Giờ đây, Hollywood bắt đầu canh bạc mới bằng việc lên lịch một loạt bom tấn để kiếm lại số vốn đầu tư khổng lồ. Nếu lệnh giãn cách được gỡ bỏ, mùa thu 2020 sẽ là một trận chiến lớn giữa các phim bom tấn.


Vắng bóng các “bom tấn Hollywood” do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số cụm rạp ít ỏi được mở cửa tại một số quốc gia chứng kiến sự trở lại của các phim cũ và những phim “vô danh tiểu tốt”. Đây chỉ là hiện tượng nhất thời, khó khăn với ngành công nghiệp điện ảnh thế giới vẫn rất lớn. 

Thời kỳ biến động nhất trong lịch sử ngành điện ảnh bắt đầu vào ngày 4/3/2020, khi bom tấn James Bond: No time to die, phần thứ 25 của loạt phim dài nhất thế giới, bị đẩy lùi vì sự bùng nổ của Covid-19.

Phòng vé thế giới đã thiệt hại hàng chục tỷ USD do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Một thực tế đặt ra là khi các rạp chiếu được phép tái mở cửa, các đơn vị kinh doanh sẽ phải giải quyết một vấn đề chưa bao giờ ngờ tới: Tâm lý khán giả. Đó là làm sao bảo vệ người xem ở mức độ cao nhất và khiến họ không sợ hãi khi trở lại rạp chiếu. 

Chris Johnson - giám đốc điều hành Classic Cinemas, đơn vị sở hữu 15 rạp chiếu phim với 120 phòng chiếu, chia sẻ: “Bạn không muốn cho khán giả thấy tất cả những biện pháp kiểm tra sức khỏe đang có. Bởi, nếu họ có cảm giác như mình phải kiểm tra trước khi lên máy bay họ sẽ không đến. Nhưng, bằng cách nào đó bạn nên cho họ biết về sự an toàn. Điều đó thật sự khó khăn”. 

Dimitrios Mitsinikos, người đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của Gower Street Analytics có trụ sở tại London, cho biết: “Là một ngành công nghiệp, chúng tôi đã mất 5 tỷ đô la, tức là hơn 10% doanh thu phòng vé toàn cầu hàng năm.”

Rạp đóng cửa, các phim khác cũng noi gương phim của James Bond để hoãn chiếu và dời sang mùa thu hoặc sang năm 2021. Giờ đây, Hollywood bắt đầu canh bạc mới bằng việc lên lịch một loạt bom tấn để kiếm lại số vốn đầu tư khổng lồ. Nếu lệnh giãn cách được gỡ bỏ, mùa thu 2020 sẽ là một trận chiến lớn giữa các phim bom tấn.

Bài toán ở đây chính là tìm thời điểm thích hợp để tung ra phim bom tấn trên toàn cầu. Gower Street Analytics đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ hãng phim tìm ra ngày phát hành “sinh lời” nhiều nhất. Mitsinikos nói: “Điều khiến nền tảng của chúng tôi có thể hoạt động dưới những thay đổi khắc nghiệt này là kiến thức và thuật toán về con người”.

Các quyết định được xây dựng dựa trên dữ liệu không phải là điều mới mẻ đối với Hollywood – một trong những nơi từng góp phần tạo ra chúng. Năm 1911, Hãng phim Nestor chuyển từ New Jersey đến Los Angeles với nguyên nhân xuất phát từ một... bản dự báo thời tiết rằng Los Angeles có nhiều nắng hơn – và qua đó, giúp thu về lợi nhuận cao hơn. Hãng này sau đó đã xây dựng xưởng phim đầu tiên ở Hollywood tại Đại lộ Sunset và Phố Gower. Sau đó một năm, hãng đổi tên thành Universal Pictures.

Đâu là lối ra cho Hollywood?

Quay lại với Gower Street Analytics, Mitsinikos cho biết: “Dữ liệu mang tính toàn cầu, theo ngày, theo phim, theo rạp chiếu phim và trong một số trường hợp là theo giờ chiếu. Phần mềm cũng bổ sung thông tin về dàn diễn viên và đoàn phim, thể loại, thời gian chạy, định dạng và xếp hạng độ tuổi cũng như ước tính về mức độ phát hành rộng rãi của từng sản phẩm”. Dù mọi thứ đều là thuật toán, nhưng theo Mitsinikos nói, điều này sẽ giúp việc ước tính các rủi ro diễn ra ở phạm vi rộng hơn.

Những năm trước, việc một bộ phim được quyết định ra mắt khi nào, ở đâu, thế nào... sẽ được dựa sự thành công của tác phẩm tương tự đã được công chiếu trước. Với Gower Street Analytics, hãng phim có thể phân tích được nhóm khán giả sẽ ra rạp vào ngày lễ đặc biệt (như Valentine, Halloween chẳng hạn).

Kết hợp với sự hỗ trợ từ chuyên gia, hãng phim sẽ mô phỏng ra các tình huống ở đời sống thực vào cả những khoảng thời gian bình thường. Từ đó họ trả lời được câu hỏi về việc có hay không nên công chiếu phim vào một ngày cụ thể trong năm.

Để tính toán ngày phát hành một cách chính xác, các dữ liệu đưa ra cần tập hợp từ hơn 25.0000 giả thiết khác nhau. Gower Street, giống như nhiều công ty khác trong ngành, đã phải tăng cường thêm một số nhân viên vào tháng 3, để sử dụng dữ liệu và khám phá những cách thức để công nghiệp điện ảnh có thể phục hồi sau các tác động của Covid-19. 

Mitsinikos nói: “Thị trường sẽ có doanh thu hơn định mức dự kiến ít nhất 10 tỷ đô la khi cuộc khủng hoảng này kết thúc. Quá trình hồi phục từ tình trạng ấy là điều chưa có tiền lệ và đòi hỏi những giải pháp  đột phá. Nhưng, chúng tôi đều có tính toán hết rồi".

Để hồi sinh ngành công nghiệp điện ảnh này, một ý tưởng cũng được đưa ra: tổ chức "Lễ kỷ niệm toàn cầu về trải nghiệm điện ảnh". Dự kiến, đó là một liên hoan phim kéo dài cả tháng với giá vé giảm đáng kể, để khán giả yêu thích điện ảnh có thể thắp lại tình yêu với màn ảnh rộng – giống như mô hình Fête du Cinéma hàng năm tại Pháp.

Bên cạnh đó, việc đảm bảo an toàn cho nhân viên cũng là một điều quan trọng. Dịch Covid-19 buộc các nhà sản xuất, hãng phim tìm kiếm những chuyên gia này để các dự án phim và chương trình truyền hình, vốn bị dừng hoạt động từ giữa tháng 3, có thể được nối lại một cách an toàn.

Theo hãng tin Reuters, những người làm việc trong ngành giải trí hy vọng khi được nối lại hình thức làm việc sẽ có sự điều chỉnh để đảm bảo an toàn như: Các nhóm làm việc ít người hơn, xét nghiệm Covid-19 thường xuyên và dung dịch rửa tay khử trùng được chuẩn bị ở mọi nơi, hay tăng cường sử dụng các công cụ hình ảnh vi tính giúp tạo ra các đám đông khán giả thay vì phải mời người trực tiếp tới trường quay...