Có thể khó hiểu với những người ở độ tuổi khác, nhưng “Body Shaming” – việc dùng ngôn ngữ để chế giễu ngoại hình của người khác – thật sự là một vấn đề phức tạp của những Gen Z. Ở đó, muôn hình vạn trạng, mỗi người trong số họ phải đối mặt với những câu chuyện riêng, cũng như những lựa chọn và ứng xử riêng của mình.


Nguyễn Cam Tường My, 22 tuổi và đang là Manager của một công ty truyền thông, cũng đã có những trăn trở tiêu biểu của thế hệ Gen Z ấy (thế hệ sinh từ cuối thập niên 1990 trở lại đây), với nỗ lực để tự tin, khẳng định bản thân và vượt lên những hạn chế, trong đó có tổn thương do body shaming gây ra.

*Chuyện một người trẻ thành công chưa bao giờ là hiếm và định nghĩa thành công của mọi người lại khác nhau. Đặt trong bối cảnh của thời đại 4.0, mọi thứ đi quá nhanh và người ta cũng chật vật rất nhiều giữa bao bộn bề ước mơ, sự nghiệp, tiền bạc hay chỉ đơn giản là vượt lên mình của ngày hôm qua, My có nghĩ là mình thành công ở tuổi 22?

- Tôi luôn quan niệm rằng, ước mơ thì ai cũng có cả nhưng mơ thì phải thực tế. Tôi đặt ra cho mình những mục tiêu ngắn hạn, những ước mơ trong 1 khoảng thời gian ngắn và thực hiện được nó. Step by step - từng bước một.

Tôi chưa thấy mình thành công vì còn nhiều thứ để học lắm. Tôi có được ngày hôm nay là dựa trên 3 thứ: Sự may mắn, sự cầu tiến và việc đừng nghĩ về tiền bạc. Riêng với yếu tố thứ 3 này, tôi muốn nói thêm: Đi làm thì ai cũng cần tiền, nhưng khoan nghĩ nhiều về nó. Mình phải cho đi nhiều hơn trước thì mình mới có thể nhận lại nhiều về sau. Một người sếp tốt sẽ biết lúc nào bạn cần tăng lương hoặc thưởng nhưng dĩ nhiên thành quả làm việc của bạn phải đủ nổi bật để sếp có thể thấy và ghi nhận.

*Bên cạnh câu chuyện của thành công, việc định hình phong cách cá nhân cũng được rất nhiều bạn trẻ quan tâm. Sự tự tin về thần thái, ngoại hình và cả năng lượng tích cực của một người trẻ có phải tốn nhiều thời gian và nỗ lực, theo My?

- Năng lượng tích cực luôn có sẵn trong tôi, một người quan niệm sống phải vui và luôn phải yêu thương bản thân mình. Còn sự tự tin và định hình phong cách cá nhân thì chắc chắn sẽ tốn rất nhiều thời gian, công sức và cả tiền bạc.

Với tôi, tự tin đầu tiên đến từ ngoại hình. Tôi đã mất rất nhiều năm để thay đổi và cải thiện ngoại hình vì thường xuyên tự ti khi bị chê xấu. Tuy vậy, sau nhiều năm thay đổi ngoại hình cho đẹp hơn, tôi nghĩ tự tin nó thật sự đến từ bên trong. Nếu bạn chuẩn bị cho mình một lượng kiến thức dồi dào, một công việc có thu nhập tốt, tự khắc bạn sẽ có thần thái tốt hơn.

Nhìn chung, mỗi cá nhân phải biết và hiểu mình muốn gì, thiếu gì, kém tự tin nhất ở đâu và đi hoàn thiện gấp những phần chưa đủ ấy thì mới có thể tự tin được! Nhiều người họ quá đẹp thì đã là một tài năng lớn và không cần bồi dưỡng kiến thức quá nhiều để tự tin với chính mình. Những người như tôi thì khác, tự thấy mình không thể quá đẹp nên chọn con đường bồi dưỡng tri thức và thần thái bên trong.

* Nhưng, ngoại hình cũng không phải là một câu chuyện dễ bỏ qua. Và được biết, My cũng đã trải qua một khoảng thời gian khá nhiều biến động với vấn đề này?

- Chuyện là, từ khi sinh ra tôi đã có một khuôn mặt lưỡi cày với chiếc cằm dài và luôn rất mặc cảm về điều đó. Nỗi mặc cảm ấy tăng cao khi tôi bắt đầu lớn lên và gặp gỡ nhiều người hơn. Cảm giác bị chê bai điều mà mình không thể thay đổi khiến tôi từ bé đã tin là mình rất xấu xí, chỉ biết cười và chấp nhận khi ai nhắc tới. Rồi vài năm trước, đến lúc gia đình bạn trai cũng thẳng thừng không thích tôi vì... cằm gì mà dài thế?

 Từ ấy, câu chuyện biến thành nỗi ám ảnh nghiêm trọng chứ không đơn thuần chỉ là tự ti. Tôi đã tìm đủ cách để ăn mặc đẹp, trang điểm, thay đổi ngoại hình từng ngày nhưng cuối cùng thì chiếc cằm của mình vẫn không được bỏ qua. Chẳng cần nói, bạn cũng biết tôi đau lòng tới mức nào khi ai đó nhắc về chuyện này. Tôi không muốn ai đụng tay vào cằm, chụp hình thì cũng luôn né tránh góc chụp dễ nhận ra điều ấy và thường phải lấy tay che cằm khi nói chuyện.

Rồi một năm trước, sau những câu đùa ác ý của một người, tôi về nhà, nghiên cứu mọi tài liệu về làm cằm và quyết định: Ok đã đến lúc dẹp đi nỗi tự ti này, đứng lên đi cắt bỏ nó thôi chứ mình chịu đựng hết nổi rồi. Quả thật phẫu thuật hàm rất đau, tôi mê man qua từng ngày đầu hậu phẫu, chẳng ăn được gì, tối nào cũng vào nhà vệ sinh khóc để gia đình không thấy. Rồi vật vã một tuần, mọi chuyện cũng đỡ hơn và tôi sống với một khuôn mặt mới!

*Việc vượt qua nhiều suy tư và đấu tranh nội tâm dẫn đến hành động cụ thể là cả một quá trình. Và đôi khi người ta dễ bỏ cuộc hay chỉ đơn giản là không đủ dũng cảm. Còn My  thuyết phục và tự kiên định với quyết định của bản thân như thế nào?

- Tôi  chưa bao giờ bỏ cuộc với những điều mình muốn làm. Chỉ là trên đường đời đôi khi mệt mỏi quá thì cho bản thân những nhịp nghỉ như đi chơi, ngưng làm việc một ngày để cơ thể “sạc pin” rồi quay lại với mọi thứ. Thành công cũng quan trọng đấy nhưng sức khỏe và tinh thần của mình quan trọng hơn rất nhiều. Muốn đi nhanh thì phải học cách nuôi dưỡng bên trong bạn trước, từ đấy cơ thể mới có đà được! Nói chung, không có gì là quá khó khăn cả, cứ từ từ lắng nghe bản thân rồi mình sẽ làm được, đừng vội vì sẽ hỏng cả!

*Chúng ta hay nói “What doesn't kill you make you stronger” – điều gì không giết được bạn thì sẽ làm bạn mạnh mẽ hơn. Trong trường hợp của My, đó là điều gì vậy?

- Chắc là vì tôi có tham vọng cao. Tôi luôn muốn có cuộc sống tốt hơn từ công việc đến đời sống cá nhân, vì vậy chính bản thân tôi đã là một cá thể đủ nhiều sức bền để gặp thử thách. À, nhưng vẫn có sự sợ hãi nhé, là người mà ai chả có những lúc sợ. Có điều, tôi luôn tìm cách để vượt qua nỗi sợ nhanh nhất  từ những nguồn lực xung quanh và từ đó có thể đạt được việc mình mong muốn.

*Body shaming chưa từng là câu chuyện cũ. My có lời khuyên nào cho những bạn trẻ rơi vào trường hợp tương tự mình: Giữ cái đầu lạnh "bất biến" vượt qua dư luận hay chọn một bước ngoặt và thay đổi toàn diện, giành lấy những niềm vui và sự tự tin mà mình xứng đáng có?

- Trên lý thuyết, người ta hay kêu khi mình bị chê thì nên giữ cái đầu lạnh và kệ đi. Nhưng sao mà kệ được khi chính mình còn thấy điểm đó là khiếm khuyết thật? Ở góc độ cá nhân, tôi nghĩ mọi người nên dành thời gian ngẫm xem cái người ta chê có đúng là cái mình cần thay đổi không? Và thay đổi cái đó thì cuộc đời mình có tốt lên hay không? Nếu có, hãy thử! Sang năm 2020 rồi, bạn đẹp lên thì bạn sẽ có cuộc sống tốt hơn về mọi mặt, từ tự tin bên trong đến cả vật chất bên ngoài nữa.

*Cuối cùng, là một bạn trẻ thuộc lứa Gen Z năng động, đầy tiềm năng và bứt phá, bạn muốn nói gì với những người đi trước đang có cái nhìn chưa nhiều tin tưởng vào lứa Gen Z - những cá thể đầy sắc màu đa nhiệm đa tài nhưng thiếu sự kiên định theo đuổi mục tiêu và dễ nản lòng?

- Lứa Gen Z bây giờ nhiều bạn giỏi lắm. Tôi may mắn bắt đầu làm việc từ khi chỉ 18 tuổi mà sau 4 năm còn cảm thấy các bạn đồng lứa đang rất giỏi rồi! Nhưng, tôi đồng ý là ở lứa tuổi nhỏ, các bạn chắc chắn không thể có đủ tinh hoa để thể hiện mình được. Vì vậy, tôi mong lớp đi trước có thể cho các bạn Gen Z nhiều cơ hội hơn, đừng nhìn vào tuổi hãy nhìn vào tiềm năng thật sự của mỗi cá thể.

* Cám ơn My về cuộc trò chuyện

**** Theo từ điển Macmillan, Body-shaming là hành động chỉ trích người khác, thường dựa vào việc người đó quá béo hoặc gầy. (Một dạng phổ biến của body-shaming là fat-shaming, là hành động chỉ trích một người vì họ quá nặng cân). Những câu nói như “con đó thật béo ú”, “anh kia gầy gò như thằng nghiện” có thể coi là những ví dụ cho hành vi này. 

Body-shaming có thể gồm nhiều hành vi khác nhau, bao gồm sự tự phê phán về hình thể của mình, phê phán hình thể của người khác gián tiếp hoặc trực tiếp trước họ. Như vậy, body-shame có thể là chủ quan và khách quan. Tuy vậy, trong phần tiếp theo của bài viết, chúng tôi đề cập đến tác hại của việc body-shaming người khác, bởi nó là tiệm cận nhất với giá trị cốt lõi mà VOGE đang theo đuổi.