Hình ảnh đất nước và con người Việt Nam luôn là niềm cảm hứng để xây dựng nên những tác phẩm chất lượng trong nền điện ảnh thế giới.


Trong những năm qua, Việt Nam cũng dần trở thành một điểm đến quen thuộc của nhiều nhà làm phim lớn trên thế giới, nhờ những đặc trưng thú vị riêng về con người, cảnh quan cũng như bản sắc. Đây được xem như một cách tiếp cận rộng rãi và hiệu quả, giúp hình ảnh của nước ta được bạn bè quốc tế biết tới nhiều hơn. 

Với lợi thế về cảnh quan hùng vĩ cùng nét văn hóa rất đặc biệt, Việt Nam đã sớm được chọn là nơi quay hình cho các tác phẩm của những nền điện ảnh lớn trên thế giới. Trong số đó, tiên phong nhất phải kể đến tác phẩm L’Amant (Người tình) của Pháp, được công chiếu vào năm 1992 và đạo diễn bởi Jean-Jacques Annaud. Bộ phim được quay vào năm 1986 lấy bối cảnh chính ở Sài Gòn thời thuộc địa. Những hình ảnh quen thuộc của Bến Nhà Rồng, Thảo Cầm Viên, Chợ Lớn... đều được khắc họa đẹp một cách nào lòng trong suốt hơn 2 tiếng của phim. Đạo diễn Jean-Jacques Annaud phải thừa nhận rằng chỉ có Sài Gòn mới là nơi diễn tả được đúng không khí câu chuyện mà nhà văn Marguerite Duras miêu tả trong tác phẩm của bà. 

Một tác phẩm khác của Pháp được công chiếu vào năm 1992 mang tên Indochine (Đông Dương) cũng đã chọn Việt Nam làm nơi quay hình và xây dựng cốt truyện. Phim kể về bà chủ đồn điền Éliane Devries và những sự kiện xảy ra xung quanh bà ở Việt Nam trong giai đoạn Pháp thuộc. Những cảnh quay trong Indochine được thực hiện ở các địa điểm nổi tiếng của nước ta như Vịnh Hạ Long, Ninh Bình và đặc biệt là Đại Nội Huế. Có thể nói, L’Amant Indochine chính là những dấu mốc đầu tiên cho việc sử dụng “chất liệu” Việt Nam ở các tác phẩm điện ảnh quốc tế.  Các tác phẩm những năm về sau như The Quiet American (Người Mỹ trầm lặng -2002) hay The Chinese Botanist's Daughters (Con gái ông chủ vườn thuốc - 2006), Kong: Skull Island (Kong: Đảo đầu lâu - 2017) tiếp tục tạo được tiếng vang lớn và giúp hình ảnh cũng như con người Việt Nam được bạn bè quốc tế biết tới nhiều hơn bởi cách tiếp cận này.

Thực tế, nhiều quốc gia trên thế giới đã rất nhanh nhạy khi chớp lấy thời cơ từ việc được quảng bá các địa điểm trong những bộ phim đình đám, để từ đó phát triển du lịch và kinh tế cho đất nước họ.

Hãy cùng lấy ví dụ với New Zealand. Toàn bộ ba phần của siêu phẩm The Lord of the rings (Chúa tể của những chiếc nhẫn)  đều được quay ở những địa điểm của nước này như Matamata, Wellington, Canterbury... Sự thành công của The Lord of the rings cũng mang lại sự khởi sắc cho nền kinh tế New Zealand. Theo AFP, sau khi phần 1 của tác phẩm này được công chiếu vào năm 2001, du khách quốc tế chọn New Zealand là điểm du lịch đã tăng tới 3,5% và du lịch trở thành một ngành mũi nhọn cho đất nước nhỏ bé này. Ngoài ra, bộ phim còn tạo ra công ăn việc làm cho hơn 20.000 với những công việc như diễn viên quần chúng, nhân viên hậu trường, dịch vụ... trong khoảng thời gian quay hình của phim.

Hoặc, một ví dụ điển hình khác là Hàn Quốc, khi nền điện ảnh xứ kim chi cũng rất khéo léo lồng ghép những địa điểm như đảo Jeju, tháp Namsan, con đường Deoksugung Doldam Gil... thông qua các bộ phim truyền hình phủ sóng toàn châu Á của họ. Không du khách nào lại có thể bỏ qua những địa điểm này khi tới đây. 

Như thế, mối liên kết giữa điện ảnh & du lịch là một mối liên kết vô cùng hiệu quả và đầy tính tiềm năng. Tại hội thảo “Bối cảnh quay phim ở Việt Nam” trong khuôn khổ Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXI (11/2019), các số liệu được công bố cho thấy  5% số lượng khách du lịch trên thế giới vẫn lựa chọn tham quan một  địa điểm nào đó thông qua các tác phẩm điện ảnh. Và, ở thời điểm Luật Điện ảnh đang sửa đổi, xây dựng những điều khoản để hỗ trợ, ưu đãi cho các nhà làm phim nước ngoài muốn thực hiện quay hình ở Việt Nam, đó là một tiềm năng lớn đang chờ khai phá...