Thời gian qua, ý tưởng đưa áo dài nam truyền thống vào trường học để làm đồng phục gây ra nhiều tranh cãi trên mạng xã hội. Những lợi ích - cũng như bất cập – quanh câu chuyện này liên tục được đưa ra với các lý luận khác nhau.


Nhiều người cho rằng con trai mặc áo dài sẽ góp phần gìn giữ truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những ý kiến phản đối vì sự bất tiện, tài chính và cả thời trang...

* Thời gian vừa qua, quan điểm mang áo dài nam truyền thống vào trường học đang gây sốt khắp không gian  mạng. Các bạn có chú ý tới điều này?

- Văn Cường: Mình có đọc tin về việc Nghệ sĩ Kim Xuân đề xuất với Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, sáng thứ 2 hàng tuần học sinh nam nên mặc áo dài truyền thống để chào cờ.

- Yến Lê: Mình có biết và thấy  đây là một đề xuất thực sự táo bạo, nhiều ý nghĩa.

- Quỳnh Hương: Báo đài đưa tin rất nhiều, có cả bình luận tiêu cực và tích cực nên mình không chú ý cũng không được. Tuy nhiên, mình nghĩ điều này dù được quan tâm nhưng cũng không dễ tạo sự đồng thuận để áp dụng ngay.
 

* Thực tế thì nhiều nam sinh cũng tỏ ra ngần ngại với đề xuất này. Phải chăng, khi diện áo dài nam, họ sẽ mất đi sự tự tin vì cảm giác ...  yếu ớt hơn so với sơ mi đóng thùng quen thuộc?

- Yến Lê: Mình không nghĩ là mất tự tin. Ngược lại, sẽ có nhiều người thấy tự hào và trân trọng khi được giải thích rằng đang khoác lên mình bộ trang phục truyền thống của dân tộc. Tất nhiên, nhiều bạn nam sẽ băn khoăn vì sợ ảnh hưởng tới hoạt động thể thao hoặc việc vận động nhiều.

- Thu Hằng: Phong thái, vẻ ngoài theo mình phụ thuộc vào cá tính mỗi người. Các bạn học sinh, nhất là lứa tuổi 18, 20 tràn đầy năng lượng sẽ luôn muốn thể hiện cái tôi. Đó cũng có thể là lý do chủ chốt khiến các bạn ngại mặc với định kiến rằng áo dài truyền thống khó thể hiện được phong cách, cá tính nam giới. Hơn thế nữa, mặc dù áo dài đẹp, trang trọng nhưng trong thời đại có quá nhiều hoạt động, thú vui thì rất khó để nam sinh thoải mái chạy nhảy, vận động hoặc  làm những điều mình thích.

- Hải Bình: Chắc chắn, một số lượng không nhỏ các nam sinh ngại mặc áo dài vì sợ trông bản thân trở nên yếu ớt. Còn thiếu tự tin thì mình nghĩ không hẳn. Có thể đứng trước một thay đổi nào đó sẽ diễn ra hàng ngày, người ta ít nhiều đều thấy e ngại thôi.

- Văn Cường: Sự thiếu tự tin sẽ đến, bởi từ trước đến giờ, chúng ta chưa có tiền lệ cho việc này. Các học sinh nam cảm thấy khó chịu, ngượng ngùng trong tà áo dài là dễ hiểu. Và đó là điều cần khắc phục - bởi dù là cho nam hay nữ, tà áo dài chỉ đẹp khi người mặc trân trọng nó và không cảm thấy gượng ép.
 

* Một chút so sánh của các bạn về trang phục sơ mi quần tây và áo dài nam truyền thống Việt?

- Yến Lê: Trong một số trường hợp thì mặc áo sơ mi, quần tây sẽ tiện hơn. Giữ gìn những vẻ đẹp truyền thống không có nghĩa là ta khước từ những vẻ đẹp hiện đại.

- Thu Hằng: Khi cuộc sống bộn bề và yêu cầu mỗi người  tràn đầy năng lượng như bây giờ, thoải mái và tự tin là điều vô cùng cần thiết. Không phải vô lý mà quần tây, áo sơ mi là trang phục được chọn để nam sinh sử dụng khi sáng tạo, học tập.

- Quỳnh Hương: Bao năm qua, sơ mi quần tây rất phổ biến và chưa nhận bất kỳ phàn nàn nào độ bất tiện. Trong khi đó, áo dài truyền thống rõ ràng về kiểu cách đã khó mặc, khó di chuyển. Tất nhiên, điều ấy không có nghĩa là áo dài truyền thống nam không mang vào làm đồng phục được và nam sinh không thích nghi được. Vấn đề là cần đặt đúng bối cảnh để sử dụng nó.
 

* Thật ra, những trang phục như áo dài nam hiện cũng chỉ được đề xuất sử dụng một, hoặc một vài ngày trong tuần ở công sở hay trường học. Các bạn có nghĩ như vậy là vừa đủ?

- Yến Lê:  Một trang phục đẹp không có nghĩa là mặc mọi lúc mọi nơi đều phù hợp. Ngược lại, mặc những lúc phù hợp sẽ tôn vinh vẻ đẹp trang trọng, lịch thiệp của áo dài.

- Thu Hằng: Việc diện áo dài vào những ngày đặc biệt, long trọng đã rất đủ để thể hiện những nét đẹp của văn hóa truyền thống.Ta không nên đòi hỏi phải mặc nó mỗi ngày mỗi giờ. Thay vào đó, hãy nhớ tới việc tạo không gian trang nhã, lịch thiệp nơi nó xuất hiện.

- Văn Cường: Thật lòng, tôi nghĩ chúng ta vẫn có thể mặc nhiều hơn là một buổi. Và nếu đưa vào trường học, không chỉ học sinh mà giáo viên nam cũng cần thực hiện điều này. 

- Hải Bình: Đặc trưng của văn hóa Việt Nam không nhất thiết phải thể hiện qua trang phục hay số lần diện nó. Nhìn chung, ta mặc nhiều nhưng không có kiến thức hay các hành động phù hợp thì cũng không đạt được hiệu quả cao.
 

* Các nước khác trên thế giới áp dụng mặc đồng phục truyền thống ở nam sinh như Hàn Quốc, Nhật Bản và nhận về nhiều lời khen. Nó trở thành bản sắc riêng của quốc gia họ. Bạn có nghĩ, đồng phục truyền thống nam Việt Nam cũng sẽ đạt hiệu quả như thế khi áp dụng vào trường học?

- Yến Lê: Có thể đạt được điều đó nhưng không dễ. Đây là câu chuyện cần cách tiếp cận hợp lý, chuẩn bị hợp lý và nhiều yếu tố khác.

- Thu Hằng: Mỗi quốc gia đều có những câu chuyện riêng. Chúng ta không thể so sánh hay cho rằng suy nghĩ của ai cũng phải giống nhau. Với tôi, việc Hàn Quốc, Nhật Bản… áp dụng mặc đồng phục truyền thống cũng không dễ làm thay đổi suy nghĩ chủ quan của các nam sinh hiện tại và mọi thứ khó đạt hiệu quả tức thời.

- Quỳnh Hương: Nếu việc mặc áo dài đầu tuần của các bạn nữ giúp giữ gìn bản sắc Việt và thể hiện sự tôn trọng đối với buổi chào cờ đầu tuần thì việc mặc áo dài của nam sinh cũng sẽ đạt được hiệu ứng tương tự. Có thể điều này sẽ phải cân nhắc nhiều khía cạnh và đối diện với nhiều thách thức trong giai đoạn đầu. Nếu về dài hạn, mọi người sẽ dần quen với điều đó.

- Hải Bình: Nếu chỉ nói miệng về khái niệm “bản sắc” thì rất mơ hồ. Nói chung, muốn điều này trở bản sắc riêng, chúng ta sẽ cần rất nhiều công sức và thời gian, chứ không phải cứ mặc vào là có bản sắc ngay.

* Cuối cùng, theo bạn, khi các bạn nam mặc áo dài truyền thống đến trường, kết quả nào sẽ dễ dàng nhận ra đầu tiên?

- Thu Hằng: Nếu áo dài nam được sử dụng trong trường học, bên cạnh những điều chưa phù hợp, chúng ta vẫn có thể nhìn ra sớm những điểm tích cực: Xây dựng một môi trường học tập đẹp, lịch sự, nề nếp rõ ràng; tạo cho nam giới tác phong chững chạc, chín chắn; tạo nên không khí trang trọng, nâng tầm giá trị tôn nghiêm vốn có bấy lâu…

- Hải Bình: Thay đổi thứ nhất có lẽ là hình ảnh đăng tải trên mạng xã hội của các nam thanh nữ tú cấp 3 sẽ trở nên lộng lẫy và xinh đẹp hơn rất nhiều khi cả hai cùng diện áo dài. Thứ hai sẽ là một tổng thể đồng bộ hơn ở mỗi ngôi trường. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, đó sẽ là một nét độc đáo mới của Việt Nam trong môi trường học đường.