Phiên bản điện ảnh “Bố già” của Trấn Thành vừa công bố lịch ra rạp vào dịp Tết và lập tức nhận về sự háo hức đặc biệt từ khán giả. Thực tế ấy khiến nhiều người nhắc tới xu hướng “nâng cấp” và bước lên màn ảnh rộng của web drama (phim/chương trình chiếu mạng) trong thời gian qua.


Nhưng, để tiến ra phòng vé, tất cả mới chỉ là những bước đi chập chững ban đầu.

Nhắc tới tác phẩm thành công nhất ở thể loại này, người ta không thể bỏ qua web drama Thập Tam Muội. Màn ra mắt thành công năm 2018 đã mang về danh tiếng lẫy lừng cho “hoa hậu làng hài” Thu Trang, đồng thời ném một viên đá lớn vào mặt hồ vốn tĩnh lặng của thị trường phim chiếu mạng vài năm trước đó. Không dừng lại, năm tiếp theo, Thu Trang và Tiến Luật cũng quyết định "chơi lớn" khi đem web drama lên màn ảnh rộng với cái tên Chị Mười Ba: Phần kết Thập Tam Muội.

Và, không ngoài dự đoán, bộ phim điện ảnh này thu về con số ấn tượng 62 tỷ đồng sau thời gian công chiếu, gấp 3 lần kinh phí đầu tư ban đầu. Đến giờ, những gì mà Chị Mười Ba: Phần kết Thập Tam Muội đạt được đã giúp nó trở thành phiên bản điện ảnh bước ra từ web drama thành công nhất ở Việt Nam.

Tiếp nối "trái ngọt" của bộ đôi Thu Trang - Tiến Luật gặt hái được, diễn viên Huỳnh Lập kết hợp với nhà sản xuất Hồng Tú đã "tất tay" đưa web drama Ai chết giơ tay... vượt rào tới phòng vé với cái tên Pháp sư mù. Có chi phí đầu tư 17 tỷ đồng, bộ phim đã làm tốt vai trò của mình khi mang về cho nhà sản xuất 60 tỷ đồng, suýt chạm tới cột mốc mà Chị Mười Ba lập nên.

Sau những thành tựu đạt được, chẳng có gì ngạc nhiên khi "mảnh đất" màu mỡ mang tên web drama bắt đầu rơi vào tầm ngắm của các nhà sản xuất. Hiện tại, 2 dự án web drama nổi tiếng triệu view trên mạng mới được công bố sẽ tung hoành phòng vé trong thời gian tới là Bố giàVi Cá tiền truyện. Trong số đó, web drama Bố già của Trấn Thành đã thành công vang dội trên "mặt trận" của mình ở mạng internet với loạt thành tích kỷ lục như lọt top video thịnh hành nhanh nhất lịch sử YouTube Việt Nam, ghi danh web drama đạt 10 triệu lượt xem nhanh nhất ở tập cuối, nằm trong top 5 video của thế giới có lượng người xem trực tuyến cao... Thêm vào đó, Bố già cũng nhận về "mưa lời khen" từ khán giả và giới chuyên môn, trở thành bộ phim chiếu mạng được nhiều người kỳ vọng nhất khi ra rạp.

“Khán giả Việt thích xem web drama vì chúng miễn phí, ngày càng đa dạng về thể loại, chất lượng hơn trước. Một web drama được yêu thích, đồng nghĩa có lượng khán giả riêng, xây dựng nhân vật quen thuộc trong công chúng” - đạo diễn, biên kịch Kay Nguyễn lý giải về sự thành công của những trường hợp trên - “Tôi thấy hiện nay yếu tố quen thuộc chiếm 75% trong một tác phẩm điện ảnh thị trường Việt và còn lại 25% cho sự mới lạ, ấn tượng".

Tất nhiên, với người làm phim, đòi hỏi "90 phút chất lượng" trên màn ảnh rộng luôn là nỗi đau đáu, bởi phim chiếu mạng có thể "xem cho vui", nhưng khi đã ra rạp thì sự kỳ vọng của khán giả lại cần nhiều hơn thế.

Phim chiếu mạng miễn phí thường đầu tư kinh phí thấp, nội dung ít bị kiểm soát gắt gao, sự sáng tạo từ phía đạo diễn, biên kịch được "bung xoã" hết cỡ tạo nên cái hay, cái hấp dẫn để lôi kéo khán giả "ảo". Trong khi đó, ở bản điện ảnh, ngoài vốn đầu tư cao, từ nội dung cho tới kỹ xảo, phục trang, diễn viên,... đều được quan tâm. Cùng với điều này, yếu tố giải trí cũng được tiết chế để không biến thành cường điệu, bị đánh giá là hài nhảm, hài kém chất lượng trong mắt công chúng "thật".

Thực tế, việc cho ra mắt bản chiếu mạng rồi mới tính tới chuyện làm phim điện ảnh được xem như một "phép thử" về sự quan tâm của khán giả, đồng thời mang lại sự tự tin cho nhà làm phim. Tuy nhiên, việc dùng độ hot của mạng xã hội để đặt nó trong bối cảnh của phim điện ảnh cũng khá khiên cưỡng.

Không ít tờ báo đã chê bai và dùng 2 chữ "hụt hẫng" để nói về các bộ phim chiếu rạp làm từ web drama và cho rằng đây chỉ là "sản phẩm lắp ghép". Nhìn vào những web drama đã thành công về mặt doanh thu như Chị Mười Ba: Phần kết Thập Tam Muội hay Pháp sư mù, tuy "chào sân" đều ăn khách, sinh lời, thế nhưng chất lượng lại không được như mong đợi.

Chị Mười Ba, không ít người bày tỏ sự thất vọng đối với những góc chuyển cảnh rối mắt, hành động qua loa, cẩu thả. Nội dung cũng nhận về nhiều ý kiến trái chiều vì tốc độ triển khai không đồng đều, lúc đầu thì quá chậm, càng về sau lại càng chạy nước rút. Trong khi đó, Pháp sư mù của Huỳnh Lập lại "ôm" một lỗi khác đó chính là việc tham kịch bản. Với khán giả chưa từng xem qua phiên bản web drama, nội dung nhiều chỗ còn cảm thấy khó hiểu. Hiệu quả giải trí của bộ phim cũng không được đánh giá cao.

Đặt vào trường hợp bộ phim điện ảnh sắp ra mắt như Bố già của Trấn Thành, sự kỳ vọng của khán giả đang là vô cùng lớn. Nhưng chắc chắn, họ vẫn mong chờ điều gì đó mới lạ, hấp dẫn hơn việc nhìn lại một bản "tóm tắt" chắp vá từ bộ phim đã chiếu trên mạng.

Nói như nhận định của nhà sản xuất Hồng Tú thì “từ web drama đến phim điện ảnh còn phải qua rất nhiều bước, là một quá trình đầy khó khăn, nhiêu khê, cần nhiều tâm huyết và cả thực lực, tài năng của đạo diễn, nhà sản xuất chứ không đơn giản”.

Đạo diễn, nhà sản xuất Lý Minh Thắng (người từng thành công với hàng loạt các tác phẩm hit như Sài Gòn - Anh yêu em, Mẹ chồng...) nhận định: “Việc sản xuất phim điện ảnh là câu chuyện tiếp nối từ web drama được giới làm phim dự đoán sẽ phổ biến trong xu hướng làm phim chiếu rạp sắp tới, và điều này góp phần tạo nên sự đa dạng cho thị trường phim Việt ở các phòng vé”. Tuy nhiên, xét về phương diện này, giới chuyên một cũng đưa ra cảnh báo, sự đầu tư hời hợt, thiếu nghiêm túc hay làm với mục đích "vét ví" khán giả có thể khiến trào lưu này chết yểu nhanh chóng.

Một trào lưu khởi đầu thuận lợi không hẳn là một con đường dễ đi, bởi nó cần rất nhiều thứ để không trở thành những "bữa tiệc" tạp nham, dễ dãi và gây thất vọng sau này.

Thiết kế: Hoài My