“Chìa khóa của mọi việc là biết chấp nhận. Mình đối diện với sự thật, mình chấp nhận, đau, tổn thương rồi sau đó bước vào trạng thái mới. Đó là lúc mình có thể làm tất cả mọi thứ vì bản thân không còn bị giới hạn nữa.”


Đào Duy Thiện Tâm nói vậy trong cuộc trò chuyện với Cảm hứng bất tận. Cô được nhiều người biết tới như một chuyện gia về Huyền học – lĩnh vực còn khá mới tại Việt Nam, nghiên cứu tác động năng lượng của vũ trụ lên con người và môi trường sống. Nhưng câu chuyện hôm nay thì gần với… mặt đất hơn nhiều: chuyện của giới trẻ và của chính cô, với những lần tự vượt qua bản thân mình trong quá khứ.

Ta hãy bắt đầu bằng một câu hỏi đơn giản: Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng khá nhiều tới công việc cũng như cuộc sống của mọi người, còn Tâm thì sao?

Quả thật, Tâm thấy người xung quanh nói nhiều về sự lo toan, bộn bề hay sợ hãi trong khoảng thời gian này. Riêng Tâm xem đây là một thời điểm quan trọng. Nó đem tới sự thay đổi và bắt mình phải đối mặt với những vấn đề còn tồn đọng trong công việc cũng như cuộc sống. 

Đúng là có những người nhìn khoảng thời gian này như dịp để sống chậm lại, để thực hiện những việc trước đây chưa có cơ hội thử làm. Nhưng bên cạnh đó, rất nhiều người vẫn nhìn nó với sự hoang mang và tiêu cực. Theo Tâm, sự sợ hãi này bắt nguồn từ điều gì?

Tâm nghĩ, lý do đến từ việc mọi người vẫn chưa chấp nhận được thực tế. Nhiều khi, ta hay than vãn rồi sợ hãi này nọ nhưng lại không biết mình đang thật sự sợ điều gì. Giả sử bạn sợ bị bệnh thì phải làm sao tìm cách bảo vệ bản thân để ngừa bệnh. Sợ mà không cụ thể hóa nỗi sợ đó thì bạn đang sống quá cẩu thả. Hãy ngồi xuống, suy nghĩ xem mình phải sợ điều gì để tìm cách giải quyết. Chừng nào chưa chấp nhận chuyện đang xảy ra, bạn vẫn không thể suy nghĩ tích cực được.

Tôi thấy nhiều người biết rất rõ thứ họ đang lo lắng là gì nhưng lại không giải quyết được. Đơn cử, trong giai đoạn khó khăn này, nhiều người bị mất việc. Họ phải tìm việc làm mới và bắt đầu mọi thứ lại từ đầu. Nếu người ta thấy sợ hãi khi bước vào môi trường mới và phải bắt đầu lại từ con số 0 thì cũng là điều bình thường chứ?

Tâm vẫn nghĩ, ta không nên đổ lỗi cho những chuyện đã xảy ra. Để bước sang một trang mới trong cuộc sống, bạn phải biết chấp nhận mọi chuyện trong quá khứ, nhất là khi nó đã qua rồi. Hãy chấp nhận sự tổn thương, sự thất vọng ở trạng thái cũ, để rồi mạnh mẽ “sang trang”. Ở trạng thái mới, bạn có thể làm bất cứ những gì mà mình muốn mà không cần lo ngại. Chìa khóa của sự thành công hay tất cả mọi việc nằm ở chỗ mình phải biết chấp nhận.

* Qua cách trò chuyện, có thể cảm thấy Tâm là một người có tâm lý cũng như suy nghĩ rất là mạnh mẽ. Điều gì đã làm nên một Tâm như hiện tại? Phải chăng một bước ngoặt nào đó quan trọng trong quá khứ đã làm Tâm thay đổi mình?

Thật ra nhận định như vậy cũng không sai. 

Sau khi tốt nghiệp đại học, Tâm có xin học bổng du học ngành múa ở một trường nghệ thuật ở Singapore. Tới nơi,Tâm phát hiện bị chấn thương ở đầu gối và đi khám thì mới biết bị dị tật bẩm sinh ở đầu gối, cụ thể là lệch xương bánh chè bẩm sinh. Nghĩa là Tâm buộc phải nghỉ ngơi một thời gian, nếu không sẽ ảnh hưởng và không có sức để theo đuổi môn này.


 

Lúc trở về Việt Nam, Tâm rất buồn, không chấp nhận nổi chuyện đó. Tâm cũng đổ lỗi cho số phận đã cho mình khả năng nhảy múa nhưng lại “tặng” cho mình cái chấn thương này. Khi đó, Tâm nhốt mình trong phòng 2 tháng, sụt rất nhiều ký và thật sự suy sụp. Rồi, cũng đến một ngày, Tâm lại quá chán với việc ngồi trong phòng mệt mỏi với thực tại. Tâm quyết định phải bước ra khỏi trạng thái này, dù không biết tương lai ra sao. Bản thân Tâm sẵn sàng đón nhận mọi thứ mới, vì mình đâu còn gì để mất. 

Lúc đó, mẹ kêu học Huyền học lại đi. Tâm từng học từ 2009 rồi nhưng lúc đó chưa để tâm và chưa thấy nó thu hút. Học lại, Tâm thấy môn này cực kỳ hay. Và đến khi gặp anh Nghĩa (chồng Tâm bây giờ) trong quá trình học, rồi gặp một người thầy ở Malaysia thì Tâm quyết định theo đuổi nó.

* Từ chuyện của Tâm, ta hãy nói về giới trẻ, đặc biệt là các bạn thuộc thế hệ Gen Z. Nhiều người nói, vấn đề dễ thấy nhất ở lứa này là việc phải chịu áp lực lớn từ gia đình không…

Đứa con nào cũng phải đấu tranh với cha mẹ về những lựa chọn hay đam mê của mình. Nhưng khi bạn làm được rồi, ba mẹ sẽ không còn lý do để nói nữa. Các bạn hãy thể hiện sự trách nhiệm với bản thân một cách rõ ràng, để cha mẹ có thể an tâm cho bạn đi theo niềm đam mê của mình. Nếu Tâm là mẹ các bạn thì Tâm cũng cảm thấy bất an, vì các bạn không chứng tỏ bất cứ việc gì để mọi người yên tâm về mình.

* Vậy, còn những ý kiến rằng thế hệ Gen Z hiện có quá nhiều thứ xung quanh mình nhưng tinh thần lại thường yếu đuối?

Khi có nhiều lựa chọn quá,thường chúng ta không biết làm gì với nó. Thế hệ Gen Z cái gì cũng có, mọi thứ quá đơn giản, dễ dàng nên dẫn đến việc các bạn không có sự dấn thân. Các bạn chỉ đi tìm thứ đơn giản cho mình trong khi cái các bạn cần nhất là sự trải nghiệm thì lại thiếu. Do đó có nhiều khóa học được mở ra như học làm giàu, định hướng sự nghiệp, định hướng tâm lý, ra đời hàng loạt cho những đối tượng đó. Nhưng càng học lại càng rối hơn (cười).

Bởi thế, các bạn nên dừng lại với sự lựa chọn nhất định, suy nghĩ xem mình cần trở thành ai, hình dung bản thân mình ra sao trong tương lai. Những vấn đề này thì phải nhờ đến sự giáo dục từ cha mẹ và nhà trường. Ngoài ra thì đọc nhiều sách cũng sẽ giúp các bạn thay đổi được tư duy...

* Cuối cùng, theo Tâm, mọi người nên tập trung vào điều gì nhất để có thể chạm tới thành công của mình?

Muốn thành công thì phải biết mình muốn làm gì. Và muốn biết điều đó, hãy lắng nghe mong muốn của con tim thay vì phân tích bằng lý trí. Con tim luôn là cái thứ cho biết bạn cần gì, trong khi việc phân tích quá nhiều bằng lý trí sẽ khiến mất đi sự máu lửa và đam mê trong con người chúng ta.

Như thế, việc lắng nghe con tim cũng cần phải học. Đứng trước những vấn đề quan trọng, khi nghe con tim lên tiếng, bạn sẽ hiểu được đâu là điều mình cần. Ngoài ra, hãy tự mình trải nghiệm thế giới này, cái gì mình thích thì cứ làm. Khi sáng suốt và thoải mái nhất, mọi quyết định sẽ tự đến với bạn.