“Âm nhạc của tôi là mãi mãi. Có lẽ họ có thể nói rằng tôi là một kẻ ngốc, nhưng âm nhạc của tôi là mãi mãi.” - Bob Marley quả thực đã chứng minh điều đó. Gần 40 sau ngày ông mất, người ta vẫn cứ mãi nhắc về 1 huyền thoại âm nhạc, người dám khác biệt, dám theo đuổi điều mình đam mê và chinh phục công chúng, kể cả những người từng ghét bỏ mình bằng âm nhạc.


Sinh ngày 6/2/1945 tại Saint Ann, Jamaica, Bob Marley mang hai dòng máu với bố là người Anh chính gốc còn mẹ là dân bản địa Jamaica. Nói cách khách, Marley chính là sự kết hợp của da trắng và da màu. Cũng vì vậy mà ông trở thành nạn nhân của sự phân biệt về màu da ở quê nhà. Sau khi cha qua đời năm ông 10 tuổi, Bob cùng mẹ rời quê nhà đến Trenchtown sinh sống. Ông thành lập một nhóm nhạc nhỏ với vài người bạn, họ không chơi nhạc cụ mà chỉ hoạt động như một đội hợp xướng. Sau đó Bob Marley học chơi đàn guitar và bắt đầu viết nhạc, những bài hát mà khi ấy ông không biết sẽ biến mình trở thành một huyền thoại.

Giữa một thế giới còn quá nhiều bất công và hỗn loạn, người ta tìm thấy Bob Marley. Không, là Bob Marley xuất hiện để mang đến tiếng nói cho sự bình đẳng. Ông cuồng loạn, ngạo nghễ, khác biệt ở cái thời điểm mà người ta còn định kiến. Ông cùng với dòng nhạc Reggae cứ thế dần dần trở thành một huyền thoại, để rồi 39 năm sau ngày mất, vẫn còn ở đó sự ngợi khen, ngưỡng mộ. Công chúng vẫn nhắc đến ông như một tượng đài về phong cách sống cùng những “thánh ca” bất hủ về nhân loại.
 

Khi được hỏi "Đóng góp lớn nhất mà đất nước của bạn mang đến cho toàn thế giới là gì?” tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn Vũ năm 2015, Hoa hậu Jamaica đã không ngần ngại nhắc đến cái tên Bob Marley. Theo người đẹp, điều đáng tự hào của Jamaica là tặng cho thế giới những huyền thoại, những vĩ nhân đáng ngưỡng mộ như Usain Bolt - vận động viên điền kinh từng giữ kỷ lục thế giới và Bob Marley - một huyền thoại âm nhạc.

Mái tóc xù khác lạ, thứ âm nhạc chẳng giống ai, Bob Marley bước vào thế giới âm nhạc như một màu sắc khác lạ và độc đáo. Ngày ấy từ người lớn đến trẻ em ai cũng biết Bob Marley. Người ta nói rằng nhạc của ông nghe một lần là nhớ, chưa nghe đến thì cũng nhớ mặt quen tên. Người Jamaica tự hào vì có Bob Marley, thế giới cũng tự hào vì có Bob Marley. Cái danh xưng “huyền thoại” không phải chỉ để đó cho vui, bởi ông đã dùng âm nhạc của mình để làm nên những điều phi thường.

Quay ngược lại nền âm nhạc của thế kỷ 20, mọi thứ đều đang hình thành, có cả những trào lưu mới phát triển. Bob Marley xuất hiện với dòng Reggae khác lạ, trở thành một nốt quan trọng của nền giải trí âm thanh đương thời. Rock’n Roll có Elvis Presley, R&B có Curtis Mayfield thì Reggae có Bob Marley. Chỉ khác ở chỗ, Elvis, Curtis dù là huyền thoại nhưng không phải độc tôn bởi vẫn còn những John Lennon, Diana Ross… Riêng với Reggae, chỉ có Bob Marley ở đó, bởi vậy người ta mới nói ông là huyền thoại độc tôn của dòng nhạc này.
 

Năm 17 tuổi, Bob Marley thu âm ca khúc đầu tiên trong sự nghiệp mang tên Judge Not với sự hỗ trợ của ông bầu nổi tiếng bấy giờ là Leslie Kong. Giọng hát nội lực của Bob được nổi bật trên nền nhạc ska của Jamaica. Dù ca khúc đầu không tạo được tiếng vang, nhưng Bob vẫn tiếp tục theo đuổi đam mê. Ông ghi âm một số ca khúc khác như One Cup Of Coffee, Do You Still Love Me, Terror... Sau đó vì một số vấn đề không hay mà Bob dừng hợp tác với Leslie, thành lập nhóm nhạc mới mang tên The Teenagers mà sau này trở thành The Wailers - là cái tên gắn liền với sự nghiệp của Bob Marley.

The Wailers trở thành tượng đài ở Jamaica từ rất sớm nhưng phải đến khi gặp được Chris Blackwell, chủ hãng đĩa Island thì nhóm mới có thể vươn ra thế giới. Bị mang tiếng là nhóm nổi loạn, thô lỗ cùng những từ ngữ khó nghe, Bob Marley và đồng đội vẫn được Blackwell đón nhận. Đĩa đơn Catch A Fire dù nhận được sự khen ngợi từ phía các nhà phê bình nhưng lại không được công chúng quốc tế quan tâm.

Một phần của sự thờ ơ là do dòng nhạc Reggae quá khác biệt, phá vỡ các quy luật truyền thống âm nhạc ở nhịp điệu và một số khía cạnh khác. Tuy nhiên, sự khác biệt dần dà trở thành xu hướng được thế giới đón nhận và người ta nhớ đến Bob Marley cũng như The Wailers. Album Natty Dread thành công về doanh thù và chinh phục được cả giới phê bình. Trong đó ca khúc No Woman, No Cry trở thành một hiện tượng mà đến giờ vẫn còn là bản hit được nhiều người yêu thích. Ca khúc tôn những người phụ nữ với thông điệp: “Hỡi các chị em, đừng khóc nữa”.

No Woman, No Cry an ủi những cô nàng đừng yếu đuối khi người đàn ông họ yêu quyết định chấm dứt mối quan hệ. Rằng đừng khóc, rồi mọi thứ sẽ ổn thôi. Không đơn thuần là lời an ủi, No Woman, No Cry cũng là lời châm biếm xã hội đương thời, sự phản kháng dành cho một chính quyền giả dối. Bob Marley luôn là như thế, ông sống trong thế giới của những người nghèo hèn không có lối ra. Ông dùng âm nhạc để nói lên thực trạng xã hội đương thời, những đứa trẻ sống không có mơ ước, những người cha người mẹ bất lực. Về gần cuối bài hát, câu “Mọi thứ sẽ ổn thôi” cứ lặp đi lặp lại như thế, mang đến tinh thần lạc quan và an ủi những tâm hồn yếu mềm.

Sau này vì một số sự việc không hay, Bob rời bỏ quê hương và thay đổi phong cách âm nhạc. Một trong những album nổi bật nhất của ông trong giai đoạn sau này là Exodus. Ông vẫn mượn bài hát để kể về xã hội, về những bất công và mong ước về một sự bình đẳng mà Bob thường mơ đến. Tuy nhiên, album này đã có sự biến tấu với blues, soul, funk và cả rock, tạo ra những màu sắc khác biệt hoàn toàn. Điều khiến Bob trở thành huyền thoại còn là cách ông biết tận dụng thời cơ. Bob bắt đầu gửi gắm những tuyên ngôn, thông điệp mạnh mẽ nhất khi cả thế giới bắt đầu nghe nhạc của ông. Từ một người bị kỳ thị, bị phân biệt đối xử, Bob Marley bước ra ánh sáng, mang thứ âm nhạc gửi gắm thông điệp bình đẳng đến toàn cầu.

Năm 1981, Bob Marley qua đời ở tuổi 36 khi đang ở trên đỉnh cao danh vọng. Căn bệnh ung thư đã di căn khiến ông phải dừng lại đam mê ca hát, sáng tác. Thay vì chọn phẫu thuật, Bob Marley lại quyết định sống thanh thản đến những giây phút cuối cùng. Dù cho ước mơ về hòa bình và công bằng cho Jamaica lúc đó chưa thành công, Bob cùng dòng nhạc Reggae vẫn là câu chuyện truyền cảm hứng cho rất nhiều người. Ông cũng là nghệ sĩ hiếm hoi được vinh danh tại ngôi đền vĩnh cửu của Rock and Roll Hall of Fame.

Năm 1984, album Legend gồm tuyển tập các bản hit của Bob Marley được phát hành và trở thành album Reggae bán chạy nhất từ trước đến nay với hơn 20 triệu bản bán ra khắp thế giới. Gần 40 năm sau ngày một huyền thoại ra đi, người ta vẫn nhớ đến Bob Marley như một trong những người anh hùng của Jamaica, của dòng nhạc Reggae. Câu chuyện và các sáng tác của ông sẽ mãi là di sản vô giá với nhân loại, là nguồn cảm hứng cho các thế hệ sau này học tập.