tên khai sinh”. Đó cũng chính là định kiến mà Nepotism Model phải nhận lấy khi ngày càng có nhiều trường hợp thuộc nhóm này xuất hiện trong ngành công nghiệp thời trang.

Ánh đèn sân khấu, những bộ thiết kế triệu đô, những trang bìa hàng đầu ngành thời trang, hàng trăm máy ảnh chĩa vào bạn cùng biết bao con mắt dõi theo bước chân - đó là những gì mê hoặc các cô gái dấn thân vào nghề người mẫu. Tất nhiên, đây cũng là ngành có sự đào thải và cạnh tranh khốc liệt. Trang Best Agencies cho biết, tuổi nghề lý tưởng của người mẫu là từ 16 đến 21. Tức là sau ngưỡng 21, trừ khi bạn thực sự nổi bật, hoặc có vẻ ngoài thu hút, hoặc có danh tiếng, nếu không bạn sẽ rất khó để sinh tồn trong ngành này.

Riêng với Nepotism Model, khái niệm này đã có mặt từ lâu khi siêu mẫu Nhật Bản - Devon Aoki xuất hiện trong làng thời trang. Devon Aoki có bố là Hiroaki Aoki - cựu đô vật từng tham gia Olympic và chủ nhà hàng Benihana trứ danh còn mẹ là Pamela Hilburger - một nhà thiết kế trang sức có tiếng. Nhờ những mối quan hệ của gia đình mà vào năm 1995 khi mới 13 tuổi, cô được giới thiệu với siêu mẫu lừng danh lúc đó Kate Moss bởi mẹ đỡ đầu và bắt đầu hành trình trong ngành thời trang. Dù có gương mặt lạ nhưng với chiều cao khiêm tốn 1m65, Devon Aoki có lẽ sẽ khó mà làm nên chuyện nếu như không nhờ vào quan hệ gia đình.

Tuy nhiên, phải đến thời của Kendall Jenner cùng Gigi và Bella Hadid, Nepotism Model mới thực sự phổ biến. Điểm chung của ba cô nàng là đều bị gắn mác “có đỏ mà không có thơm”, ám chỉ kỹ năng người mẫu tỷ lệ nghịch với ngoại hình và độ nổi tiếng của họ.

Kendall Jenner - người con thứ 5 trong gia tộc thị phi nhất nhì Hollywood - Kardashians Jenners. Chỉ trong 3 năm từ 2014 tới 2016, Kendall được lên trang bìa 11 số của VOGUE. Trong khi đó, Karlie Kloss - người từng là thiên thần của Victoria Secret, từng lọt top 30 Người mẫu của thập niên 2000, bỏ túi vỏn vẹn 3 trang bìa cho các phiên bản của tạp chí thời trang hàng đầu thế giới này. Đặt lên bàn cân so sánh, Karlie bỏ xa Kendall về kỹ năng, chuyên môn, thần thái nhưng lại thua ở “hạng mục” quan hệ.

Hay như Gigi Hadid, màn trình diễn của nàng tại New York Fashion Week Spring/Summer 2016 cho Tommy Hilfiger. Chính đại diện của BST đã nhận xét thẳng thừng rằng: “Cô ấy không có cái mà chúng tôi tìm kiếm ở một người mẫu, cô ấy không săn chắc, cô ấy cũng không cao”. Thế nhưng, Gigi vẫn được sải bước trên sàn diễn bên cạnh những người đẹp chân dài khác. Tất nhiên rồi, làm sao người ta dám từ chối con gái của đại gia bất động sản Mohamed Hadid và cựu ngôi sao truyền hình Yolanda?

Sự xuất hiện của Nepotism Model đã tạo nên bất công trong ngành thời trang khi nhiều người mẫu khác dù có cố gắng cả đời cũng không có cơ hội làm việc cho các thương hiệu lớn hay xuất hiện trên trang bìa của VOGUE. Chỉ đơn giản vì họ không có đủ các mối quan hệ cá nhân hay có người thân là người nổi tiếng.

Định kiến một khi đã xuất hiện thì rất khó để xóa nhòa dù có cố gắng tới đâu đi chăng nữa. Vẫn còn nhiều Nepotism Model có tài năng và kỹ năng thật sự nhưng vì định kiến mà họ vẫn chưa có được cái nhìn công bằng từ giới mộ điệu. Kaia Gerber - con gái của siêu mẫu lừng danh Cindy Crawford tuy ít bị chê trách như Kendall Jenner hay Gigi Hadid nhưng những thành tựu mà cô có được ở tuổi 19 vẫn bị mỉa mai là “nhờ ơn của mẹ”. Từ việc thắng giải “Model of the Year” tại British Fashion Awards 2018 tới việc trở thành người mẫu trẻ thứ nhì trong lịch sử hoàn thành lên bìa của Big 4 VOGUE (VOGUE US, British VOGUE, VOGUE Paris, VOGUE Italia), bên cạnh sự tán dương vẫn là những bình luận xem thường như “Cô ấy có được như vậy là nhờ vào Cindy Crawford thôi”, “Tôi không ghét Kaia Gerber nhưng cô ấy không xứng đáng hoàn thành Big 4 VOGUE nhanh đến vậy”, “Sức mạnh của Nepotism Model có khác”...

Các mối quan hệ hay quyền lực là thứ luôn xuất hiện ở bất kỳ ngành nghề hay lĩnh vực nào chứ không chỉ riêng với nghề người mẫu. Cây bút Sophie Richardson của chuyên trang trực tuyến Unpublished Zine nói rằng: “Dù thích hay ghét thì ai cũng phải thừa nhận tầm quan trọng và mức độ ảnh hưởng của Nepotism Model trong ngành công nghiệp thời trang hiện nay”.

Muốn thay đổi định kiến về Nepotism Model không phải là điều đơn giản khi đã vào nghề được gần 7 năm nhưng Kendall Jenner - người mẫu được trả thù lao cao nhất thế giới vẫn không cải thiện được nhiều về khả năng chụp hình của mình. Gigi Hadid giảm cân cật lực để sở hữu thân hình chuẩn người mẫu, đi học về nhiếp ảnh để cải thiện về khả năng canh góc chụp hình hay cô em Bella Hadid tiến bộ cả về kỹ năng chụp hình lẫn catwalk nhờ “tầm sư học đạo” siêu mẫu Naomi Campbell nhưng vẫn bị giới mộ điệu chê trách và không công nhận khả năng của họ. Cứ mỗi lần hình ảnh của Gigi và Bella xuất hiện trên trang hfconfess là sẽ có hàng tá bình luận như: “Hmmm lại là chị em nhà Hadid nữa à”, “Sao Bella cứ có mãi một biểu cảm vậy?”, “Gigi tiến bộ hơn nhiều đấy nhưng cô ta không xứng đáng với những gì mà bản thân đang có được”,...

Tới cả Kaia Gerber - người từng được khen hết lời lúc mới ra mắt với những sải bước đầy mạnh mẽ giờ đây cũng bị dè bỉu không kém khi không có được kỹ năng chụp hình tốt như họ mong đợi. Nếu như “working models” có được cái nhìn trìu mến hơn từ giới mộ điệu cho những tiến bộ và thành tích của họ, thì với “Nepotism Models” thành công mà họ đạt được khó khi nào mà được nhìn nhận một cách công bằng và không có sự dò xét cả. 

Để định kiến “có đỏ mà không có thơm” không còn xuất hiện bên cạnh Nepotism Model nữa, cần phải có sự thay đổi triệt để về tư duy, nhận thức của những nhà thiết kế, những chủ biên và cả những Nepotism Model nữa. Một thế hệ Nepotism Model nữa đang chuẩn bị “tấn công” vào làng thời trang với Lila Moss (con gái siêu mẫu Kate Moss), Leni Klum (con gái siêu mẫu Heidi Klum) hay Romeo Beckham (con trai danh thủ David Beckham và nhà thiết kế Victoria Beckham), liệu những người đẹp nhí này có thể thay đổi cái nhìn của công chúng về các nàng mẫu “con ông cháu cha”?

Rõ ràng, thời trang và những cô người mẫu luôn được xem là ngành công nghiệp chỉ chú trọng bề ngoài, chú trọng cái đẹp. Nhưng để đi được đường dài, để có được sự công nhận của các chuyên gia, rõ ràng quan hệ là không đủ để giúp bạn có được tất cả. Bệ phóng gia đình cho bạn cơ hội, nhưng để có được cái nhìn ngưỡng mộ từ công chúng, chính là bởi tài năng và sự nỗ lực.