“Tôi muốn cả thế giới trải nghiệm cảm giác thực sự không chỉ của Marilyn, mà còn là Norma Jeane.” – đạo diễn Andrew Dominik chia sẻ.

“Blonde” dựa trên tiểu thuyết của tác giả Joyce Carol Oates năm 2000 được hư cấu về cuộc đời của Marilyn Monroe. Trong cuốn tiểu thuyết, Oates đã chắp vá từ những ghi chép, những sự kiện, bài báo, tin đồn về nữ minh tinh Marilyn Monroe và viết nên một câu chuyện hư cấu về cuộc sống của bà.

“Blonde” mang đến một bộ phim tiểu sử được đánh giá là ở mức tạm ổn theo một quỹ đạo quen thuộc bắt đầu từ thời thơ ấu bất hạnh của Monroe, làm sống dậy một thời kỳ danh tiếng chói sáng ngày càng tăng dần của bà. Bộ phim có cùng mở đầu như cuốn tiểu thuyết, với hình ảnh của cô gái mới lớn Norma Jean Baker (tên thật của Marilyn Monroe) chiến thắng trong một cuộc thi sắc đẹp ở California vào năm 1941 khi chỉ mới 15 tuổi.

Để rồi từ đó, cô gái trẻ bắt đầu dấn sâu vào thế giới phù hoa, đặc biệt là kinh đô điện ảnh Hollywood và mối quan hệ tình cảm rắc rối với những gã đàn ông tài hoa hoặc quyền lực. Tương tự như cuốn tiểu thuyết gốc, bộ phim chuyển thể của Dominik không đưa ra tên thật của những người đàn ông từng có mối quan hệ tình ái với Monroe, thay vào đó chỉ nêu nghề nghiệp hay chức danh của họ, ví dụ như "cựu vận động viên", "nhà viết kịch" và "tổng thống".

Tuy nhiên như một lời nhận xét từ tờ The New York Times: “Thật nhẹ nhõm khi Marilyn không phải chịu đựng những lời lẽ thô tục trong “Blonde”, bộ phim giải trí hư cấu mới nhất khai thác về nữ diễn viên”. Thực tế, kịch bản của bộ phim chỉ miêu tả bề nổi trong suốt 36 năm cuộc đời của Marilyn thay vì khai thác nội tâm của nữ diễn viên tài năng hiếm có này. Người xem được chứng kiến những bi kịch gia đình của bà, sự vắng mặt của người cha, sự ngược đãi của người mẹ, thời gian ở trại trẻ mồ côi, thời gian ở nhà nuôi dưỡng, nghèo đói, những vai diễn không xứng đáng, những lời lăng mạ về trí thông minh của Marilyn, những cuộc đấu tranh bệnh tâm lý, vấn đề lạm dụng chất kích thích, tấn công tình dục, sự chú ý thái quá của những người hâm mộ.

Tất cả những gì còn thiếu trong “Blonde” là bức chân dung về một Marilyn thông minh, duyên dáng, hóm hỉnh, hiểu biết và kiên trì. Hay là những sự quan tâm của cô ấy đối với - và kiến ​​thức về - chính trị, về công việc và tham vọng với nghề mà bà đặt ra với tư cách là một diễn viên, như từng được Anthony Summers miêu tả trong cuốn sách "Goddess: The Secret Lives of Marilyn Monroe". Nhiều nhà phê bình băn khoăn liệu đạo diễn Dominik đã từng thực sự xem một bộ phim của Marilyn Monroe chưa, đã thấy tài năng siêu việt của bà trong lối diễn xuất, cách nói, cử chỉ đầy duyên dáng chưa?

Đem theo kỳ vọng của đoàn làm phim cũng như khán giả thế giới, việc tuyển chọn người thủ vai Marilyn Monroe được diễn ra một cách khắt khe và kỹ lưỡng. Ban đầu vai diễn Marilyn được gửi gắm cho Naomi Watts, sau đó là Jessica Chastain. Cuối cùng, Ana de Armas là người được chọn để thủ vai diễn nặng ký này. Thành công với những “bom tấn phòng vé" như “Knives Out” và “No Time To Die", Ana de Armas vẫn phải thừa nhận việc đóng vai Marilyn là “công việc căng thẳng nhất mà tôi từng làm".

Để có thể tái hiện “biểu tượng của nước Mỹ thế kỷ XX”, nữ diễn viên Ana de Armas đã dành ra hơn 9 tháng để học phương ngữ để học các cử chỉ, cách phát âm với giọng nói nhẹ nhàng của biểu tượng Hollywood. Những mái tóc giả bạch kim óng ánh, với 3 tiếng trang điểm để hóa thân thành ngôi sao hứa hẹn tạo ra một Marilyn màn ảnh vô cùng lộng lẫy, rực rỡ. Thậm chí, Ana de Armas đã dũng cảm lăn xả vì vai diễn, hoàn toàn tin tưởng vào đoàn làm phim và đóng những cảnh nóng đầy táo bạo. Tuy nhiên, những gì cô nhận lại được là những phản hồi tiêu cực của khán giả về bộ phim như diễn không cảm xúc, những cảnh quay thừa thãi.

Hiện tại, phim chỉ nhận được số điểm 50% trên Rotten Tomatoes, nhiều người hâm mộ của Marilyn Monroe bày tỏ không ủng hộ tác phẩm này. Điển hình, các trang báo lớn đã có những bài viết nhận xét về “Blonde” như là là một bộ phim sỉ nhục Marilyn Monroe khi lạm dụng cảnh nóng, hình ảnh khỏa thân nhằm phô bày vẻ đẹp của minh tinh Hollywood. "Đây không phải là một bộ phim tiểu sử nghệ thuật mà là cái nhìn phiến diện về cuộc đời một người phụ nữ, dựa trên sự căm ghét đàn ông", nhà phê bình viết.

Thực tế, sử dụng những cảnh nóng hay cảnh khỏa thân nhiều quá mức, nữ diễn viên người Cuba Ana de Armas để ngực trần trong suốt 1/3 thời lượng của bộ phim, trong những khoảnh khắc nhân vật ở một mình hay suy nghĩ điều gì đó trong tâm trí. Ngoài ra, nhiều nhà phê bình cũng bày tỏ sự thất vọng trước cách xử lý của đạo diễn đối với vấn đề phá thai, việc lạm dụng cảnh nóng trong phim khi kể về cuộc đời, những đau khổ mà Marilyn Monroe phải trải qua.

Bộ phim gây tranh cãi bởi số lượng cảnh nóng và gắn mác NC-17 (phim dành cho khán giả trên 17 tuổi). Đáp lại những bình luận tiêu cực từ khán giả, đạo diễn Dominik lại cho rằng đây mới thật sự là Marilyn và cái nhìn trung thực về cuộc đời bà. “Nếu được lựa chọn, tôi thà đi xem phiên bản NC-17 không dễ chịu của câu chuyện về Marilyn Monroe. Chúng ta biết rằng cuộc sống của cô ấy đã ở bên bờ vực khi cô ấy chọn kết thúc sự sống. Vậy, bạn muốn xem phiên bản thực và trần trụi về Marilyn, hay một phiên bản hoàn mỹ, hào nhoáng thường thấy?”

Dù đã có khá nhiều bộ phim tiểu sử và tài liệu về Marilyn Monroe, nhưng dường như chưa có một bộ phim nào chạm được vào nội tâm của Marilyn Monroe, ở cả khía cạnh sự quyến rũ huyền bí, vẻ phù phiếm và cả sự tổn thương với cuộc đời riêng nhiều cay đắng của nữ minh tinh nổi danh nhất Hollywood thế kỷ XX.

Bộ phim “Blonde” dù rất cố gắng tìm được những nỗi đau, những bi kịch về cuộc đời của Marilyn Monroe để khai thác lòng thương của khán giả nhưng có vẻ như đã bị phản tác dụng. Bộ phim chỉ như một bản tin tổng hợp về những thông tin hư cấu hay những tin đồn bủa vây vây Marilyn xuất phát từ người trong giới, những người làm việc chung với bà và cả những người chưa hề gặp nhưng luôn bàn tán về bà.

Với hàng đống chất liệu như vậy, Blonde đọng lại là bộ phim phơi bày thân thể diễn viên quá mức và lấy nước mắt theo cách làm khán giả mủi lòng chứ không thực sự lay động họ. Không phải ngẫu nhiên những cảnh nóng của phim bị chê vô vị, sống sượng, thừa thãi bởi có những chi tiết khán giả khi xem không hiểu được mục đích khi đạo diễn đưa vào bộ phim.

Chi tiết Marilyn phá thai cũng được đạo diễn mô tả trực diện với mục đích gây sốc cho khán giả, lôi kéo sự thương cảm cho nhân vật. Nếu nhân vật chính phải vất vả chịu đựng trong những phân cảnh ấy, thì trước màn hình, khán giả cũng đang phải vất vả chịu đựng những cảnh phim xử lý thiếu tinh tế của bộ phim.

Hàng thập niên qua, cuộc đời đầy bi kịch của Marilyn Monroe đã được khán giả truyền tai nhau, được thêu dệt nên hàng ngàn phiên bản bởi những lời đồn đại, thông tin từ các phương tiện thông tin đại chúng. Chính vì vậy, bà luôn bị hiểu nhầm là một phụ nữ đẹp nhưng điên cuồng, ngốc nghếch, mê tiền. Tuy nhiên, dưới góc nhìn mới mẻ và cởi mở ở thế kỷ này, người xem trông chờ một bộ phim có thể khai thác sự phức tạp trong nội tâm của Marilyn Monroe, để có thể thấu hiểu bà một cách văn minh, thay vì lôi những mẩu chuyện không xác thực về bà ra để làm phim và câu nước mắt thêm một lần nữa.