Nếu như có ai nói đến Sài Gòn chẳng biết mùi vị cơm tấm là gì thì hẳn chuyến hành trình đặt chân tới thành phố mang tên Bác đã mất đi một nửa thú vị. Chẳng phải ngẫu nhiên mà cơm tấm lại gắn mác Sài Gòn, vừa để chứng minh chỉ ở Sài Gòn mới có cơm tấm ngon “nhức nách”, vừa khẳng định đây chính là một trong những đặc sản “danh bất hư truyền” của người miền Nam.


Đa số các món ăn Sài Gòn đều được nêm nếm ngọt hơn hẳn so với các vùng miền khác, nếu không phải là một người ăn quen ẩm thực miền Nam thì khó có thể tận hưởng được hết dư vị ngọt ngào của cuộc sống mà đồ ăn ở đây mang lại. Thế nhưng cũng không phải là không có ngoại lệ, chẳng hạn như món cơm tấm Sài Gòn đây, vừa ngọt vừa mặn mà sao lại hài hòa và lôi cuốn đến thế?

Gọi là cơm tấm Sài Gòn nhưng thực chất, món ăn này lại có sự kết hợp với ẩm thực Mỹ, xuất hiện vào thời kỳ chế độ cũ ở Việt Nam. Nói không ngoa chứ cơm tấm chính là tinh hoa ẩm thực của Việt Nam, từng dành cho đối tượng tầng lớp lao động nghèo hoặc học sinh, sinh viên.

Từ một món ăn dân dã, trải qua hành trình hàng chục năm thay đổi, cơm tấm giờ đây đã trở thành món đặc sản không thể thiếu trong đời sống ẩm thực của người Sài thành, sánh ngang với những món ăn đặc trưng mà du khách nhất định phải thử khi đến với Thành phố Hồ Chí Minh. Hương vị của cơm tấm Sài Gòn chắc chắn sẽ khiến thực khách ngẩn ngơ và đem lòng yêu mến chỉ sau một lần gặp gỡ. Bởi vậy nên khi nhắc đến cơm tấm, ai ai cũng phải gật gù công nhận đây chính là hương vị xa là nhớ, gần nhau là ghiền...

Nếu như ngày xưa, người ta cứ cố gắng tận dụng những hạt gạo gãy, hay còn được gọi là hạt tấm trong quá trình xay xát để nấu thành cơm thì ngày nay, công đoạn để chế biến ra món ăn này lại cầu kỳ và công phu đến lạ. Thông thường, đầu bếp sẽ phải tìm đủ mọi cách để làm vỡ hạt gạo rồi mới lấy được nguyên liệu để nấu cơm. Và dĩ nhiên, chế biến cơm tấm cũng không còn là một công đoạn đơn giản mà đòi hỏi người đầu bếp phải thật khéo léo và dày dặn kinh nghiệm. 

Ở cái thời ngày xưa, khi chưa có bếp điện, bếp từ..., người ta vẫn dùng củi lửa, nồi đất hoặc nồi gang để nấu cơm, ấy thế mà lại ra được món cơm ngon “danh bất hư truyền”. Tuy nhiên khi xã hội ngày một phát triển hơn thì người ta cũng dần nghĩ ra các cách nấu đơn giản, nhanh - gọn - lẹ hơn nhưng phải đảm bảo tinh túy của từng hạt tấm vẫn giữ nguyên như vẻ ban đầu. Bằng cách ngâm tấm trong nước sạch, để vài giờ đồng hồ rồi đem hấp cách thủy đến khi cơm chín sẽ cảm nhận được mùi thơm “hương đồng gió nội” quen thuộc của món cơm tấm trứ danh Sài thành, ấy là đã thành công một nửa trong công đoạn chế biến món ăn này.

Đã gọi là đặc sản Sài thành thì dù ở bất cứ con đường nào, quán ăn đêm hay ăn ngày đều có thể mang đến cho bạn trải nghiệm cơm tấm ngon trứ danh đến mức “tan chảy”. Ở mỗi quán ăn đều sẽ có ưu, nhược điểm riêng, chẳng hạn như miếng thịt quá bé hay miếng chả quá to...thế nhưng hương vị mà món ăn này mang lại thì chẳng thể lẫn đi đâu được.

Tuy nhiên, người Sài Gòn cũng chẳng để bạn “vò đầu bứt tai” trước hàng tá các quán cơm tấm ven đường đâu, nghe dân bản địa mách lại rằng muốn ăn cơm tấm Sài Gòn ngon “nhức nách” thì cứ thử ghé đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Đặng Văn Ngữ, Đặng Đức Thuật, Thuận Kiều hay Nguyễn Phi Khanh. Nhưng biết đâu, quán ăn mà bạn vô tình ghé chân mới thực sự là hàng cơm tấm “chân lý” của đời mình thì sao?

Nói đến cơm tấm thì chắc chắn không thể không nhắc tới những thành phần ăn kèm thơm ngon. Nào là nước mắm, nào là sườn nướng, chả, trứng ốp la, rồi đầy đủ hơn thì có thêm bì, xíu mại, lạp xưởng… Tất cả những món ăn kèm đều đã được người dân Sài thành công nhận là càng ăn càng ghiền, kết hợp với nhau tạo nên một món ăn đặc trưng nhất định phải thử khi đến đây.

Điều gì tạo nên sự thành công của món cơm tấm Sài Gòn? Chắc chắn là hương vị của nước mắm được pha chế kỳ công và chỉ dành riêng cho món cơm “bình dân” này. Thông thường, nước mắm dùng kèm cơm sẽ được pha thêm nước lọc và đường, tùy vào khẩu vị của mỗi người mà gia giảm hương vị sao cho vừa miệng nhất. Một bát nước chấm hoàn hảo không thể thiếu tỏi, ớt để làm trọn vẹn hương vị cho món ăn.

Trong tất cả các món ăn kèm với cơm tấm thì sườn heo là một trong số những nguyên liệu không thể thiếu và đã trở thành đặc trưng trong món cơm của người Sài thành. Sườn heo được tẩm ướp khéo léo, có đủ vị chua ngọt vừa miệng rồi mới đem nướng trên bếp than. Người Sài Gòn thường hay “quyến rũ” thực khách bằng cách đem nướng những tảng sườn heo thơm phức ở ngay trước quán, khiến cho ai đi qua cũng phải mủi lòng, ghé chân thưởng thức một đĩa cơm tấm để lấp đầy “chiếc bụng đói”.

Chả trứng hoàn toàn không phải chả chế biến cùng với trứng như nhiều người vẫn tưởng. Để làm ra được món ăn này đòi hỏi bí kíp lâu năm, được truyền lại từ nhiều đời chứ không phải cứ muốn làm là được. Nguyên liệu chính của món này bao gồm trứng, thịt băm, nấm, mộc nhĩ và một số gia vị khác, sau khi được hấp vàng ươm thì cắt góc theo hình chữ nhật hoặc tam giác là có thể xếp lên đĩa thưởng thức ngay.

Bì vừa là món có thể ăn nhậu, lại thích hợp khi kết hợp ăn cùng cơm tấm. Đây là một hỗn hợp gồm nhiều nguyên liệu là da heo cắt sợi, gạo rang cho vàng rồi giã mịn thành thính và trộn đều, kết hợp thêm nhiều gia vị khác sao cho vừa miệng người ăn.

Bên cạnh đó, cơm tấm còn có thể kết hợp với trứng ốp la, trứng lòng đào, lạp xưởng, xíu mại...tùy theo nhu cầu của người ăn. Tuy nhiên, để tận hưởng đầy đủ hương vị của món ăn đặc trưng này thì không thể bỏ lỡ mỡ hành, tóp mỡ và đồ chua ăn kèm.

Nếu đã cất công đặt chân tới Sài Gòn hoa lệ thì hãy thử dành cho mình một ngày sống như người Sài thành, ăn những món ăn “bình dân” và đến những hàng quán lề đường ngồi tán gẫu vu vơ chuyện “trên trời dưới biển”, chắc chắn bạn sẽ có một hành trình không thể nào quên. Dĩ nhiên trong chuyến hành trình ấy không thể không có món ăn đặc trưng mà người Sài Gòn vẫn thường hay gọi lớn trước cửa quán rằng: “Cho con một suất sườn bì chả đầy đủ nha cô”. 

Cách gọi món ấy nghe thân thương là phụ mà thấy thòm thèm là chính..