Cụm từ antifan ngày càng xuất hiện nhiều trên mạng xã hội. Đặc biệt, thời gian gần đây, không ít nghệ sĩ và người nổi tiếng được gắn với những hội nhóm anti được thành lập với số với thành viên lên đến hàng trăm nghìn người. Vậy, anti một cá nhân nào đó có phải là hoàn toàn sai trái?


Để hiểu hơn về antifan, trước hết cần hiểu rõ thế nào là "fan”. Theo đó, fan hay còn gọi là người hâm mộ là cộng đồng những người yêu mến và theo dõi bất kỳ một người nổi tiếng hay có tiếng nói nào đó. Đây là bộ phận luôn ủng hộ và cổ vũ hết mình cho những người mà họ hâm mộ.

Trái ngược với fan là antifan - cộng đồng trái ngược với người hâm mộ. Họ là những người không thích, hay nói đúng ra là ghét bỏ một người nổi tiếng. Hành động mà nhóm người này thực hiện thường là chỉ  trích, chê bai, hoặc thậm chí là tẩy chay một cá nhân “không may” nào đó.

Gần nhất, việc ca sĩ Hương Giang Idol bất ngờ trở thành “Hoa hậu bị ghét nhất showbiz Việt” với lượng antifan được quy tụ tới hơn 100.000 người trên mạng xã hội đã khiến không ít người ngỡ ngàng.

Cô bị gọi là “Nữ hoàng đạo lý" và các thành viên của hội anti này liên tục “đào mộ" lại loạt hình ảnh, video hay phát ngôn, bài báo cũ của cô để soi xét và mổ xẻ. Làn sóng chỉ trích nhanh chóng lan rộng, và được đẩy lên đỉnh điểm khi nữ nghệ sĩ này dường như muốn "tuyên chiến" với antifan bằng những lời lẽ đầy thách thức.

Như chia sẻ của một chuyên gia truyền thông, điều đáng nói ở đây: Lượng antifan của Hương Giang không là những em học sinh cấp 2, cấp 3 hay các bà nội trợ ít kiến thức. Trong số đó còn có rất nhiều cử nhân đại học, du học sinh, thạc sĩ, luật sư... và họ sẵn sàng bày tỏ sự "anti" với cô đến cùng, theo một cách văn minh nhất. Điển hình, hàng loạt chương trình có mặt của Hoa hậu chuyển giới được “thả phẫn nộ” (một biểu tượng cảm xúc trên Facebook) với con số kỷ lục, và một vài nhãn hàng phải gỡ bỏ hình ảnh của cô ra khỏi chiến dịch quảng cáo. Hashtag #taychayHuongGiang chưa bao giờ mạnh mẽ đến vậy.

Thực tế, đã là người của công chúng, ai cũng sở hữu không ít thì nhiều những người “phản đối”. Sự tồn tại của nhóm người này nhiều khi bắt đầu đơn giản từ việc nhỏ có thể như không hợp nhất được với suy nghĩ, phát ngôn của giới nghệ sĩ, hay không mấy yêu thích giọng hát hay ngoại hình. 

Với Hương Giang, trước sức ép quyết liệt, cô đã xin rút khỏi chương trình của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, hạn chế xuất hiện trên các gameshow và dù muốn, dù không cũng đồng ý gửi lời xin lỗi tới cộng đồng những người không yêu mến mình. Tất cả là minh chứng cho một sự thật: có thể hôm nay bạn được khán giả nâng tận trời xanh, nhưng chỉ sau một đêm chính họ cũng có thể đưa bạn xuống vũng bùn. 

Ngay cả ở quốc gia có nền công nghiệp giải trí hà khắc như Hàn Quốc, không ít nghệ sĩ từng “sống dở chết dở” vì antifan. Điển hình, Hàn Canh (cựu thành viên của Super Junior), từng nhận được một chiếc bánh có thuốc độc kèm một túi máu và con dao, cùng hình ảnh mình bị đâm xuyên qua. Hay như Jay Park từng nhận được một bản kiến nghị với hơn 3000 chữ ký yêu cầu anh phải tự sát. Ở Phủ tổng thống Hàn Quốc, antifan liên tục đệ đơn lên với hàng trăm ngàn chữ ký, lúc thì yêu cầu xử tử Suzy, Lee Kwang Soo, lúc thì gây áp lực đòi giải tán nhóm nhạc T-Ara, X1,...

Và nếu theo dõi Kpop, chắc hẳn không ít người còn ám ảnh và bàng hoàng về câu chuyện của nữ ca sĩ Sulli (cựu thành viên của f(x)), người đã phải lựa chọn cái chết để giải thoát trước áp lực quá lớn từ cộng đồng antifan. Chứng trầm cảm đã cướp đi sinh mạng của cô gái đang trong độ tuổi đầy nhiệt huyết, sau hàng loạt lời bình luận ác ý...

Tại sao, cộng đồng anti-fan “đáng sợ” như vậy vẫn tồn tại, thậm chí ngày càng xuất hiện nhiều?

Có nhiều người thắc mắc rằng: “Nghệ sĩ X xuất sắc, tốt đẹp như vậy mà cũng có anti?” Câu trả lời: Chẳng có một ai trên đời này hoàn hảo tuyệt đối.  Giống như, trang Psychologytoday trong bài phân tích “Tại sao người hoàn hảo cũng bị ghét” đã từng viết: “Stop working so hard, you’re making the rest of us look bad.”(Tạm dịch: “Đừng làm việc chăm chỉ thế, bạn đang làm chúng tôi trông thật tệ”). Có nghĩa, không phải ai đó tốt đẹp thì luôn hoàn hảo trong mắt mọi người. 

Cần nhắc lại, một  yếu tố cũng khiến cho số lượng anti-fan xuất hiện ngày càng nhiều chính là sự phát triển của mạng xã hội. Nếu cách đây 30 năm, những người không yêu thích một nghệ sĩ nào đó, họ sẽ thể hiện hành động anti bằng cách không mua băng đĩa, hoặc những ấn phẩm tạp chí có hình ảnh của nghệ sĩ đó. Thế nhưng, trong thời đại công nghệ 4.0, khi mọi người gắn kết hơn qua cổng thông tin mạng xã hội, từ đó những hệ lụy tất yếu cũng xảy ra. 

Oscar Wilde, nhà văn nổi tiếng người Ai-len, có một câu nói rất tâm đắc rằng: “Give him a mask and he will tell you the truth” (Hãy cho anh ta một chiếc mặt nạ, anh ta sẽ nói hết cho bạn toàn bộ sự thật). Mạng xã hội là nơi người dùng dễ dàng sở hữu cho mình “chiếc mặt nạ”. Khi được ẩn danh, người ta sẽ thoải mái bộc lộ bản chất, thể hiện những gì họ muốn, kể cả việc ghét bỏ hay tẩy chay ai đó mà không sợ sự truy xét của xã hội. Chỉ cần một tài khoản, một cú click chuột, hay thậm chí đôi khi bạn chẳng quan tâm đến “người ta”, nhưng do cái hội anti này “bóc phốt” hay quá, bạn cũng vô tình trở thành antifan lúc nào không hay.

Trở lại câu chuyện  Hương Giang. Thẳng thắn, số lượng antifan của cô xuất hiện ngày càng nhiều cũng bởi những lý do của nó. Đó là chuyện nữ ca sĩ xuất hiện dày đặc đến “bội thực” trên các show truyền hình, là những câu nói triết lý nhưng đầy mâu thuẫn, là việc “lên giọng dạy dỗ đồng nghiệp”,  liên tục giới thiệu rằng mình đang sở hữu nhà tiền tỷ cùng những bộ trang phục xa hoa. Và nhiều câu chuyện khác nữa…

Không sai, nhiều chuyên gia truyền thông cho rằng, khi số lượng anti gia tăng một cách chóng mặt, Hương Giang cần thật sự phải xem lại mình chứ không phải lên mạng “đấu tay đôi”, phản ứng thái quá với họ như vậy. Như chuyên gia Huy Trần nhận xét: “Hương Giang đang đi từ đúng thành sai. Giang càng tỏ ra thông minh, càng muốn trừng phạt antifan, càng đanh đá, càng chết. Ai có quyền cấm khán giả đưa ra nhận định được?”. 

Như thế, phần nào, antifan là một thước đo chuẩn mực cho một nghệ sĩ. Khi số lượng antifan quá đông, bản thân người nghệ sĩ cần phải nhìn nhận lại, bởi đó là những người không-hâm-mộ chứ không phải là “người xấu”. Và, dù không bao gồm tất cả, họ không phải là những chỉ săm soi xét nét, dìm hàng nghệ sĩ – giống như trong chuyện Hương Giang, dù liên tục chỉ trích nữ ca sĩ nhưng họ cũng thừa nhận "đầu tư nghiêm túc", "lăn xả" và "xông xáo" của cô. 

Như một chiếc đòn bẩy, hay một tấm gương phản chiếu đa dạng, hãy để antifan là một phần tất yếu và không thể chối bỏ của cuộc sống. Nó là động lực, là những điểm chưa “hoàn hảo” mà mỗi nghệ sĩ có thể tham khảo để bước lên. Chỉ có điều, văn hoá anti sẽ tốt đẹp hơn nếu cộng đồng này tập hợp nhiều những cá nhân biết tiết chế và đóng góp một cách văn minh, thay cho những soi mói, miệt thị không suy nghĩ.

*Ba nữ thần tượng có nhiều anti-fan nhất Kpop

- Jennie (BLACKPINK): Còn nhớ những ngày đầu tiên ra mắt, Jennie là thần tượng được nhiều người quan tâm vì xinh đẹp, tài năng, cô nàng luôn được tán dương mọi lúc, mọi nơi. Tuy nhiên, đến khi sự nổi tiếng bắt đầu nổi trội hơn các thành viên khác, Jennie lại trở thành tâm điểm của sự chỉ trích. Cô bị gắn mác lười biếng, chảnh chọe.

- Nancy (MOMOLAND): Nancy chính là cô nàng tiếp theo trong danh sách này. Dù được mệnh danh là "thiên thần lai" với nhan sắc đỉnh cao nhưng Nancy vẫn bị chỉ trích bởi rất nhiều lý do. Nhiều người cho rằng ngoại hình của cô nàng không xứng để trở thành idol, khi cân nặng lên xuống thất thường.

- Yeri (Red Velvet): Đội hình debut của Red Velvet ban đầu chỉ có 4 thành viên, tuy nhiên một thời gian sau Yeri lại xuất hiện và bị xem là một "người thừa". Thời gian đầu cô nàng bị chỉ trích rất nhiều và hiện tại cũng không khá hơn khi nhiều hành động của Yeri bị "ném đá" là không cư xử đúng mực với các chị cùng nhóm.

Thiết kế: Hoài My